Tổng kết 5 năm công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011-2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016-2020: Nỗ lực cho bước chuyển biến lớn, tập trung nâng cao chất lượng dân số

0
443

GiadinhNet – Giai đoạn 2011 – 2015, công tác DS – KHHGĐ đã đạt được những thành công, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tại Hội nghị tổng kết 5 năm công tác DS – KHHGĐ giai đoạn 2011- 2015, triển khai nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của toàn xã hội, đặc biệt phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: Chí Cường
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trao Bằng khen cho các đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong công tác DS-KHHGĐ. Ảnh: Chí Cường

Những dấu ấn đáng tự hào

Giai đoạn 2011 – 2015, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương, sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ban, ngành đoàn thể và nỗ lực của cán bộ, cộng tác viên dân số, công tác DS – KHHGĐ đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội chung của đất nước.

Những kết quả đạt được của công tác DS – KHHGĐ 5 năm qua cũng chính là sự kế tiếp thành công của hơn 50 năm Việt Nam thực hiện công tác DS – KHHGĐ. Hệ thống pháp luật, chính sách về dân số ngày được hoàn thiện. Tổ chức bộ máy, cán bộ được củng cố, bước đầu đáp ứng được nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Các chỉ tiêu về DS – KHHGĐ đến năm 2015 cơ bản đã đạt được. Cụ thể, quy mô dân số nước ta năm 2015 là 91,70 triệu người, đạt mục tiêu dưới 93 triệu người vào năm 2015. Mức sinh thay thế (số con trên một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) được duy trì 2,1 con từ năm 2006 đến nay. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) luôn ở mức cao, cơ cấu sử dụng các BPTT thay đổi theo xu hướng tích cực, luôn trên 76%, trong đó các BPTT hiện đại luôn trên 66%.

Những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ đã từng bước được tháo gỡ. Tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) bước đầu được khống chế: Tỷ số GTKS năm 2015 là 112,8 bé trai/100 bé gái. Như vậy, qua 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ giai đoạn 2012 – 2015, tốc độ gia tăng tỷ số GTKS bước đầu được khống chế và năm 2015, tỷ số này ở mức dưới 113 bé trai/100 bé gái, đạt chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ bà mẹ mang thai, trẻ sơ sinh được sàng lọc ngày càng cao, tăng từ 1,5% (năm 2010) lên 15% (năm 2015); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh tăng từ 6% (năm 2010) lên 30% (năm 2015), đạt chỉ tiêu Chiến lược và Chương trình đặt ra. Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh ngày càng giảm: Tỷ lệ trẻ em mới sinh bị dị tật bẩm sinh đã giảm xuống còn 1,57%, vượt chỉ tiêu mà Chương trình đặt ra (mục tiêu của Chương trình là giảm xuống còn 2,5%).

Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên được cải thiện qua các mô hình Tư vấn, khám sức khỏe vị thành niên, thanh niên và được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi (NCT) được nâng cao, góp phần quan trọng vào việc phát huy vai trò, trí tuệ, khả năng đóng góp cho xã hội và việc chăm sóc sức khỏe NCT ngày càng được coi trọng, cải thiện và nâng lên. Tuổi thọ bình quân của người dân tăng và ở mức 73,2 tuổi. Chất lượng dân số vùng biển, đảo, ven biển được nâng lên… Ông Nguyễn Văn Tân cho biết: “Nhiều mô hình, đề án về cơ cấu dân số và nâng cao chất lượng dân số được triển khai có hiệu quả. Phong trào nhân dân tự nguyện thực hiện KHHGĐ ngày càng phát triển mở rộng; mô hình gia đình có 1 hoặc 2 con đã và đang trở thành một chuẩn mực xã hội”.

Những thách thức cần vượt qua

Trong 5 năm qua, thành công của công tác DS – KHHGĐ là kết quả của sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Kết quả của công tác dân số đạt được trong thời gian qua đã góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội, xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập bình quân đầu người, cải thiện đời sống về vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy đạt được những kết quả tốt đẹp, nhưng công tác DS – KHHGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế. Mặc dù hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cho công tác DS-KHHGĐ trong 5 năm qua đã đạt được, song vẫn còn một số mục tiêu đạt thấp hoặc chưa thực sự vững chắc. Tuy chưa vượt khỏi tầm kiểm soát nhưng mức sinh đã tăng liên tục từ năm 2011 (TFR: 1,99) đến 2015 (TFR: 2,1); công tác chăm sóc sức khỏe cho NCT chậm được cải thiện; chất lượng dịch vụ DS – KHHGĐ, chăm sóc SKSS còn nhiều hạn chế… Bộ máy tổ chức, cán bộ chưa được hoàn thiện, thiếu thống nhất ở các địa phương; kinh phí chương trình liên tục bị cắt giảm. Bên cạnh đó, vẫn còn một số cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa chiến lược và tính chất khó khăn, phức tạp của công tác DS-KHHGĐ, nên đã xuất hiện tư tưởng chủ quan thỏa mãn với những kết quả đạt được, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra đôn đốc và chưa kịp thời định hướng, đề ra các giải pháp thiết thực, điều chỉnh chính sách thích ứng với diễn biến của tình hình thực tiễn, chưa lồng ghép dân số vào trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của ngành mình, địa phương mình.

