GiadinhNet – Ngày 30/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp. Đề án này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước. Đó là mở ra một bước chuyển mình mới với kỳ vọng vào một bộ máy làm công tác dân số ổn định, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và có sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành đoàn thể để đem lại hiệu quả cao nhất.
Ổn định bộ máy làm công tác dân số có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với công tác Dân số và Phát triển ở nước ta hiện nay. Ảnh: TL
Tổ chức bộ máy được giữ ổn định
Trong những năm gần đây, hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở nước ta có nhiều biến động, đặc biệt tại cấp huyện. Việc thiếu ổn định, không thống nhất giữa các địa phương, không phù hợp giữa văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn về tổ chức bộ máy là một trong những thách thức lớn nhất và hiện hữu nhất đối với công tác dân số.
Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra đối với công tác Dân số và Phát triển đã rộng hơn so với giai đoạn trước nhưng chức năng, nhiệm vụ chưa tương thích. Biên chế giảm, chế độ đãi ngộ chưa hợp lý, chất lượng đào tạo chưa tương xứng yêu cầu của công tác Dân số và Phát triển. Mặt khác, cơ chế phối hợp liên ngành tại Trung ương không còn và tại địa phương chưa thực sự hiệu quả. Những hạn chế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai công việc cũng như tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở địa phương.
Để góp phần giải quyết những thách thức trên, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp với mục tiêu nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng mạng lưới cộng tác viên dân số và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả.
Đồng thời, việc thực hiện Đề án giúp đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính để giải quyết đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững.
Đề án đưa ra 3 nội dung cơ bản, đó là mô hình về tổ chức bộ máy làm công tác Dân số và Phát triển ở các cấp; cơ chế phối hợp liên ngành về công tác Dân số và Phát triển và việc lồng nghép nhiệm vụ về gia đình và trẻ em đối với cộng tác viên dân số.
Về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác Dân số và Phát triển các cấp, Đề án nêu rõ: Giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác Dân số và Phát triển các cấp như hiện nay; bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.
Đối với cơ chế phối hợp liên ngành Dân số và Phát triển, thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành ở Trung ương và địa phương. “Căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở Trung ương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế; tăng cường, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành về DS-KHHGĐ hiện nay để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về Dân số và Phát triển ở địa phương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế”, Đề án nhấn mạnh.
Với mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm cộng tác gia đình và trẻ em sẽ triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.
Giúp đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn trong công tác
Ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết: Quyết định phê duyệt Đề án nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước. Bởi lẽ, trong thời gian vừa qua, tổ chức bộ máy làm công tác dân số của nước ta có nhiều biến động đặc biệt là tại tuyến cơ sở.
Việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng Đề án sáp nhập đã tạo nên những xung động về mặt tâm lý gây nên những dao động và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trên cả nước. Do đó, Quyết định được ban hành sẽ làm cho đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, vững vàng hơn về tổ chức bộ máy khi vẫn được giữ ổn định như hiện nay tại tất cả các cấp.
“Điều này có thể xóa bỏ một phần những dao động, băn khoăn, trăn trở hoặc những lo lắng, hoang mang trước đây. Khi những người làm công tác dân số yên tâm, họ sẽ tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề, từ đó đem lại hiệu quả cao trong công tác dân số ở địa phương”, ông Lương Quang Đảng nói.
Nhận định về Quyết định quan trọng này, ông Hoàng Văn Hy, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Ninh cho biết: Việc Chính phủ phê duyệt Đề án có ý nghĩa rất quan trọng, giúp định hình cho các địa phương về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác Dân số và Phát triển hiện nay. Cụ thể, nếu như trước đây, bộ máy tổ chức làm dân số thiếu đồng bộ và có tình trạng “trăm hoa đua nở” ở các tỉnh thì hiện nay với Quyết định này, địa phương sẽ tạm dừng chuyện sáp nhập, sắp xếp bộ máy mà chờ thêm hướng dẫn từ Trung ương.
Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Ninh, để các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW được triển khai có hiệu quả, hy vọng các Bộ, ngành Trung ương sớm có hướng dẫn triển khai Đề án để các cấp ủy Đảng, chính quyền ở địa phương có những chỉ đạo giúp thống nhất mô hình tổ chức từ tỉnh, huyện, xã để hiện thực hóa Đề án này vào thực tiễn công tác dân số tại mỗi địa phương.
Bước chuyển mình mới đối với công tác Dân số và Phát triển
Ông Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, bộ máy làm công tác dân số có nhiều xáo trộn, thiếu ổn định cùng với việc “khuyết” một tổ chức liên ngành chỉ đạo công tác dân số ở Trung ương trong suốt hơn 10 năm qua (từ năm 2008) đã khiến công tác dân số gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, việc Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển các cấp được Thủ tướng Chính phủ ban hành là một bước chuyển mình mới đối với công tác Dân số và Phát triển trong bối cảnh hiện nay.
Là người có hơn 30 năm gắn bó với công tác dân số, người đứng đầu ngành Dân số tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, bản thân thấy rất phấn khởi và kỳ vọng vào một bộ máy làm công tác dân số xuyên suốt, thống nhất từ Trung ương đến địa phương và sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ban, ngành đoàn thể để đem lại hiệu quả cao nhất đối với công tác dân số trên cả nước.
Về kế hoạch triển khai Đề án, ông Lương Quang Đảng cho biết, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương về 3 nội dung căn bản của Đề án là giữ ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số; tăng cường phối hợp liên ngành và triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm gia đình và trẻ em.
“Chúng tôi trông đợi rằng, ở địa phương sẽ triển khai đúng Quyết định này, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giữ vững ổn định tổ chức bộ máy như hiện nay để triển khai một cách hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn về Dân số và Phát triển trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra”, ông Lương Quang Đảng nhấn mạnh.
Để thực hiện các mục tiêu Đề án đề ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tiếp tục quán triệt nội dung của Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới. Bên cạnh đó, đổi mới nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Dân số và Phát triển.
Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác Dân số và Phát triển từ Trung ương đến địa phương, đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số trong tình hình mới. Đồng thời, bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác Dân số và Phát triển; kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác Dân số và Phát triển các cấp.
Mai Thùy