Một số suy nghĩ về tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh tại Việt Nam

0
699

Vấn đề mất cân bằng TSGTKS trở nên "nóng" và thực sự thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội từ năm 2006: TSGTKS tăng cao và tăng nhanh, mỗi một năm tỷ số này tăng lên 1 điểm phần trăm: Năm 2006, TSGTKS là 110, năm 2007 là 111, năm 2008 là 112 và năm 2009 theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở là 110,5 rồi sang năm 2010, TSGTKS lại lên tới trên 111.

Tỷ số giới tính là gì?

Tỷ số giới tính (TSGT) là số nam giới trên 100 nữ giới; Tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) là số bé trai trên 100 bé gái khi mới sinh ra. Nếu theo quy luật sinh sản tự nhiên, khi thống kê trên một cộng đồng dân cư lớn (với mẫu số hàng triệu người) thì bao giờ TSGTKS cũng dao động trong khoảng từ 103 – 106. Cũng theo quy luật tự nhiên, tỷ suất chết trẻ em trai bao giờ cũng lớn hơn tỷ suất chết của trẻ em gái nên đến khi trưởng thành, TSGT sẽ trở lại ở mức khoảng 100 – có lẽ đó cũng là quy luật sinh tồn của loài người. Khi TSGTKS tăng lên trên giới hạn đó là bất thường, đặc biệt là nếu trên 110 thì rất đáng báo động.

Kết quả Tổng điều tra Dân số năm 1979, TSGT ở nước ta chỉ đạt mức 94,2 do có nhiều thanh niên chết trong chiến tranh. Từ đó tới nay, TSGT đã tăng dần qua kết quả các cuộc Tổng điều tra Dân số: từ 94,2 (năm 1979) lên 94,7 (năm 1989), 96,7 (1999) và 98,1 (năm 2009). Như vậy, TSGT trong toàn bộ dân số tăng mạnh nhất vào thập kỷ từ 1989 đến 1999 (tăng 2 điểm phần trăm); trong thập kỷ vừa qua (1999-2009), TSGT tăng 1,4 điểm phần trăm.
 
Nếu nhìn toàn bộ dân số, TSGT đã có những thay đổi theo chiều hướng tốt hơn, tỷ lệ nam – nữ ngày một cân bằng hơn. Tuy nhiên, vấn đề đã không dừng lại ở đó mà TSGT đang ngày càng trở lên mất cân bằng ở "hai đầu của cuộc sống": TSGT ở nhóm dưới 5 tuổi tăng nhanh và tăng mạnh (nhiều nam, ít nữ) trong khi TSGT ở nhóm người cao tuổi lại giảm mạnh (ít nam, nhiều nữ) – nhóm từ 60 tuổi trở lên: cứ có 1,5 cụ bà thì mới có 1 cụ ông; nhóm từ 80 tuổi trở lên: cứ có 2 cụ bà thì mới có 1 cụ ông; nhóm từ 85 tuổi trở lên: cứ có 2,4 cụ bà thì mới có 1 cụ ông!

Chúng tôi muốn phân tích kỹ hơn về TSGTKS. TSGTKS đã tăng từ 105 (năm 1979) lên 106 (năm 1989) và 107 (1999). Như vậy, trong 2 thập kỷ (từ 1979 đến 1999), cứ 10 năm TSGTKS lại tăng 1 điểm phần trăm và đến năm 1999, chúng ta đã thấy TSGTKS đã bắt đầu có dấu hiệu bất thường bởi vì không chỉ TSGTKS đã lên tới 107 mà đã có tới 29/61 tỉnh/ thành phố trong cả nước có TSGTKS ở mức 108-119, đặc biệt có 6 tỉnh TSGTKS lên tới 120-128.

