GiadinhNet – Quyết định được ban hành sẽ làm cho đội ngũ làm công tác dân số trên cả nước yên tâm hơn, vững vàng hơn về tổ chức bộ máy khi vẫn được giữ ổn định như hiện nay tại tất cả các cấp.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Quyết định 496/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp. Để làm rõ hơn về Đề án này, PV Báo Gia đình và Xã hội đã có cuộc trao đổi với ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế.
Thưa ông, là đơn vị được giao đầu mối xây dựng Đề án, xin ông cho biết, tại sao lại có sự ra đời của Đề án này?
– Như chúng ta đã biết, sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Trong đó, Bộ Y tế được giao xây dựng Đề án nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dân số và phát triển giai đoạn 2021-2030.
Bộ Nội vụ được giao xây dựng mô hình và tổ chức bộ máy chuyên trách làm công tác dân số các cấp; Nghiên cứu và xây dựng Đề án quy định cơ chế phối hợp liên ngành về dân số và phát triển; Nghiên cứu xây dựng Đề án thí điểm mạng lưới cộng tác viên thực hiện công tác dân số, gia đình và trẻ em ở cộng đồng.
Ông Lương Quang Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế. Ảnh: Chí Cường
Ngày 10/3/2020, tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã họp và thông qua Nghị quyết 28/NQ-CP, trong đó thống nhất chuyển 3 nhiệm vụ của Bộ Nội vụ sang Bộ Y tế và lồng ghép vào nội dung Đề án nghiên cứu mô hình tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về dân số và phát triển giai đoạn 2021-2030 thành một Đề án với tên gọi Đề án Nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác dân số và phát triển các cấp.
Triển khai nhiệm vụ của Chính phủ giao, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, tổ biên tập Đề án với đại diện các Bộ, ban ngành liên quan trong đó, Tổng cục Dân số là cơ quan đầu mối để tham mưu, giúp việc cho Bộ Y tế để xây dựng Đề án này.
Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng dự thảo Đề án và lấy ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Chi cục DS-KHHGĐ về nội dung của Đề án và trình lên Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 30/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt Đề án này.
Ông có thể nêu tóm tắt những nội dung chính của Đề án để độc giả được biết?
– Trong Quyết định phê duyệt Đề án có 6 phần: Quan điểm; mục tiêu; mô hình tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp liên ngành, mạng lưới cộng tác viên; nhiệm vụ, giải pháp; kinh phí và tổ chức thực hiện.
Tựu chung lại, Đề án này có 3 nội dung căn bản nhất, đó là: Đề án đã đưa ra mô hình về tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển ở các cấp. Thứ hai là cơ chế phối hợp liên ngành về công tác dân số và phát triển. Thứ 3 là việc lồng nghép nhiệm vụ về gia đình và trẻ em đối với cộng tác viên dân số.
Đối với nội dung thứ nhất về mô hình tổ chức bộ máy, Thủ tướng Chính phủ quyết định giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay; bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.
Về cơ chế phối hợp liên ngành dân số và phát triển, Quyết định nêu rõ: Tăng cường thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành ở trung ương và địa phương. Căn cứ tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành, thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.
Tăng cường, kiện toàn các tổ chức phối hợp liên ngành về dân số – kế hoạch hóa gia đình hiện nay để thực hiện nhiệm vụ phối hợp liên ngành về dân số và phát triển ở địa phương, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không phát sinh tổ chức, biên chế.
Về mạng lưới cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em: Triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện lồng ghép các nhiệm vụ của cộng tác viên dân số với công tác gia đình và bảo vệ trẻ em.
Thưa ông, theo nội dung Đề án, thời gian tới, về mô hình tổ chức bộ máy, sẽ giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay. Vậy mô hình bộ máy dân số như hiện nay cụ thể là như thế nào? Việc giữ mô hình này có phù hợp với thực tiễn công tác dân số và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ làm dân số hay không?
Việc ổn định tổ chức bộ máy giúp đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, tiếp tục gắn bó với công việc. Ảnh: Chí Cường
– Khi xây dựng Đề án này, chúng tôi đã nghiên cứu lịch sử 60 năm xây dựng và phát triển của ngành dân số để cùng nhìn lại mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số xem được thiết kế như thế nào trong suốt chiều dài lịch sử của ngành.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã nghiên cứu một số mô hình quản lý nhà nước về công tác dân số của các quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… để tham khảo.
Trong quá trình xây dựng Đề án, Ban soạn thảo đã đưa ra 2 phương án khác nhau về tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Một là, giữ nguyên tổ chức bộ máy như hiện nay. Hai là thành lập cơ quan cấp Bộ quản lý nhà nước về công tác dân số và phát triển.
