Công tác Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại Việt Nam

0
149

Theo Báo cáo “Công tác Tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại Việt Nam” của Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ

Nhân kỷ niệm lần thứ 10, Ngày tránh thai Thế giới (26/9), sáng ngày 26/9/2017, Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ (HLHPN) Việt Nam có sự đồng hành của Công ty TNHH Bayer tổ chức Hội thảo: “Lợi ích của tránh thai hưởng ứng Ngày tránh thai Thế giới” với chủ đề “Lợi ích của tránh thai và trách nhiệm của chúng ta”.

Trong thời gian qua, công tác dân số – kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm nên đã đạt được những thành tựu quan trọng góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tổng tỉ suất sinh (số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) đạt mức sinh thay thế vào năm 2005 và sớm hơn 10 năm so với Nghị quyết Trung ương 4 (khoá VII) đề ra và duy trì cho đến nay; tỷ lệ tăng dân số giảm và xuống còn 1,08% năm 2016; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai (BPTT) đạt ở mức cao, năm 2015 là 75,7% trong đó tỷ lệ sử dụng các BPTT hiện đại là 65% .

Đạt được các kết quả trên, công tác tiếp thị xã hội (TTXH) các phương tiện tránh thai (PTTT) là một trong những giải pháp quan trọng trong thời gian qua tại Việt Nam. Bắt đầu từ năm 1993, công tác TTXH các PTTT – bán PTTT được sự trợ giá của nhà nước được triển khai thực hiện. Sau 25 năm, công tác TTXH các PTTT đã đạt được nhiều kết quả, cụ thể là:

1. Người dân được tiếp cận với các PTTT chất lượng cao như bao cao su, viên uống tránh thai và vòng tránh thai …
Theo quy định hiện hành các PTTT đưa vào Việt Nam phải có giấy phép lưu hành do Bộ Y tế cấp và các công ty thuộc các thành phần kinh tế có giấy phép kinh doanh được chủ động nhập khẩu và bán các PTTT trên thị trường. Sản phẩm TTXH được đăng ký chất lượng, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm dùng riêng cho TTXH và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành tại Việt Nam.

PTTT được cung cấp cho người dân có nhu cầu sử dụng theo các hình thức miễn phí, TTXH và thị trường thương mại. Trong đó, khoảng 54% thị phần được cấp miễn phí cho người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo; người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số sống tại xã đặc biệt khó khăn; xã thuộc vùng có mức sinh cao và không ổn định; người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày, khi cập bờ và vào các âu thuyền tại các xã ven biển có nhiều người làm việc trên biển; 40% thị phần là TTXH và chỉ có 6% thị phần do thị trường thương mại cung cấp. Năm 2015, 87% bao cao su và trên 40% viên uống tránh thai trong thị phần PTTT tại Việt Nam được cung cấp qua kênh TTXH và thị trường tự do.

2. Số lượng khách hàng thay đổi hành vi từ nhận miễn phí chuyển sang tự chi trả PTTT theo hình thức TTXH ngày càng tăng
Kết quả phân phối sản phẩm TTXH thứ 1 tỷ đã trở thành sự kiện dân số năm 2010 và là đặc trưng của Chương trình dân số Việt Nam.

Trong tổng số người sử dụng PTTT tỷ lệ khách hàng mua PTTT TTXH ngày càng tăng. Tỷ lệ khách hàng mua bao cao su TTXH trong tổng số người sử dụng bao cao su đã tăng từ 45,8% năm 1997 lên 88% năm 2016; tương ứng thời gian nêu trên, tỷ lệ sử dụng viên uống tránh thai TTXH đã tăng tương ứng từ 25% lên 69%. Đối với các PTTT lâm sàng như thuốc tiêm, que cấy đang triển khai thí điểm, kết quả cho thấy bắt đầu có sự chuyển đổi hành vi khách hàng từ nhận miễn phí sang tự chi trả PTTT theo hình thức TTXH.