Do vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, để phát huy những thành tựu đã đạt được và khắc phục những mặt còn tồn tại trong công tác DS – KHHGĐ, giai đoạn 2016 – 2020 cần tiếp tục quán triệt các quan điểm của Chiến lược DS&SKSS đến năm 2020; triển khai đồng bộ các giải pháp tập trung nâng cao chất lượng dân số, duy trì vững chắc mức sinh thay thế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Chú trọng nâng cao chất lượng dân số

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, dân số là một trong những vấn đề quan trọng trong chiến lược phát triển của một quốc gia. Hiện nay, công tác dân số của Việt Nam đang đứng trước bước chuyển lớn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của ngành Dân số cũng như sự chung tay vào cuộc của toàn thể các Bộ, ban ngành từ Trung ương đến địa phương.

Phó Thủ tướng chỉ rõ: Trong thời gian tới, công tác DS-KHHGĐ cần phát huy hơn nữa những thành tích đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, thách thức còn tồn tại, như quy mô dân số đã đạt kế hoạch nhưng vẫn có xu hướng gia tăng; nhiều vùng trên cả nước nhất là vùng Đồng bằng Bắc Bộ vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm phong kiến như “trọng nam khinh nữ” khiến việc lựa chọn giới tính thai nhi có xu hướng tăng cao. Điều này khiến tình trạng mất cân bằng GTKS ngày càng gia tăng. Ngoài ra, trong 5 năm qua, tỷ lệ sử dụng các BPTT đang giảm xuống; già hóa dân số tăng nhanh, nếu không có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số già điển hình trên thế giới.

Phó Thủ tướng đề nghị, đến năm 2017, ngành Y tế, Dân số sẽ tham mưu BCH Trung ương Đảng để ban hành Nghị quyết về dân số và trình Quốc hội ban hành Luật Dân số. Phó Thủ tướng chỉ đạo, ngay từ bây giờ, ngành Dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân số. Dân số ở đây không chỉ có quy mô, cơ cấu, phân bổ… mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.

Tiếp thu ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Dân số là vấn đề phát triển bao gồm vấn đề sức khỏe, liên quan đến giáo dục, liên quan đến chất lượng dân số, đặc biệt là giống nòi. Trong bối cảnh già hóa dân số ở nước ta hiện nay, Bộ Y tế đang tiến hành xây dựng chương trình hành động và đề án cụ thể về chăm sóc sức khỏe NCT. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sàng lọc trước sinh và sơ sinh; tư vấn tiền hôn nhân; giảm thiểu mất cân bằng GTKS; xã hội hóa PTTT và hàng hóa SKSS; đẩy mạnh nâng cao chất lượng dân số.

“Đừng để công tác dân số chỉ là cái gạch đầu dòng trong các văn bản”

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói: “Với cơ cấu bộ máy tổ chức như hiện nay, tôi đề nghị các địa phương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chú trọng vấn đề dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số. Vấn đề dân số là một trong những vấn đề chiến lược trong phát triển của một quốc gia. Do đó, đừng để công tác dân số chỉ là cái gạch đầu dòng trong các văn bản. Tôi mong muốn các đồng chí ở địa phương, các Bộ, ngành, đặc biệt là giới truyền thông tích cực làm tốt công tác dân số ở hệ thống và trong toàn xã hội. Tất cả các vấn đề về dân số, nếu không nghiên cứu và có các biện pháp chuẩn bị trước tối thiểu là 15 – 20 năm thì hậu quả sau này sẽ vô cùng lớn”.

Tổng kết Hội nghị là Lễ trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Tổng cục DS – KHHGĐ và trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế cho các tập thể đạt thành tích trong công tác DS-KHHGĐ. Theo đó, có 96 tập thể và 174 cá nhân có nhiều thành tích trong công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2011 – 2015 vinh dự được khen thưởng.

Hà Anh – Mai Thùy