Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhà, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách từ 2 m với người khác.
Phó thủ tướng đưa ra lời kêu gọi trên tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia chống Covid-19, chiều 25/3.
Ông Đam đề nghị người dân thực hiện tốt 5 việc thiết yếu gồm: hạn chế tối đa ra khỏi nhà, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết; nếu ra ngoài thì luôn luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn với người tiếp xúc (tối thiểu 2 m); thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; vệ sinh nhà cửa thông thoáng, sinh hoạt lành mạnh; khai báo y tế, cập nhật tình hình sức khoẻ hằng ngày và giữ liên lạc với cán bộ y tế.
Mỗi người dân phải có trách nhiệm với sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của mình và những người xung quanh; đồng thời có trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, thực hiện thật tốt hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia chống Covid-19 trong chiều 25/3. Ảnh: VGP
Ông Đam nhận định, Covid-19 đang diễn biến rất nhanh, phức tạp, khó lường. Nhiều nước có nền y tế và kinh tế phát triển hơn Việt Nam nhiều lần nhưng hàng chục nghìn người vẫn nhiễm bệnh, hàng trăm người tử vong.
“Bất cứ ai cũng có thể nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây cho người khác nếu không thực hiện nghiêm quy định của nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế”, ông Đam nói và nhấn mạnh, đây là thời điểm Việt Nam cần tập trung cao độ, không để dịch bệnh lan rộng.
Mỗi người dân cần thay đổi thói quen, chấp hành nghiêm những yêu cầu của nhà chức trách, nếu không sẽ bị xử lý và lên án. “Làm tốt các hướng dẫn, chấp hành nghiêm các chỉ thị, nhất định chúng ta sẽ đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh”, Phó Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ đạo nhận định, giai đoạn một, các quốc gia cố gắng kéo dài thời gian dịch lây lan dưới mốc 100 ca nhiễm. Tương tự, giai đoạn hai, các nước kéo dài thời gian tiệm cận mốc 1.000 ca nhiễm.
Do đó, Việt Nam phải tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm kéo dài thời gian dịch bệnh lây lan dưới mốc 1.000 người nhiễm, càng lâu càng tốt.
Dân quân tự vệ xã Phước Nam (Ninh Thuận) phát quà hỗ trợ của các mạnh thường quân cho một gia đình người Chăm trong vùng cách ly Văn Lâm 3. Ảnh: Việt Quốc
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, mỗi ngày Việt Nam có thể xét nghiệm từ 8.000 đến 10.000 mẫu. Thời gian tới, năng lực xét nghiệm sẽ được nâng cao. Vì vậy, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương khẩn trương xét nghiệm tất cả những người đang được cách ly tập trung, đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM, để sàng lọc, phân loại. Quân đội sẽ hỗ trợ xét nghiệm tại các khu cách ly ở miền Trung.
Bộ Y tế đã hoàn thiện phác đồ điều trị bệnh nhân mắc nCoV, dự kiến ban hành vào ngày mai (26/3) và tập huấn cho bệnh viện các tuyến.
Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn khẳng định, các địa phương đang “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát người nghi nhiễm, sẽ có số liệu tổng hợp vào chiều nay.
Sau khi có danh sách trên, Ban chỉ đạo yêu cầu các địa phương phải kiểm soát nghiêm việc cách ly tại nhà, nơi cư trú; cập nhật tình trạng sức khoẻ hằng ngày; thu thập thông tin địa điểm di chuyển, lập danh sách người tiếp xúc với trường hợp nghi nhiễm.
Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định, quân đội đã chuẩn bị đủ địa điểm cách ly với điều kiện sinh hoạt, ăn ở khá tốt, thậm chí cao hơn của bộ đội. Vì thế, Bộ Quốc phòng đề nghị người dân không tiếp tế thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho thân nhân trong các khu cách ly để tránh lây nhiễm.
Đến chiều 25/3, Việt Nam ghi nhận 134 người dương tính nCoV; trong đó 17 người được điều trị khỏi; 117 bệnh nhân đang được điều trị (3 người trong tình trạng rất nặng; 26 người âm tính lần đầu; 7 người âm tính lần hai).
Gần 47.000 người tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly.