Nhớ người “Anh Cả” của ngành DS- KHHGĐ Việt Nam

0
112

GiadinhNet – Được làm việc trực tiếp với Giáo sư Mai Kỷ, chúng tôi nhận thấy, mình đã được làm việc với một người thủ trưởng, một người thầy hết sức uyên bác nhưng lại rất khiêm tốn, ham học hỏi. Ông học từ sách, từ cộng sự, đồng thời cũng chỉ bảo rất tận tình cho đồng nghiệp. Ở ông luôn toát lên hình ảnh một nhà quản lý giỏi, một nhà khoa học uyên thâm…

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo sư Mai Kỷ vào ngày 9/2/2010. Ảnh: Chí Cường
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Giáo sư Mai Kỷ vào ngày 9/2/2010. Ảnh: Chí Cường

Một người thầy uyên bác, khiêm tốn, một cộng sự tận tình

Năm 1992, trong thời gian Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đang được kiện toàn, củng cố, chúng tôi được tin có thủ trưởng mới là Giáo sư Mai Kỷ về làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban. Lúc đầu, chúng tôi cũng bàn tán, Giáo sư là Tiến sỹ luyện kim, không rõ sẽ làm công tác DS-KHHGĐ thế nào? Có khi lại “tôi luyện tất”(?!).

Sau này được làm việc trực tiếp với Giáo sư, chúng tôi nhận thấy, mình đã được làm việc với một thủ trưởng, một người thầy hết sức uyên bác nhưng lại rất khiêm tốn, ham học hỏi, học từ sách vở, cộng sự, đồng thời cũng chỉ bảo rất tận tình cho đồng nghiệp. Ở ông toát lên hình ảnh một nhà quản lý giỏi, một nhà khoa học uyên thâm. Hết sức bình dị, Giáo sư thường chia sẻ cùng các anh em đồng nghiệp.

Sau này, trong bài viết “Nhìn lại thời gian làm công tác DS – KHHGĐ” in trong tập kỷ yếu “Công tác DS-KHHGĐ – 50 năm Xây dựng và Phát triển (1961-2011), Giáo sư đã bộc bạch: “Năm 1992, đồng chí Võ Văn Kiệt được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ, gọi tôi lên và thông báo đã đề nghị Quốc hội phê chuẩn tôi giữ chức Bộ trưởng phụ trách công tác DS-KHHGĐ và giao cho tôi làm Chủ nhiệm (không gọi là Chủ tịch) Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Có thể nói, tôi bắt đầu làm công tác DS-KHHGĐ với kiến thức bằng không trong lĩnh vực này. Vì vậy tôi dành ra 3 tháng để đọc sách, trao đổi kinh nghiệm với các đồng chí đã làm trước đó, tranh thủ đi họp dân số châu Á – Thái Bình Dương ở Indonesia để tìm hiểu cách làm dân số của Chính phủ nước này và các nước khác…”.

Quả là một vị Bộ trưởng rất bản lĩnh và khiêm tốn khi tự nhận mình “kiến thức bằng không trong lĩnh vực này”. Với vai trò tư lệnh ngành, Giáo sư đã có những quyết sách mang lại thắng lợi cho công tác DS – KHHGĐ Việt Nam. Những quyết sách mang tầm vĩ mô không những thay đổi cung cách làm việc của cơ quan của Việt Nam mà còn cả với các tổ chức quốc tế hợp tác giúp Việt Nam thực hiện chương trình DS-KHHGĐ.

Khi đã nghỉ hưu, nhớ lại quá trình 30 năm hợp tác Việt Nam và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, trong bài phát biểu, Giáo sư Mai Kỷ chia sẻ: “Tôi làm Bộ trưởng phụ trách công tác DS-KHHGĐ từ năm 1992 đến năm 1997, cùng thời gian của chu kỳ IV UNFPA giúp Việt Nam trong công tác này. Tuy Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng cuộc vận động KHHGĐ từ năm 1961, nhưng đến năm 1976, sau khi đất nước thống nhất mới đề ra mục tiêu cụ thể là sau 5 năm đưa tỷ lệ phát triển dân số xuống còn 1,7%, bằng tỷ lệ phát triển dân số trung bình của toàn thế giới lúc bấy giờ. Rất tiếc là mục tiêu này được lặp lại cho 3 kế hoạch 5 năm nhưng vẫn không thực hiện được. Tổng điều tra dân số 1989 đưa ra tỷ lệ phát triển dân số của Việt Nam là 2,2%, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 3,8 con. Trên cơ sở phân tích toàn bộ tình hình, tôi thấy cần thay đổi cách làm của Việt Nam, cũng như cách giúp của UNFPA, coi đây là hai nhân tố rất quan trọng cho sự thành công của công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam. Về cách làm của Việt Nam, chúng tôi tự mình xây dựng Chiến lược 1993- 2000, đổi cách nêu mục tiêu, đổi cách quản lý chương trình và các tổ chức lực lượng làm công tác DS-KHHGĐ”.

Dự thảo Nghị quyết gần 200 trang rút còn 30 trang

Trong giai đoạn đầu 1992, khi làm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS- KHHGĐ, Giáo sư Mai Kỷ đã chỉ đạo công việc thường xuyên do một đồng chí Phó Chủ nhiệm điều hành. Trong những tháng đầu, Giáo sư dành nhiều thời gian để tìm hiểu công việc và tập trung, trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng Nghị quyết TW 4 khóa 7 về “Chính sách DS – KHHGĐ đến năm 2015” để làm cơ sở pháp lý cho toàn ngành…

Để xây dựng Nghị quyết, Giáo sư đã thành lập Tổ chuyên trách, do ông trực tiếp phụ trách, chỉ đạo thực hiện. Thành viên của Tổ gồm một số anh em chuyên môn đang công tác ở Ủy ban và một số cán bộ trưng tập từ các Bộ, ngành và địa phương. Một kỷ niệm nhớ mãi là khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, chúng tôi trình lên Bộ trưởng văn bản dự thảo gồm 198 trang, Giáo sư xem qua, tủm tỉm cười và nói: “Tốt, anh em đã tập hợp và nêu lên được các vấn đề cần thiết. Nhưng để trình một Nghị quyết cho TW xem xét, phê duyệt thì chỉ khoảng 30 trang. Tôi vẫn cho gửi lấy ý kiến đóng góp, anh em tiếp tục nghiên cứu sửa chữa…”.

Sau khi lấy ý kiến đóng góp và sửa chữa, chúng tôi trình Bộ trưởng văn bản dự thảo 68 trang. Giáo sư xem và trả lời: “Tốt rồi, bây giờ tôi sẽ trực tiếp cùng anh em sửa chữa, hoàn thiện”. Sau này Nghị quyết trình Trung ương được thông qua, đúng 30 trang kể cả các biểu phụ lục. Đến bây giờ chúng tôi vẫn còn giữ được các bản lưu có bút tích sửa chữa trực tiếp của Giáo sư.

Trong suốt quá trình công tác, Giáo sư Mai Kỷ luôn là một Bộ trưởng tận tâm với công việc, nhưng cũng là một người thầy luôn chỉ bảo, dìu dắt những cán bộ cùng cộng tác ngày một trưởng thành. Ngay từ khi mới về cơ quan, Bộ trưởng đã tuyên bố: “Tôi không cần thư ký. Tất cả anh em ở cơ quan đều là cộng sự của tôi, cửa phòng tôi lúc nào cũng rộng mở, sẵn sàng tiếp tất cả các đồng chí. Chỉ mong các đồng chí thông cảm, thời gian có hạn, việc thì nhiều! Đồng chí nào cần trình bày vấn đề gì thì chuẩn bị trước, ngắn gọn, đi vào vấn đề chính để cùng nhau xem xét giải quyết, tránh làm mất thời giờ của cả hai”.

Một câu nói của Bộ trưởng cũng khiến chúng tôi nhớ mãi. Trong lễ bàn giao để Bộ trưởng nghỉ hưu (Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm xuống dự), Giáo sư có nói: “Đến nay tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, được Đảng và Chính phủ chấp thuận cho nghỉ, tôi vẫn luôn nhớ đến tất cả anh em cùng cộng tác và mong rằng khi các đồng chí nhớ đến tôi thì nhớ đến một ông già có dáng đi lòng khòng và ghi nhận rằng, đấy là một con người”.

Khi đã nghỉ hưu, Giáo sư Mai Kỷ vẫn quan tâm, theo dõi quá trình công tác của các anh em, thỉnh thoảng lại gửi thư, chỉ bảo tận tình. Trong thư gửi các đồng chí lãnh đạo, các Vụ, Viện có liên quan (ngày 4/1/2005), Giáo sư đã viết: “Đọc báo và nghe đài, tôi thấy các đồng chí hay viện dẫn số liệu về số phụ nữ trong độ tuổi có tỉ lệ sinh đặc trưng cao nhất trong đời (20- 34) cao hơn nhiều so với thời kỳ trước. Về số tuyệt đối thì cao hơn là đương nhiên, nhưng không có ý nghĩa so sánh. Các đồng chí cũng hay nói: Cứ một phụ nữ vào thì ba phụ nữ ra khỏi tuổi sinh đẻ… Tôi e cách viện dẫn số liệu của các đồng chí như đã nói trên là không có cơ sở, vì nếu không đúng, sẽ đánh lạc hướng chúng ta và các cấp lãnh đạo trong việc tập trung vào các nguyên nhân chủ quan để tìm cách giải quyết vấn đề”.

Lần trả lời phỏng vấn “nhớ đời”

Trong đối ngoại, chúng tôi cũng được Giáo sư chỉ bảo cặn kẽ. Giáo sư kể lại: “Tôi rất thích xử lý số liệu để rút ra những kết luận cần thiết. Vì đó là những kết luận khách quan nhất (trừ trường hợp số liệu sai). Khi còn làm việc, các đồng chí hay nhận xét tôi lúc nào cũng “cặm cụi”. Cho đến bây giờ khi thấy trí tuệ phục hồi lại, khi nghe hoặc đọc một số liệu nào đó mà mình quan tâm là trong đầu tôi bắt đầu xử lý để rút ra kết luận ngay. Nhờ vậy mà trong cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC tối 18/11/2004, phát vào sáng 20/11/2004, tôi không bị bất ngờ, trái lại còn rất “dõng dạc”.