Qua quá trình lấy ý kiến của các nhà khoa học, các chuyên gia, các Bộ, ban ngành, địa phương và đặc biệt là những người làm công tác dân số trên cả nước thì tất cả các đại biểu đều đồng tình là lựa chọn mô hình 1, tức là giữ ổn định như hiện nay.
Giữ ổn định tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển như hiện nay nghĩa là ở Trung ương là Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế. Tại tuyến tỉnh, Chi cục DS-KHHGĐ trực thuộc Sở Y tế. Tại cấp huyện là Phòng Y tế thuộc UBND. Nơi nào không có Phòng Y tế thì sẽ bố trí một cán bộ để quản lý về y tế trong đó có công tác dân số tại văn phòng HĐND, UBND. Bên cạnh đó, đối với đơn vị sự nghiệp làm công tác dân số ở cấp huyện sẽ giữ ổn định như hiện nay. Còn tại cấp xã, bố trí một viên chức dân số thuộc Trạm Y tế xã, cộng tác viên dân số tại các thôn, bản, tổ dân phố.
Về việc giữ mô hình này có phù hợp với thực tiễn công tác dân số và tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ làm dân số hay không? Như tôi vừa phân tích bên trên, mô hình đưa ra dựa trên các chủ trương, chính sách của Đảng, các bằng chứng nghiên cứu khoa học, các văn bản quy phạm pháp luật của nhà nước, lấy ý kiến của các bên liên quan, những người trực tiếp làm công tác dân số. Vì vậy, có thể nói mô hình này phù hợp với mong muốn của số chung đội ngũ những người làm công tác dân số trên cả nước.
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt triển khai Đề án trên phạm vi cả nước sẽ đem lại ý nghĩa như thế nào đối với công tác dân số ở nước ta hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh tổ chức bộ máy làm dân số có nhiều biến động, nhất là ở cấp huyện, thưa ông?
– Quyết định có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người làm công tác dân số trên cả nước. Bởi như chúng ta đã biết, trong thời gian vừa qua, tổ chức bộ máy làm công tác dân số của nước ta có nhiều biến động đặc biệt là tại tuyến cơ sở. Việc chia tách, sáp nhập hoặc xây dựng Đề án sáp nhập đã tạo nên những xung động về mặt tâm lý gây nên những dao động và ảnh hưởng đến tâm huyết của những cán bộ làm công tác dân số trên cả nước.
Do đó, Quyết định được ban hành sẽ làm cho đội ngũ làm công tác dân số yên tâm hơn, vững vàng hơn về tổ chức bộ máy khi vẫn được giữ ổn định như hiện nay tại tất cả các cấp. Điều này có thể xóa bỏ một phần nào đó những dao động, băn khoăn, trăn trở hoặc những lo lắng, hoang mang trước đây. Khi những người làm công tác dân số yên tâm, họ sẽ tiếp tục gắn bó, tâm huyết với nghề, từ đó, đem lại hiệu quả cao trong công tác dân số ở địa phương.
Điều kỳ vọng nhất của ngành Dân số khi xây dựng và đưa vào triển khai Đề án này là gì thưa ông?
– Chúng tôi kỳ vọng giữ ổn định mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số và phát triển các cấp như hiện nay theo đúng như Quyết định mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Đồng thời tiếp tục được củng cố, tăng cường mạnh mẽ hơn nữa để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyên môn.
Xin ông cho biết, thời gian tới, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế sẽ có phương án như thế nào để Đề án được triển khai đồng bộ, có hiệu quả trên phạm vi cả nước?
– Tại Quyết định phê duyệt Đề án, Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì thực hiện đề án, hướng dẫn, theo dõi và đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án; kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện đề án định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì rà soát, xây dựng, sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật về dân số và phát triển; thành lập tổ chức phối hợp liên ngành ở trung ương.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn, triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em tại cơ sở. Việc triển khai này sẽ được vận dụng một cách linh hoạt phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn tại từng địa phương. Sau đó, Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả thực hiện.
Như vậy, sắp tới, Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn đối với các địa phương về 3 nội dung căn bản của Đề án là giữ ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số. Tăng cường phối hợp liên ngành và triển khai đội ngũ cộng tác viên dân số kiêm gia đình và trẻ em.
Chúng tôi trông đợi rằng, ở địa phương sẽ triển khai đúng Quyết định này, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về giữ vững ổn định tổ chức bộ máy như hiện nay để triển khai một cách hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn về dân số và phát triển trên địa bàn, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Thùy