Thực hiện công tác dân số Việt Nam nhìn từ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc

0
290

Đồng thời với việc này là nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Rồi đây Quốc hội khóa XII sẽ căn cứ từ những lý lẽ và cơ sở kinh tế xã hội, văn hoá, đặc điểm truyền thống… để thông qua luật mới về tổ chức Chính phủ. Nhưng đây là một công việc trọng đại, cần triển khai một cách khoa học, bài bản và đặc biệt cần tham khảo ý kiến, các bài học kinh nghiệm của cả trong và ngoài nước. Là lãnh đạo ai cũng muốn đất nước mình phát triển mạnh về Kinh tế-Xã hội. Tốc độ phát triển được thể hiện bằng một phân số, mà tử số là tăng trưởng kinh tế và mẫu số là dân số, không thể chỉ lo phát triển tử số mà quên việc kìm hãm sự phát triển của mẫu số. Nếu không giảm mẫu số dứt khoát sẽ có bước lùi, sau này hối hận không kịp, vì số dân đã chót sinh ra rồi và tính luỹ kế của dân số "rất ác liệt". Nhiều số liệu thống kê trong lịch sử đã chứng minh điều này. Ở đây chúng tôi chỉ xin trao đổi về bài học kinh nghiệm của Trung Quốc, là đất nước đang quản lý tốt một nước đông dân nhất thế giới là 1,3 tỷ người và đang có tốc độ phát triển kinh tế thần kỳ.

 
Các nhà quản lý đã tổng kết, muốn làm tốt mọi việc đều phải đảm bảo thực hiện tốt 4 vấn đề sau: 1) Xác định rõ mục đích; 2) Đề ra mục tiêu cụ thể; 3) Xác định công nghệ; 4) Lựa chọn công cụ để giải quyết vấn đề. Vấn đề thứ nhất do Tâm chi phối, ba vấn đề sau do Trí quyết định.
 
Trong trường hợp cụ thể này, chúng ta xem xét đến quá trình và cách thức xây dựng Quyết định liên tịch của Ban chấp hành TW Đảng cộng sản và Quốc vụ viện Trung Quốc về tăng cường toàn diện công tác DS-KHHGĐ ban hành ngày 17/12/2006 vừa qua. Xin chưa bàn đến mục đich, vì xét cái Tâm là rất khó, nhưng rất cần chú ý nghiên cứu cách đề ra mục tiêu, xác định công nghệ và công cụ để giải quyết vấn đề của Trung Quốc, vì những yếu tố này do Trí quyết định và tôi nghĩ rằng cái Trí của một đất nước đông dân và có truyền thống lịch sử từ nhiều năm trước công nguyên là đáng học tập. Quyết định này dựa trên kết quả nghiên cứu trong hơn 2 năm (từ 2/2004 đến 4/2006) của hơn 300 chuyên gia, học giả và gồm 9 chương.
 
Trong đó chương nói về sự lãnh đạo công tác DS-KHHGĐ có những câu như: "…cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền các cấp phải nhận rõ tính chất lâu dài, gian nan trong việc ổn định mức sinh thấp và tính phức tạp, bức thiết trong giải quyết vấn đề dân số. Kiên quyết khắc phục tư tưởng lạc quan mù quáng, buông lỏng quản lý, tăng cường tính kiên định, chủ động, sáng tạo để làm tốt công tác DS-KHHGĐ. Chính quyền và Đảng uỷ các cấp phải đưa công tác DS-KHHGĐ vào chương trình nghị sự hàng ngày, nghiên cứu giải quyết vấn đề trọng đại. Đưa công tác DS-KHHGĐ vào công tác giám sát, ổn định, kiện toàn cơ cấu đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Đảm bảo ổn định cơ cấu và nhân viên trong công tác DS-KHHGĐ trong chương trình cải cách tổng hợp ở nông thôn và qui hoạch hành chính ở thành thị. Không được tự ý huỷ bỏ hoặc thay đổi tính chất, cơ cấu, cương vị công tác DS-KHHGĐ ở cấp huyện/xã mà đặc thù là nhiệm vụ nặng nề gian khó, phải thực hiện chế độ tiền lương và đãi ngộ xã hội cho nhân viên DS-KHHGĐ ở cơ sở theo đúng qui định…".
 
Về tăng cường nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ quyết định này nêu: "…đưa nguồn lực cho công tác dân số tính theo đầu người là 30 nhân dân tệ (gần 4 USD), trong đó 22 tệ do ngân sách TW, 8 tệ từ ngân sách địa phương (gấp hai lần mức kiến nghị của Hội nghị Dân số quốc tế tại Cai Rô 1994). Để so sánh, kinh phí chi cho công tác DS-KHHGĐ Việt Nam, bao gồm cả viện trợ là khoảng 0,4-0,5 USD/người; Giai đoạn 1991-1997, khi đột phá đạt được những kết quả tốt, tạo tiền đề cho hiện nay chỉ khoảng 0,2-0,3 USD/người.
 
Về xây dựng chiến lược, trong Báo cáo, nhóm nghiên cứu đã đề ra các mục tiêu chiến lược phát triển dân số quốc gia hoạch định theo “ba giai đoạn” như sau:
 
Mục tiêu đến năm 2010:

– Nâng cao một cách rõ rệt chất lượng dân số;

– Bảo đảm người dân được hưởng các dịch vụ y tế cơ bản;

– Phổ cập chính sách giáo dục bắt buộc 9 năm;

– Hạ thấp tỷ lệ đói nghèo; kiểm soát sự mất cân bằng giới tính;

– Giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị;

– Cải thiện điều kiện sống.

