Nếu như năm 2020 là năm không có lễ kỷ niệm chào mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 (mới bùng phát lúc bấy giờ), thì năm 2021 là năm đáng nhớ của các Thầy thuốc vì có đến 365 ngày được cả thế giới tôn vinh, cho dù là năm thứ hai liên tiếp nhân viên y tế không có lễ kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam do tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
(Ảnh minh hoạ: SGGP online)
Đó là sự thật khi TCYTTG đã chính thức chọn năm 2021 là Năm Quốc tế của Thầy thuốc trên toàn thế giới, tên gọi chính xác là Năm Quốc tế của Nhân viên y tế và Nhân viên chăm sóc (Year of the Health and Care Workers 2021- WHO). Ý nghĩa của chiến dịch này không ngoài mục đích tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu trong thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế cả về điều kiện làm việc và chăm lo sức khoẻ cho nhân viên y tế trên toàn thế giới.
TCYTTG phát động chiến dịch tôn vinh các Thầy thuốc kéo dài suốt cả năm 2021 với chủ đề “Bảo vệ nhân viên y tế, đầu tư cho nhân viên y tế và cùng nhau hiện thực hoá”, qua đó, nêu bật nhu cầu cấp thiết về đầu tư cho nhân viên y tế để họ được chia sẻ quyền chính đáng về sức khỏe, việc làm, cơ hội kinh tế và công bằng. TCYTTG kêu gọi sự hỗ trợ và hành động của mọi người để đảm bảo đội ngũ nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc được hỗ trợ, được bảo vệ, được động viên và được trang bị để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe an toàn mọi lúc, không chỉ trong đại dịch COVID-19.
Đối chiếu với thực tiễn của ngành y tế của Thành phố Hồ Chí Minh, có thể nói năm 2020 là năm đầu tiên (sau hàng chục năm) đã không diễn ra lễ kỷ niệm chào mừng ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, cảm giác “lạ” này rồi cũng nhanh chóng trôi qua do toàn ngành y tế phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhưng khi bước sang năm 2021, ngành y tế lại tiếp tục một năm thứ hai không có lễ kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại 13 tỉnh, thành trên cả nước. Nhưng chắc rằng, ở mỗi thầy thuốc từ những nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch cho đến mỗi cán bộ y tế ở từng vị trí công tác khác nhau sẽ không còn cảm giác “lạ”, không còn cảm giác hẫng hụt khi không có (1) ngày lễ dành riêng cho ngành mình nhưng bù lại có đến 365 ngày của năm 2021 để cả thế giới tôn vinh những chiến sĩ áo trắng đã không mệt mỏi trong cuộc chiến với SARS-CoV-2 và đã lắng đọng lại trong họ những cảm xúc đặc biệt với nhiều cung bậc khác nhau.
Đó là cảm xúc đẹp của mỗi người được trở lại một thời dấn thân của tuổi trẻ ở những thời điểm đất nước còn khó khăn với những hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng. Lần trở lại này là dành riêng cho chính các chiến sĩ áo trắng, họ là những bác sĩ và điều dưỡng của các bệnh viện quận, huyện và các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa của Thành phố đã xung phong đến phục vụ tại bệnh viện dã chiến Củ Chi, sau đó là bệnh viện điều trị Covid-19 ở Cần Giờ, dù biết rằng nơi đây vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ của dịch bệnh mới bùng phát. Chính sự chia sẻ nguồn lực sẵn có và tinh thần dấn thân không ngại khó của nhân viên y tế của các bệnh viện ở giai đoạn bắt đầu đi vào hoạt động đã tạo ra một tiền lệ tốt trong công tác luân phiên cán bộ y tế đến công tác tại các bệnh viện dã chiến của Thành phố trong suốt hơn một năm qua. Điều ít ai biết là hai bệnh viện dã chiến này hoạt động liên tục trong hơn 1 năm qua nhưng thành phố không phải tốn thêm một khoản chi ngân sách nào, tất cả đều nhờ sự chia sẻ nguồn nhân lực sẵn có của các bệnh viện và sự đóng góp hiệu quả (các trang thiết bị chống dịch) của các cá nhân và tổ chức. Chính sự chia sẻ nguồn lực và tinh thần dấn thân đáng trân trọng của đội ngũ các thầy thuốc thuộc các bệnh viện thành phố và bệnh viện quận huyện, cho đến nay 2 bệnh viện dã chiến đã thật sự trở thành những bệnh viện chủ lực của ngành y tế Thành phố trong tiếp nhận cách ly điều trị hầu hết các trường hợp xác định và nghi nhiễm COVID-19, điều này đã góp phần làm giảm thiểu ở mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm cho các bệnh viện của Thành phố, đảm bảo cho các bệnh viện không bị gián đoạn trong cung ứng các dịch vụ khám, chữa bệnh cho người dân Thành phố trong tình hình dịch bệnh đang bùng phát.
