Ngành y tế, dân số năm 2017: Triển khai thành công nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng

0
123

GiadinhNet – Năm 2017 là một năm đánh dấu những thành tựu về kinh tế – xã hội và nhiều sự kiện chính trị nổi bật của Việt Nam. Trong bối cảnh đó, ngành Y tế đã chủ động và tích cực triển khai thành công nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia và cộng đồng quốc tế. Những nội dung trên đã được nhấn mạnh tại Cuộc họp nhóm đối tác y tế cuối năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội.


Ngành Y tế đã có nhiều thành công trong công tác bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân. Ảnh: Chí Cường

Ngành Y tế đã có nhiều thành công trong công tác bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân. Ảnh: Chí Cường

Cuộc họp nhóm đối tác y tế (HPG) cuối năm 2017 có GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế đến dự và phát biểu cùng sự tham dự của bà Astrid Bant – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc; ông Alejandro Montalban – Tham tán công sứ Phái đoàn EU cùng các đối tác phát triển và đại diện các Bộ ngành, cơ quan khác.

Điểm sáng về bao phủ y tế toàn dân và phòng chống lao

Trong năm APEC 2017, những sáng kiến của Việt Nam vì một châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh cũng như một số thành tựu bao phủ y tế toàn dân và phòng chống lao của Việt Nam đã được các nước APEC coi là điểm sáng.

Đối với công tác đối ngoại, với vai trò là nền kinh tế chủ nhà đăng cai APEC 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Cuộc họp cao cấp về y tế và kinh tế lần thứ 7 với sự tham gia của các lãnh đạo y tế cấp cao của 21 nền kinh tế và đại diện của các tổ chức quốc tế, cùng các cuộc họp của Nhóm công tác y tế và các Diễn đàn đối thoại chính sách về y tế.

Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức thành công 2 cuộc họp nhóm: Diễn đàn an toàn thực phẩm và cuộc họp cao cấp y tế lần thứ 7 và diễn đàn sáng kiến. Các cuộc họp nhóm đối tác y tế, Việt Nam đã đồng chủ tọa với Peru cuộc họp HWG ở Nha Trang. Việt Nam chủ động đưa ra ưu tiên, xác định chủ đề năm 2017, nhận được sự đánh giá cao của bạn bè quốc tế: Tăng cường hệ thống y tế, hướng tới y tế toàn dân và phát triển bền vững, hướng tới một khu vực châu Á-Thái Bình Dương khỏe mạnh 2020, tài chính y tế bền vững, chống kháng thuốc, sức khỏe người cao tuổi…

Tại Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã được mời phát biểu chủ đề “Cải cách và đầu tư trong lĩnh vực y tế” tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh APEC. Tại Cuộc họp cao cấp về kinh tế và y tế lần thứ 7, Việt Nam đã chọn chủ đề: Cải cách tài chính y tế hướng tới sức khỏe cộng đồng, phát triển y tế bền vững. Việt Nam là một trong những nền y tế đi đầu trong bao phủ y tế toàn dân, mục tiêu sẽ đạt được 90% vào năm 2020. “Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho phát triển”, kiến nghị trình lên 21 nguyên thủ các nền kinh tế APEC để đầu tư hơn cho nền y tế, sử dụng hiệu quả các nguồn lực dành cho y tế, tiếp nối đề xuất Peru có sự kết nối giữa Hội nghị Bộ trưởng Y tế và Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của các nền y tế. Việt Nam được đánh giá cao về chủ đề và thu hút được các lãnh đạo tài chính các nền APEC.

Cột mốc quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe toàn diện

Bên cạnh việc chia sẻ tổng quan về các thành tựu của ngành Y tế trong năm 2017, Hội nghị đã có phần hỏi đáp về nội dung chính của 2 Nghị quyết quan trọng được Ban Chấp hành TW khóa XII thông qua ngày 25/10/2017. Đó là Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới.

Trong tình hình mới, với những thay đổi về tình hình khu vực và thế giới, cũng như những thay đổi về kinh tế – xã hội của Việt Nam, việc ban hành Nghị quyết về Chăm sóc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân và Nghị quyết về Công tác dân số là cột mốc quan trọng, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe toàn diện cho người dân Việt Nam, xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Hệ thống y tế đó có thể cung cấp dịch vụ cho đại bộ phận người dân ở khắp các vùng miền, với hơn 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Nghị quyết 20-NQ/TW tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau: Nâng cao sức khỏe nhân dân; phòng chống dịch bệnh; đổi mới y tế cơ sở; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện; đẩy mạnh phát triển ngành Dược và thiết bị y tế; phát triển nhân lực và khoa học công nghệ; đổi mới hệ thống quản lý; cung cấp dịch vụ và tài chính y tế; và chủ động, tích cực hội nhập, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Nghị quyết 21-NQ/TW tập trung giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế – xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Nghị quyết cũng chỉ rõ nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới: Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Thực hiện lồng ghép có hiệu quả các yếu tố dân số trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của cả nước, của từng ngành, từng địa phương. Phát huy tối đa lợi thế dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh con và nuôi dạy con tốt. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

Phát biểu tại Hội nghị, GS.TS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết được hoạch định đến năm 2025 và 2030 cũng là thời điểm hướng tới hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã bao hàm các tiêu chí cần đạt được trong việc tiếp tục hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) và Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) liên quan đến y tế. Các mục tiêu này sẽ được cụ thể hóa thành các chương trình, đề án lồng ghép với các ưu tiên của kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm của Ngành Y tế.

Đột phá trong công tác bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân

Trong 1/4 thế kỷ qua, ngành Y tế đã có những thay đổi mang tính đột phá trong công tác bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân, phòng chống dịch bệnh và khám chữa bệnh. Các lĩnh vực như tài chính, y tế, công nghệ thông tin, nhân lực y tế hay dược và trang thiết bị cũng có những bước tiến đáng kể.

Một vài kết quả nổi bật bao gồm: Thực hiện thành công nhiều Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) của LHQ trước thời hạn, hệ thống y tế cơ sở được mở rộng và tăng cường cùng với gia tăng đột phá về bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, trên 82% dân số đã được bao phủ bảo hiểm y tế, các chỉ số sức khỏe và chất lượng dân số Việt Nam được cải thiện, quản lý nhà nước và tổ chức hệ thống có nhiều tiến bộ…

Sau 25 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và hơn 55 năm thực hiện công tác DS-KHHGĐ, công tác dân số đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công, đạt mức sinh thay thế sớm 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết đề ra và tiếp tục duy trì cho đến nay, hạn chế tăng thêm hàng chục triệu người. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng.

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 75,6 tuổi năm 2017, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện. Dân số đã có sự phân bố hợp lý hơn, gắn với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS-KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân có bước đột phá. Mỗi cặp vợ chồng có 2 con đã trở thành chuẩn mực, lan tỏa, thấm sâu trong toàn xã hội. Dịch vụ DS-KHHGĐ được mở rộng, chất lượng ngày càng cao.

Hà Anh