Trẻ em gái vị thành niên: Quyền được hưởng một cuộc sống an toàn

0
191

GiadinhNet – Các trẻ em gái vị thành niên có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời vị thanh niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình, và các nhà lãnh đạo chính trị của ngày mai.

Năm 2016, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lấy chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên ” nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của đối tượng này. Ảnh: Chí Cường
Năm 2016, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc lấy chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên ” nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của đối tượng này. Ảnh: Chí Cường

Từ quyền về sức khỏe sinh sản…

Bất kỳ trẻ em gái nào, dù các em sống ở đâu và có tình trạng kinh tế nào, thì các em vẫn có quyền thực hiện đầy đủ các tiềm năng của mình – Giám đốc Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc Babatunde Osotimehin từng khẳng định như vậy khi nói về thực trạng mang thai ở tuổi vị thành niên, về chính sách dân số và quyền của trẻ em gái.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), hiện nay trên thế giới có khoảng hơn 600 triệu trẻ em gái, trong đó hơn 500 triệu em đang sinh sống tại các nước đang phát triển. Không thể phủ nhận rằng các em chính là những người đại diện cho thế hệ hiện tại và tương lai của nhân loại. Quyền được chăm lo sức khỏe sinh sản là một trong những quyền mà phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng và xã hội phải quan tâm.

Quyền về sức khỏe sinh sản chính là nền tảng cho việc sinh con khỏe mạnh, các mối quan hệ thân thiết và các gia đình hạnh phúc. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi đứa trẻ đều được sinh ra theo ý muốn, đều được sinh ra an toàn, các thanh niên khỏe mạnh, phụ nữ và trẻ em gái được đối xử tôn trọng và bảo toàn nhân phẩm. Khi các quyền liên quan sinh sản được tôn trọng thì chính người phụ nữ cũng có quyền tham gia một cách đầy đủ, tự do và bình đẳng vào các hoạt động của xã hội.

Tuy nhiên, theo số liệu của UNFPA, hàng năm có khoảng 16 triệu em gái tuổi từ 15 – 19 mang thai và sinh con. Cứ 10 trẻ em gái tuổi vị thành niên thuộc nhóm này thì có 9 em đã lập gia đình. Rất nhiều em trong số này không được tự mình quyết định việc mang thai hay không. Đáng lưu tâm là các biến chứng khi mang thai và khi sinh tiếp tục là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong mẹ cho các em gái tuổi từ 15 – 19 ở các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình.

Còn ở nước ta, theo kết quả của Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, khoảng 2% nam thanh niên và 8,5% nữ thanh niên trong độ tuổi từ 15 – 19 đã từng kết hôn; có khoảng 7,5% phụ nữ bắt đầu mang thai trong độ tuổi từ 15 – 19. Và theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 300 nghìn ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 – 19, trong đó 60 – 70% là học sinh, sinh viên. Với con số này, Việt Nam là nước có tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 5 trên thế giới

…đến quyền được sinh ra

Các em gái được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng. Ảnh: Dương Ngọc
Các em gái được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng. Ảnh: Dương Ngọc

Mất cân bằng giới tính (MCBGT) khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng tăng của nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước thuộc Nam Á, Đông Á và Trung Á. Sự mất cân bằng này đang khiến toàn châu Á thiếu hụt tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái (phần lớn là ở Trung Quốc và Ấn Độ).

Nguyên nhân dẫn đến sự MCBGT khi sinh đó là do tâm lý thích con trai là người phụng dưỡng cha mẹ khi về già, nối dõi tông đường… Nếp nghĩ thâm căn cố đế này tạo áp lực lớn buộc người phụ nữ phải đẻ cho được con trai, từ đó ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh sản của họ. Bên cạnh đó là sự phát triển của khoa học – công nghệ cho phép con người có nhiều sự lựa chọn mà siêu âm là một điển hình giúp họ chẩn đoán lựa chọn giới tính. Theo đó, nhiều bé gái đã “mất tích”, quyền được sinh ra của bé gái bị tước đoạt…

Ở nước ta, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, mấy thập kỷ trước, tỷ lệ nữ chiếm khoảng 53 -52%, nam giới 47 – 48% và được duy trì khá ổn định. Nhưng trong 14 năm gần đây, tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh tăng dần từ 105, 106 đến 120 bé trai/100 bé gái. Nếu vấn đề này không được giải quyết hiệu quả thì chỉ trong thời gian ngắn Việt Nam sẽ dư thừa 2,3 – 4,3 triệu nam thanh niên. Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng, những biện pháp nhằm giảm sự gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh triển khai thời gian vừa qua đáng được ghi nhận, nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa thật tốt. Biện pháp can thiệp mới chú trọng về kỹ thuật, cấm siêu âm chẩn đoán giới tính, cấm phá thai lựa chọn giới tính… và tính khả thi không cao.