3. Sản phẩm TTXH ngày càng đa dạng, phong phú
Năm 1993 bắt đầu tiến hành thí điểm việc TTXH đối với bao cao su , năm 1998 TTXH được mở rộng đối với viên uống tránh thai và từ năm 2006 tiến hành thí điểm việc TTXH đối với PTTT lâm sàng. TTXH đã làm tăng đáng kể số người chi trả cho nhu cầu sử dụng BPTT, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước đầu tư mua PTTT hàng nghìn tỷ đồng.

Nhãn hiệu sản phẩm TTXH được triển khai đa dạng, phong phú với nhiều chủng loại khác nhau như bao cao su nhãn hiệu Nighthappy và Yes; viên uống tránh thai nhãn hiệu Nighthappy và LovePill; vòng tránh thai nhãn hiệu Ideal …

4. TTXH các PTTT là nhiệm vụ chính trị được triển khai trong toàn hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ
Năm 2011, TTXH các PTTT là nhiệm vụ chính trị được triển khai thí điểm trong hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ với viên uống tránh thai khẩn cấp và năm 2012 là Bao cao su và Viên uống tránh thai liều thấp kết hợp nhãn hiệu NightHappy. Năm 2013, hệ thống TTXH các PTTT đã được kiện toàn từ Trung ương đến địa phương.

Tại Trung ương, Trung tâm Tư vấn và Cung ứng dịch vụ là tổ chức sự nghiệp thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chính thức được giao triển khai thực hiện nhiệm vụ TTXH.

Tuyến tỉnh: Có 63/63 tỉnh, thành phố phân công bộ phận tiếp thị xã hội do Lãnh đạo Chi cục phụ trách. Có 08 tỉnh thành lập Ban quản lý TTXH các PTTT từ tỉnh đến huyện. Bộ phận TTXH tuyến tỉnh có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, đặt hàng, nhận và cấp sản phẩm TTXH cho tuyến huyện; cung cấp sản phẩm thúc đẩy TTXH; tổng hợp và thanh toán tiền bán TTXH cho trung ương; giám sát và giải quyết các khó khăn, vướng mắc của cơ sở.
Tuyến huyện: Có 611/710 huyện, quận phân công bộ phận tiếp thị xã hội do Lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ phụ trách. Bộ phận TTXH tuyến huyện có nhiệm vụ nhận và cấp sản phẩm TTXH cho tuyến xã; cung cấp sản phẩm TTXH và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.
Tuyến xã: cán bộ tiếp thị xã hội gồm cán bộ chuyên trách và các cộng tác viên tham gia TTXH.

Chuyên trách dân số có nhiệm vụ lập danh sách đối tượng sử dụng sản phẩm TTXH, nhận và cấp sản phẩm TTXH cho cộng tác viên. Bản thân Cộng tác viên trực tiếp giới thiệu, tuyên truyền về sản phẩm, tư vấn cho khách hàng, bán các sản phẩm TTXH, thu tiền khi đối tượng sử dụng và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

Các loại PTTT đang được triển khai TTXH trong toàn hệ thống cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ là các loại bao cao su nhãn hiệu Nighthappy và Yes; các loại viên uống tránh thai nhãn hiệu Nighthappy và LovePill; vòng tránh thai nhãn hiệu Ideal.

5. Nguồn cung cấp PTTT TTXH ngày càng mở rộng
Để đảm bảo thực hiện chỉ tiêu kế hoạch và đáp ứng nhu cầu PTTT TTXH, nguồn cung cấp các sản phẩm PTTT TTXH đã được huy động từ các công ty thuộc mọi thành phần kinh tế và địa phương được chủ động mở rộng nguồn cung cấp trên địa bàn tỉnh từ các chương trình, dự án TTXH hoặc chủ động xây dựng các dự án TTXH trình cơ quan có thẩm quyền của tỉnh để thực hiện. /.