 

Mục tiêu đến năm 2020:

– Nâng cao đáng kể chất lượng dân số;

– Bảo đảm chăm sóc sức khoẻ tốt hơn;

– Giảm qui mô dân số nghèo khó;

– Đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức chuẩn;

– Thu hẹp khoảng cách đang mở rộng giữa nông thôn và thành thị;

– Nâng cao đáng kể điều kiện sống của nhân dân.
 
Mục tiêu đến năm 2050:

– Chấm dứt cao điểm tăng dân số và giảm dần tốc độ tăng dân số;

– Bảo đảm thu nhập tính theo đầu người của nhân dân Trung Quốc bằng mức của các nước phát triển trung bình;

– Nâng cao chất lượng và sức khoẻ của dân số;

– Thiết lập sự phân bố dân số và cơ cấu việc làm hợp lý;

– Thực hiện sự tiến bộ và sự phát triển chung của các địa bàn nông thôn và thành thị;

– Tạo một môi trường sống hiện đại và thân thiện với môi trường;

– Thực hiện hiện đại hoá quốc gia một cách cơ bản.
 
Về cải cách tổ chức, theo các thông tin đã đăng tải, Trung Quốc đã qua bốn lần cải cách bộ máy quản lý hành chính, những cho đến hiện nay Trung Quốc có 23 bộ và cơ quan ngang bộ, trong đó vẫn có Uỷ ban nhà nước Trung Quốc về DS-KHHGĐ, giải quyết toàn diện vấn đề dân số mà không chỉ giới hạn về KHHGĐ (trước đây chỉ là Uỷ ban nhà nước Trung quốc về KHHGĐ).
 
Chúng tôi nghĩ rằng sở dĩ các nhà lãnh đạo Đảng và nhà nước Trung Quốc nhận thức được và quyết tâm thực hiện chương trình DS-KHHGĐ vì trong thực tế, Trung Quốc đã có hai bài học phải trả giá bằng nhiều chục năm tụt hậu. Năm 1961, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc đã giảm xuống mức 3,287 con, những do biến động xã hội đã tăng lên và chỉ khôi phục trở lại vào năm 1976 với mức 3,235 con (mất 15 năm). Lần thứ hai là năm 1980 đã đạt tổng tỷ xuất sinh là 2,31 con, nhưng lại tăng trở lại và chỉ khôi phục lại đúng mức 2,31 con vào năm 1990 (mất 10 năm).
 
Vào năm 1994, chúng tôi được giáo sư Mai Kỷ, lúc đó là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban quốc gia DS-KHHGĐ kể lại. Theo dõi thấy công tác DS-KHHGĐ có bước chuyển khởi sắc, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng có gọi Bộ trưởng lên báo cáo về công tác DS-KHHGĐ. Cố Thủ tưởng lúc đó tuổi đã cao, mắt bị mù mà nói chuyện say xưa về công tác DS-KHHGĐ, lúc phấn khởi vì công việc bước đầu có kết quả, lúc sót xa vì sự sai lầm trong công tác DS-KHHGĐ trong mấy chục năm qua. Sau đó cố Thủ tướng đã viết bài báo trong đó có câu như: "Nếu hiện nay dân số nước ta khoảng 50 triệu người hay ít hơn nữa (lúc đó dân số Việt Nam đã là 70 triệu) thì biết bao vấn đề trọng đại về kinh tế, văn hoá và xã hội có thể giải quyết thuận lợi hơn nhiều". Đồng thời cũng thẳng thắn nhận khuyết điểm: “…chúng ta đã trả giá rất đắt vì sự sai lầm nghiêm trọng rất đáng chê trách này…".
 
Với thông tin dự báo mức nước biển sẽ tăng cao, ảnh hưởng đến 1/4 diện tích và dân số Việt Nam thì trách nhiệm của chúng ta sẽ phải lo lắng biết chừng nào với một diện tích đã quá chật (mật độ dân số Việt Nam cao gấp đôi mật độ dân số Trung Quốc, theo số liệu dân số thế giới công bố đầu năm 2007, mật độ dân số Việt Nam năm 2006 là 657 người, mật độ dân số Trung Quốc là 355 nguời trên một dặm vuông). Dân số đã quá đông, ảnh hưởng đến 1/4 dân số tức ảnh hưởng đến trên 21 triệu người. Nếu quyết định không đúng, chúng ta cũng sẽ phải trả giá bằng nhiều năm tụt hậu. Điều này cũng đã xảy ra vào năm 2002, khi tỷ lệ phát triển dân số đạt mức 1,32%, những do một số nguyên nhân đã tăng trở lại vào những năm sau đó. Nhờ kịp thời có nghị quyết 47 CT-TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, chúng ta mới đạt lại mức 1,31% vào năm 2005 (mất 3 năm). Thiết nghĩ rằng, để quản lý tốt dân số Việt Nam, phục vụ tốt công cuộc phát triển Kinh tế-Xã hội thì những bài học kinh nghiệm của Trung Quốc là cần đặc biệt quan tâm.
Giadinh.net.vn