Vấn đề mất cân bằng TSGTKS trở nên "nóng" và thực sự thu hút sự chú ý của các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội từ năm 2006: TSGTKS tăng cao và tăng nhanh, mỗi một năm tỷ số này tăng lên 1 điểm phần trăm: Năm 2006, TSGTKS là 110, năm 2007 là 111, năm 2008 là 112 và năm 2009 theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở là 110,5 rồi sang năm 2010, TSGTKS lại lên tới trên 111.

Lý do nào dẫn tới việc tăng nhanh TSGTKS

Các nước phương Tây không có tình trạng mất cân bằng TSGTKS mà tình trạng này chỉ xảy ra ở một số nước và vùng lãnh thổ châu Á có nền văn hóa, có phong tục tập quán gần tương đồng với Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan,… Ở những nước này, người dân thường có tâm lý mong muốn có và thậm chí phải bằng mọi giá để có con trai. Việc gia tăng nhanh TSGTKS chắc chắn có sự can thiệp của con người vào quy luật sinh sản tự nhiên. Khi phân tích, chúng tôi cho rằng, có 2 nguyên nhân lớn dẫn tới việc tăng nhanh TSGTKS, đó là:

Thứ nhất, có thể coi là nguyên nhân cốt lõi chính là lòng mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, để mong về già có người chăm sóc, để làm kinh tế tốt hơn (ví dụ ở vùng biển, mong có con trai để đánh bắt được xa bờ, làm kinh tế)…

Thứ hai, đó là việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện "ý đồ" mong muốn có con trai.

Thực ra, lòng mong muốn có con trai đã có từ ngàn xưa, thậm chí các cụ còn mong muốn có con trai hơn nhiều so với chúng ta ngày nay nên đã có câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Các cụ ta ngày trước mong muốn nhưng không làm cách nào để có con trai được, chỉ có mỗi cách đẻ thật nhiều, "ăn may" thì có con trai.
 
Nhưng hiện nay, con người có thể áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để sinh con theo ý muốn: Áp dụng từ lúc bắt đầu chuẩn bị có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn,…); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…); khi đã có thai rồi – sử dụng siêu âm hoặc các biện pháp khác để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi…
 
Vì vậy, qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi thấy TSGTKS thường cao ở những tỉnh có điều kiện để thực hiện các 2 yếu tố nói trên: những tỉnh xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam,… là những tỉnh có TSGTKS rất cao vì tâm lý, tập quán người dân ở vùng này rất mong muốn có con trai lại cộng thêm với khoa học công nghệ tương đối phát triển nên họ thực hiện được "ý đồ" của họ.

Cần nhìn nhận thế nào trước thực trạng một số tỉnh có TSGTKS quá cao?

Độ tin cậy của TSGTKS phụ thuộc rất lớn vào mẫu số được điều tra, mẫu số càng lớn thì độ tin cậy càng cao. Và chỉ khi nào mẫu số được thống kê trên 10.000 trẻ thì con số đó mới có giá trị thống kê. Các số liệu về TSGTKS tính chung trong cả nước được nêu trên đây là đáng tin cậy. Tuy nhiên, khi làm việc với các địa phương, nhiều tỉnh báo cáo TSGTKS cao hơn nhiều so với số liệu của cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở (TĐTDS) ngày 01.4.2009.
 
Đó là một sự thật bởi vì số liệu về TSGTKS của TĐTDS được tính theo mẫu điều tra 15% nên số liệu của cả nước là đáng tin cậy còn của từng tỉnh do mẫu số nhỏ nên khi dùng phải rất thận trọng, nhất là ở cấp huyện, cấp xã vì tôi tin rằng không có huyện nào đạt được số trẻ sinh ra là 10.000 trẻ/ năm; kể cả một số tỉnh ít dân cũng không đạt được 10.000 trẻ sơ sinh trong một năm. Nếu ta thấy một địa phương trong nhiều năm có TSGTKS liên tục tăng, có thể thấy được xu hướng TSGTKS tăng của địa phương đó. Để có thể biết được TSGTKS của các tỉnh, chúng ta có thể tham khảo TSGT của nhóm 0 tuổi, hoặc nhóm 0-4 tuổi, đó cũng là một căn cứ đáng tin cậy: TSGT của nhóm 0-4 tuổi cũng đã tăng từ 108,65 (TĐTDS 01.4.2009) lên 111,0 (01.4.2010). Có thể nói rằng, đó là những dấu hiệu rất đáng báo động.