Đó là cảm xúc thật vững tin khi được tiếp thêm sức mạnh cả về tinh thần lẫn vật chất (về phương tiện làm việc cho nhân viên y tế) của rất nhiều cá nhân và tổ chức trong xã hội, họ đã chủ động tìm đến các bệnh viện và các cơ sở y tế để động viên, để trao tặng những món quà đầy ý nghĩa mà không một yêu cầu gì khác ngoài mong giúp thêm phương tiện cho các thầy thuốc làm việc thuận lợi hơn. Một hệ thống xử lý nước thải hiện đại được trao tặng và lắp đặt cho bệnh viện dã chiến Củ Chi, hàng loạt buồng áp lực âm được lắp đặt tại bệnh viện dã chiến Củ Chi, bệnh viện Điều trị Covid Cần Giờ, khoa Hồi sức của bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, khoa lọc thận của BV Nguyễn Tri Phương,… cho đến các xe cứu thương được trao tặng cho Trung tâm Cấp cứu 115 và các bệnh viện tuyến cuối giúp vận chuyển bệnh nhân nghi nhiễm về các bệnh viện cách ly điều trị, rồi xe điện giúp các bệnh viện dã chiến vận chuyển bệnh nhân, dụng cụ, phương tiện trong nội bộ bệnh viện, đến các máy xét nghiệm RT-PCR bổ sung cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC), và hàng trăm máy thở, máy monitor, máy lọc máu,… bổ sung cho các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Ngoài ra, cũng không quên hình ảnh các thầy thuốc sau ca trực được về nghỉ ngơi tại các khách sạn do các doanh nghiệp hỗ trợ miễn phí giúp nhân viên y tế hạn chế tiếp xúc với gia đình tránh nguy cơ lây nhiễm, cho đến những “quầy bar cafe” di động phục vụ cà phê, nước giải khát miễn phí cho nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện Bệnh nhiệt đới,… cũng do chính các doanh nghiệp tài trợ. Có thể nói tất cả đã tạo thêm một bức tranh đẹp về Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19 ở một góc nhìn khác về sự đồng hành và hỗ trợ kịp thời và hiệu quả của các cá nhân, tổ chức trong xã hội đối với ngành y tế.
Đó là cảm xúc vui mừng khó tả của cả lãnh đạo và nhân viên bệnh viện khi nghe kết quả âm tính sau khi xét nghiệm toàn bộ nhân viên y tế của bệnh viện, sau nhiều giờ lo lắng khi biết có người mắc, người thuộc diện F1 từng đến bệnh viện thăm bệnh, khám bệnh.
Đó là cảm xúc hạnh phúc của người Thầy thuốc khi chứng kiến những niềm vui vỡ oà của người bệnh và thân nhân người bệnh khi nhận thông báo kết quả xét nghiệm âm tính và đủ tiêu chuẩn để xuất viện sau những ngày cách ly điều trị.
Chiến dịch “365 ngày Thầy thuốc” của Tổ chức Y tế Thế giới không chỉ đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của lực lượng thầy thuốc trên toàn thế giới mà còn phản ánh đúng sự trân quý của xã hội dành cho các Thầy thuốc Việt Nam khi họ đã nỗ lực hết mình, không kể ngày đêm, không kể ngày nghỉ, ngày Tết để thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19 như chống giặc, giữ cuộc sống yên bình cho người dân Thành phố.
Hình ảnh tuyên truyền của Tổ chức Y tế Thế giới về Năm Quốc tế của Thầy thuốc trên toàn thế giới – 2021