Họ đề nghị phỏng vấn tôi về tình hình dân số Việt Nam tăng trở lại. Tôi nói là tôi đã nghỉ hưu rồi, nhưng họ cứ đề nghị hỏi tôi với tư cách là một chuyên gia cho nên tôi đồng ý. Không ngờ khi bắt đầu cuộc phỏng vấn, họ mở đầu bằng câu: “Hôm nay chúng ta tổ chức tọa đàm giữa Giáo sư Mai Kỷ – chuyên gia hàng đầu về dân số của Việt Nam, trước là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ Việt Nam hiện ở Hà Nội và Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm – chuyên gia về dân số và lao động của Pháp hiện ở Paris. Và tôi là Hồng Nga, phóng viên BBC hiện ở Luân Đôn. Xin hỏi Giáo sư Mai Kỷ và Giáo sư Liêm đã sẵn sàng chưa?”. Tất nhiên là hơi bất ngờ, nhưng tôi nói ngay: “Tôi sẵn sàng”.

Trong quá trình tọa đàm, Giáo sư Liêm có nói là tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam công bố là 6%, nhưng thực tế phải 20%. Khi phóng viên Hồng Nga hỏi: “Giáo sư Kỷ có ý kiến gì không?”. Tôi trả lời ngay: “Chẳng những 20%, mà theo điều tra lao động và việc làm ở Việt Nam năm 2004 thực chất là 22%, vì ngoài số thất nghiệp ở đô thị là 6%, còn số thất nghiệp ở nông thôn là 1%, thời gian đủ việc ở nông thôn chỉ đạt 80% và số lao động ở nông thôn là 75%, tính ra tương đương với 15% dân số thất nghiệp nữa, cộng lại có thể nói tỉ lệ thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay thực chất là 22%”.

Tôi nắm được các con số này là nhờ trước đó mấy ngày đọc Báo Gia đình và Xã hội thấy nói Bộ LĐ-TB&XH và Tổng cục Thống kê công bố số liệu về điều tra lao động và việc làm năm 2004. Tôi đã nhờ Trung tâm Tư liệu gửi cho tôi bản báo cáo này để xem cho biết. Từ những số liệu trong báo đã rút ra kết luận về tỉ lệ thất nghiệp trong tổng số lao động cả nước, để suy nghĩ về công tác DS-KHHGĐ. Không ngờ lại rất kịp thời khi trả lời. Khi trả lời phỏng vấn của đài phương Tây, đặc biệt là BBC, có số liệu mình khẳng định, có số liệu mình phản bác (có thể vì họ không đủ số liệu hoặc vì ý đồ nào đó) thì người nghe dễ tin và được thuyết phục hơn”. Nhờ những chỉ bảo cụ thể này mà một số anh em chúng tôi trong quá trình công tác đã mạnh dạn, tự tin trả lời phỏng vấn trực tiếp về những vấn đề liên quan đến Chính sách DS-KHHGĐ Việt Nam.

Giữa năm 2007 có tin chuẩn bị giải thể Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em, bối rối trăm bề, một số anh em chúng tôi có đến thăm Giáo sư để giãi bày và chia sẻ. Trong buổi gặp, Giáo sư không nói gì nhiều, nhưng sau này mới biết, Giáo sư suy nghĩ và trăn trở rất nhiều cho công tác Dân số, Gia đình và Trẻ em lúc đó. Tháng 6/2007, Giáo sư gửi tâm thư đến Bộ Chính trị với tư cách là nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ. Trong thư, Giáo sư cũng nhắc lại xuất xứ vì sao mình được cử làm công tác DS-KHHGĐ. Giáo sư đã trích nêu 12 nguồn số liệu, tài liệu minh chứng cho thực trạng dân số Việt Nam, đồng thời so sánh với bài học kinh nghiệm quốc tế, nhất là các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Phần cuối là kiến nghị và đề xuất một số giải pháp về tổ chức, bộ máy làm công tác Dân số, Gia đình và Trẻ em Việt Nam. Trong những khuyến nghị và giải pháp mà Giáo sư đề ra lúc đó (tháng 6/2007), cho đến bây giờ đối chiếu lại chúng tôi vẫn thấy còn nguyên giá trị thực tiễn.

Hà Nội tháng 5/2016

Vĩnh biệt Giáo sư Mai Kỷ – nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ, người “Anh Cả”, người thầy của ngành DS – KHHGĐ Việt Nam. Chúng tôi sẽ nhớ mãi một con người suốt đời tận tụy vì công việc chung, một con người luôn bao dung và rất nhân văn.

* Các tít phụ trong bài viết do Tòa soạn đặt.

Nguyễn văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