Cần làm gì để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS?

Ngay từ năm 2009, đứng trước tình trạng gia tăng sự mất cân bằng GTKS, Tổng cục DS-KHHGĐ đã triển khai thử nghiệm tại 7 tỉnh, thành phố Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Năm 2011 này, Tổng cục DS-KHHGĐ mở rộng mô hình ra 40 tỉnh, thành phố có TSGTKS cao. Trên cơ sở phân tích 2 nguyên nhân cơ bản nêu trên, chúng tôi thấy rằng cần phải tiến hành song song 2 giải pháp: (1) tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người dân thay đổi nhận thức, tư tưởng, chuyển đổi hành vi chấp nhận sinh con gái cũng như con trai; (2) thực hiện các quy định của pháp luật (Pháp lệnh Dân số, Nghị định 114, Nghị định 104 của Chính phủ) nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Muốn làm giảm thiểu mất cân bằng GTKS cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và tiến hành đồng bộ rất nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao vị thế của người phụ nữ; người phụ nữ không những có tiếng nói, có vai trò tham gia quyết định những công việc của xã hội, của gia đình, của dòng tộc, của dòng họ,…; tạo công ăn việc làm phù hợp để người phụ nữ có thể thay thế nam giới trong kinh tế gia đình, nhất là những vùng đòi hỏi lao động nặng nhọc như làm việc dài ngày trên biển, khai thác, chế biến lâm sản, thủy, hải sản,…

TSGTKS ở nước ta tương đương với Trung Quốc cách đây khoảng 20 năm. Trung Quốc đã thi hành những biện pháp rất quyết liệt như việc ban hành những chính sách ưu tiên cho nữ giới (miễn học phí cho trẻ em gái, có chế độ hỗ trợ cho những cặp vợ chồng về già mà chỉ có con gái, tăng tiêu chuẩn nhà cho những gia đình chỉ có con gái, chuyển đổi ngành nghề ở các địa phương để phụ nữ có thể tham gia làm kinh tế tốt,…); xử lý rất nghiêm các hình thức lựa chọn giới tinh thai nhi (phạt tiền, tịch thu trang thiết bị, cấm hành nghề nếu siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi; muốn phá thai phải có xác nhận của cơ quan y tế vì lý do sức khỏe của mẹ hay của thai nhi hoặc phải có xác nhận của cơ quan dân số vì lý do KHHGĐ),… nhưng TSGTKS vẫn cứ tiếp tục tăng cao, đến năm 2010, đã lên tới 122,8 (!). Có thể nói, đó là một bài học rất không thành công của Bạn.

Tất cả chúng ta đều mong muốn giảm ngay được TSGTKS, nhưng lòng mong muốn sinh bằng được con trai là vấn đề đã thấm sâu vào tư tưởng của nhiều người dân Việt Nam. Cho nên chắc rằng, dù rất cố gắng, chúng ta cũng không thể giải quyết vấn đề này trong một sớm một chiều mà cần phải xác định đó là một công việc rất khó khăn, phức tạp, phải hết sức nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, lâu dài. Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam. Để đạt được mức sinh thay thế – bình quân trong toàn xã hội, mỗi cặp vợ chồng có 2 con, Đảng và Nhà nước ta đã kiên trì tiến hành cuộc vận động này trong suốt 50 năm qua. Với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, với lòng nhiệt tình, tâm huyết của hệ thống cán bộ chuyên trách dân số trên cả nước, chúng ta tin tưởng rằng Việt Nam sẽ sớm khống chế được tốc độ gia tăng của TSGTKS và sẽ đưa trở về theo quy luật sinh sản tự nhiên.

Giadinh.net.vn