GiadinhNet – Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Dân số – Phát triển”. Hội thảo do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) tổ chức tại TP HCM (ngày 20/6). Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ đã đại diện Tổng cục trình bày bản tham luận “Định hướng chính sách dân số Việt Nam trong thời gian tới”. Bản tham luận nhận được sự chia sẻ tích cực của nhiều đại biểu.
Thách thức không nhỏ
Theo ông Nguyễn Văn Tân, chính sách dân số Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào 5 nội dung cốt lõi: Quy mô dân số; Cơ cấu dân số; Chất lượng dân số; Di cư; Dân số và phát triển. Trong bản tham luận, ông Nguyễn Văn Tân đã nêu rõ những kết quả đạt được trong thời gian qua, đồng thời chia sẻ những thách thức cùng với định hướng chính sách DS – KHHGĐ trong thời gian tới.
Liên quan đến quy mô dân số hiện nay, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh đến thành tựu Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế (trung bình 2,1 con/người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ 15-49) năm 2006. Đến thời điểm này, mặc dù mức sinh thay thế vẫn được duy trì, song ông Tân cảnh báo: Ngày càng có nhiều sự khác biệt, chênh lệch giữa các vùng và tỉnh/thành.
Chính vì thế tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân đã chia sẻ cùng các đại biểu nội dung kết luận của Ban Bí thư Trung ương hồi đầu năm 2016 liên quan đến quy mô dân số, cũng là định hướng sắp tới mà ngành Dân số phải nỗ lực phấn đấu:“Duy trì mức sinh thay thế và điều tiết mức sinh hợp lý. Tập trung chỉ đạo để giảm sinh ở những tỉnh, thành phố có mức sinh còn cao; duy trì kết quả đã đạt được ở những tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế; thực hiện mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp; đảm bảo quy mô dân số không quá 98 triệu người vào năm 2020 và tạo cơ sở vững chắc để tiến tới ổn định quy mô dân số ở mức 115- 120 triệu người từ giữa thế kỷ XXI”.
Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức. Dự báo cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2049. Tại thời điểm đó, ước tính tỷ lệ người trong độ tuổi lao động của Việt Nam chiếm 64,4% tổng số dân. Ngành Dân số đã đề xuất hàng loạt giải pháp nhằm phát huy lợi thế cơ cấu “dân số vàng” như: Duy trì mức sinh thấp hợp lý nhằm kéo dài thời gian cơ cấu “dân số vàng”; Tăng cơ hội việc làm, đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn, ở các ngành sử dụng nhiều lao động; Xuất khẩu lao động; Tăng năng suất lao động, Hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao; Mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động trong đó chú trọng đến cơ hội đào tạo, việc làm cho phụ nữ, cho vùng sâu, vùng xa; Đầu tư cho GD&ĐT; Mở rộng và nâng cao chất lượng với một cơ cấu hợp lý; Có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển, đặc biệt cho phát triển con người, trước hết là y tế, dân số…
Ông Nguyễn Văn Tân còn đề cập đến hai vấn đề “nóng” là tình trạng già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh. Theo đó, với thời gian chuyển đổi từ “già hóa dân số” sang “dân số già” tại Việt Nam chỉ 18 năm, khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với hàng loạt quốc gia khác trên thế giới. Số liệu thống kê cho thấy, hồi năm 2014 Việt Nam có 9,5 triệu người hơn 60 tuổi. Với số dân và tốc độ già hóa dân số nhanh, dự báo đến năm 2050 Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số “siêu già”.
Dân số phải gắn liền với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước
Việt Nam đang đối mặt trước nhiều thách thức bởi tình trạng già hóa dân số nhanh. Theo đó, nếu không có các biện pháp can thiệp thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ có từ 2,3- 4,3 triệu thanh niên đến tuổi trưởng thành “ế vợ”. Ngành Dân số đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ nữ giới, hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là nữ, tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, tăng cường truyền thông, vận động… Đây là những việc làm cần thiết nhằm kịp thời can thiệp tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tân đã nêu bật quan điểm về chính sách dân số của Đảng và Nhà nước. Theo đó, Nghị quyết số 04-NQ/HNTW của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) đã nêu rõ: “Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế- xã hội hàng đầu của nước ta, là một yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và của toàn xã hội”. Cùng với đó là hai giải pháp cơ bản: Tuyên truyền, vận động, giáo dục và cung cấp dịch vụ KHHGĐ đến tận tay người dân.
Ngày 4/1/2016, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX nhằm tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.Cụ thể là: Duy trì mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Tận dụng cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với quá trình già hóa dân số; Điều chỉnh phân bổ dân số hợp lý; Nâng cao chất lượng dân số; Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển.
Rất tâm đắc với nội dung “Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển”, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã chia sẻ: Dự thảo Luật Dân số sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới cần thể hiện rõ nội dung này. Theo ông Nguyễn Văn Tiên, dân số vừa là nền tảng phát triển vừa chịu nhiều tác động, ảnh hưởng bởi quá trình phát triển, vì vậy “các dự án phát triển kinh tế, ngay cả dự án Luật cũng cần tính đến sự tác động, ảnh hưởng đối với dân số”.
Ông Nguyễn Văn Tiên còn chia sẻ thêm: Luật Bình đẳng giới cũng nêu rõ mọi dự án phát triển cần tính đến vấn đề liên quan đến giới. Do đó, xây dựng Luật Dân số cũng phải tính đến nội dung “Lồng ghép biến dân số vào kế hoạch hóa phát triển”, để “mẫu số chung của sự phát triển là dân số không bị gạt sang một bên”.
Hội thảo “Đại biểu dân cử với chính sách, pháp luật về bình đẳng giới và Dân số – Phát triển” nhằm cung cấp thông tin đến các đại biểu về việc thực thi chính sách, pháp luật về Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình, Dân số và Phát triển. Bên cạnh đó là các ý kiến đóng góp liên quan đến Dân số và Phát triển, giúp xây dựng Luật Dân số, dự kiến trình Quốc hội trong thời gian tới.
Tại hội thảo, ThS. BS Nguyễn Trung Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương đã cảnh báo về thách thức của “già hóa dân số” đối với hệ thống y tế. “Người cao tuổi thường gặp nhiều bệnh mạn tính phải điều trị suốt đời. Chi phí y tế cho người già cao gấp 7-10 lần người trẻ nhưng khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn hạn chế. Nguồn nhân lực là bác sĩ chuyên khoa lão, điều dưỡng lão khoa còn thiếu”, ThS. BS Nguyễn Trung Anh nhận định.
Đồng tình với ý kiến trên, ThS Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cũng chia sẻ: “Dự báo năm 2017, Việt Nam có tỉ lệ người cao tuổi từ 60 trở lên không ngừng tăng. Hiện nay, có trên 8.000 người cao tuổi đang được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, mạng lưới các cơ sở thiếu về số lượng, yếu về chất lượng và thiếu sự liên kết, kết nối mang tính hệ thống với các cơ quan phúc lợi xã hội…”. Bàn giải pháp thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”, ông Tô Đức đề xuất cần tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức tham gia cung cấp dịch vụ công về chăm sóc người cao tuổi. Còn ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ kiến nghị, cần xây dựng hệ thống lão khoa và các mô hình chăm sóc người cao tuổi tại gia đình và cộng đồng trên toàn quốc.
Hoàng Lan
Thanh Giang