Cần đầu tư nhiều hơn vào trẻ em gái vì lợi chung của chính các em. Các em gái được học hành và khỏe mạnh sẽ có nhiều cơ hội để phát huy hết tiềm năng của mình, đồng thời sẽ có nhiều cơ hội để nhận các quyền mà mình được hưởng.

Cần có các sáng kiến đột phá

Tại Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ và thông tin về SKSS/SKTD bao gồm KHHGĐ đã được mở rộng, chất lượng dịch vụ đã được cải thiện. Tuy nhiên, các chương trình truyền thông hầu hết vẫn nhằm mục tiêu vào các cặp vợ chồng, còn các chương trình cụ thể giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của thanh niên độc thân chưa được thực hiện.

Chúng ta cần có các sáng kiến đột phá để cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho các bạn trẻ. Việt Nam có quy mô dân số đạt 90 triệu người, là nước đông dân thứ 14 trên thế giới, thứ 3 ở Đông Nam Á (sau Indonesia và Philipines) trong đó nhóm dân số vị thành niên, thanh niên chiếm 29% tổng dân số cả nước. Nhóm dân số này là lực lượng xã hội to lớn, là nhân tố quan trọng quyết định tương lai của dân tộc. Tuy nhiên, không phải tất cả trẻ vị thành niên đều được tiếp cận với giáo dục và chăm sóc sức khỏe có chất lượng, cũng như sự bảo vệ và sự tham gia, đặc biệt là trẻ em gái vị thành niên. Nhóm trẻ em gái này chưa nhận được sự quan tâm thích đáng mà lẽ ra các em phải được hưởng với tư cách là các cá nhân, các em chưa nhận được sự hỗ trợ cần thiết giúp vượt qua các bất bình đẳng và phân biệt đối xử tước đi cơ hội công bằng trong cuộc đời.

Rất cần các biện pháp can thiệp giúp tăng cường sức khỏe, an toàn và giáo dục của trẻ em gái từ 10 đến 19 tuổi. Chính vì vậy, năm 2016, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc lấy chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên ” nhằm kêu gọi các nhà hoạch định chính sách và tài chính đầu tư cho việc phát huy tiềm năng của trẻ em gái vị thành niên cho phép bảo đảm quyền của các em hiện nay và bảo đảm một tương lai công bằng hơn và thịnh vượng hơn. Một tương lai mà ở đó, các trẻ em gái sẽ có phần bình đẳng, có quyền được hưởng một cuộc sống an toàn, có sức khỏe và giáo dục tốt, không chỉ trong suốt những năm tháng đầu đời quan trọng mà cả khi trở thành phụ nữ. Nếu được quan tâm trong thời vị thành niên, trẻ em gái sẽ có tiềm năng để thay đổi thế giới, trở thành những người lao động, các bà mẹ, các doanh nhân, cố vấn, các nhà lãnh đạo trong gia đình và các nhà lãnh đạo chính trị của ngày mai.

Vì lợi ích của của gia đình, của từng địa phương và toàn xã hội, “Hãy hành động vì sự an toàn và phát triển toàn diện của trẻ em gái vị thành niên” nhằm nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Cộng đồng quốc tế cùng cam kết đầu tư cho trẻ em gái

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon từng cho biết: Các mục tiêu phát triển bền vững được thông qua gần đây bao gồm những mục tiêu thiết yếu về bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.

Những mục tiêu này là cơ hội cho cộng đồng quốc tế cam kết nhằm phá vỡ quá trình lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác của đói nghèo, bạo lực, lạm dụng, phân biệt đối xử và thực hiện tầm nhìn của tất cả chúng ta: một cuộc sống phẩm giá cho tất cả mọi người. Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên Hợp Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng cam kết đầu tư cho các trẻ em gái vị thành niên ngày hôm nay để ngày mai họ có thể mạnh mẽ ở cương vị là công dân, lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, chủ hộ gia đình. Đó cũng chính là chúng ta bảo đảm quyền lợi của mình và tương lai chung của nhân loại.

Mai Anh