GiadinhNet – Ngày 23/3 tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo Tham vấn đề án trình Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới. Hội thảo có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và các Thứ trưởng Bộ Y tế, lãnh đạo các Tổng cục, Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ, đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo ngành Y tế 32 tỉnh/thành phố…
Những thành tựu quan trọng của công tác dân số
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, sự phân công của Ban Cán sự Đảng Chính phủ giao cho Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế xây dựng Đề án về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới, Bộ Y tế đã tiến hành tổng kết, đánh giá 25 năm thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác DS-KHHGĐ để thấy rõ sự phát triển, đổi mới về quan điểm, chủ trương từ khi có Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII (năm 1993) đến nay.
25 năm qua, từ ngày thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ (ngày 14/1/1993) đến nay, công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, các quan điểm được thực hiện đúng theo định hướng của Đảng và cơ bản đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công tác dân số nước ta đã xuất hiện những đặc điểm và xu hướng mới, khác biệt, tác động rất lớn đến sự phát triển bền vững của Việt Nam theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực, đòi hỏi có sự chuyển hướng trong chính sách, cơ chế.
Hội thảo nhằm đánh giá những thành tựu đã đạt được, những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, cơ hội và thách thức lớn trong công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong giai đoạn mới, nhằm đưa ra một bức tranh tổng thể, toàn diện về công tác Y tế – Dân số hiện tại, để cung cấp đầy đủ thông tin đáng tin cậy cho Ban Cán sự Đảng, Chính phủ xem xét, trình Bộ Chính trị và kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương ban hành một Nghị quyết mới về công tác Y tế – Dân số.
Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về chính sách DS-KHHGĐ 25 năm đổi mới, với sự vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, với sự nỗ lực của cả hệ thống làm công tác dân số, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn: Công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, các quan điểm được thực hiện đúng theo định hướng của Đảng và cơ bản đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Đơn cử, chúng ta đã khống chế được tỷ lệ tăng dân số, đạt và duy trì ổn định mức sinh thay thế tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI. Hiện nay, mỗi bà mẹ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con. Mức 2,1 con này đã đạt và duy trì từ năm 2005 đến nay, sớm hơn 10 năm như trong mục tiêu Nghị quyết Ban chấp hành Trung ương khóa VII về chính sách DS-KHHGĐ đã đề ra. Ngoài ra, cơ cấu dân số theo tuổi của nước ta có sự thay đổi theo hướng tích cực, Việt Nam đang ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chất lượng dân số được nâng lên, tuổi thọ trung bình ở mức cao…
“Thành công trong việc thực hiện chính sách DS-KHHGĐ đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhất là đóng góp vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và cải thiện đời sống nhân dân”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn khẳng định.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế lớn của thời kỳ chuyển đổi nhân khẩu cũng còn nhiều thách thức, vấn đề mới nảy sinh trong công tác DS-KHHGĐ có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước, cần phải quan tâm giải quyết. Đơn cử như mức sinh không đồng đều giữa các vùng miền, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang ở mức quá cao, lan rộng từ thành thị đến nông thôn, ở tất cả mọi vùng trên toàn quốc. Một thách thức lớn nữa hiện nay là dù đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”, nhưng làm thế nào để có đủ việc làm cho 63 triệu người trong độ tuổi lao động. Hơn nữa, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn hạn chế. Song song với đó, chúng ta cũng đang trong thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Việc xây dựng một xã hội thích ứng với giai đoạn này đặt ra thách thức lớn. Việc lồng ghép các yếu tố dân số trong hoạch định chính sách, xây dựng quy hoạch, kế hoạch còn hạn chế…
Chuyển trọng tâm
Nhận thức được những đặc điểm và những xu hướng mới, khác biệt của dân số nêu trên, ngày 4/1/ 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ; trong đó: “Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số” và “cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển”. Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”.
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhấn mạnh, đây cũng là mục tiêu chung của việc thực hiện công tác dân số trong tình hình mới: Gắn chặt Dân số với Phát triển, bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều.
Dự thảo Đề án đã nêu ra 5 mục tiêu cụ thể trong thực hiện công tác dân số trong tình hình mới, chủ yếu đặt các mục tiêu đến năm 2030. Trong đó, về quy mô dân số, điều tiết có hiệu quả mức sinh, tiếp tục thực hiện giảm sinh ở những khu vực, địa phương có mức sinh cao, duy trì và từng bước tăng mức sinh ở những khu vực, địa phương có mức sinh đã ở mức thấp, duy trì mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước, để quy mô dân số ở mức khoảng 110 triệu người vào năm 2030.
Đối với thách thức về mất cân bằng giới tính khi sinh, Dự thảo đề ra mục tiêu sẽ tập trung tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về hành vi lựa chọn giới tính khi sinh của các tầng lớp nhân dân, giảm thiểu tình trạng này, đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên (107 bé trai/100 bé gái sinh ra sống) trước năm 2030. Về cơ cấu dân số vàng, mục tiêu đề ra là xây dựng và thực hiện có hiệu quả chiến lược tổng thể tận dụng cơ hội do dân số vàng mang lại, nhằm đạt và vượt các mục tiêu phát triển kinh tế đề ra đến năm 2030 (với GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD). Việt Nam cũng sẽ chủ động, tích cực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ để thích ứng với quá trình già hóa dân số, phấn đấu đến năm 2030, 100% người cao tuổi được bảo đảm về an sinh xã hội. Nâng cao chất lượng dân số cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần, phấn đấu đến năm 2030, chỉ số phát triển con người (HDI) của người Việt đạt mức trung bình tiên tiến (xếp hạng dưới 90).
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong công tác dân số
Một trong những quan điểm được đề nghị đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và dân số trong tình hình mới (tại Hội nghị Trung ương 6 khóa XII) là:
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp trong công tác Y tế – Dân số, huy động lực lượng toàn xã hội tham gia công tác Y tế – Dân số, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp theo kế hoạch chung, thống nhất, có bộ máy chuyên trách đủ mạnh để quản lý và điều phối có hiệu quả để thực hiện đổi mới chính sách Y tế – Dân số theo hướng giải quyết toàn diện, đồng bộ và hài hòa các vấn đề về Y tế – Dân số và Phát triển là một trong những yếu tố cơ bản bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Quỳnh Anh