Theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc Hội, thành lập thành phố Thủ Đức trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên và 171.311 người của Quận 2; Toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên và 910.107 người của Quận 9; Toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên; 532.377 người của quận Thủ Đức. Sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,79 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.019.795 người. Biến qui mô dân số và mật độ dân số là yếu tố tiên quyết cho việc xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi vùng, mỗi tỉnh/thành phố. Với dân số 1.013.795 người, như vậy tuy là thành phố trực thuộc thành phố Hồ Chí Minh nhưng với qui mô dân số trên 1 triệu người, dân số thành phố Thủ Đức tương đương với dân số trung bình của một tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Mặc dù vậy dân số của 3 đơn vị hợp nhất để trở thành thành phố Thủ Đức rất khác nhau. Quận Thủ Đức có dân số lớn nhất và lớn gấp hơn 3 lần dân số quận 2; lớn gấp 1,7 lần dân số quận 9, do vậy khi xây dựng qui hoạch cần chú ý đến biến qui mô dân số của từng quận để hoạch định, lựa chọn những giải pháp thích hợp.
Theo Niên giám Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh năm 2019, mật độ dân số quận 2 là 3.668 người/km2; quận 9 là 3.478 người/km2; quận Thủ Đức là 12.453 người/km2; như vậy mật độ dân số của Thủ Đức cũng đông nhất và gấp 3,5 lần mật độ dân số của quận 9 và 3, 4 lần quận 2. Về diện tích của quận 2 là 49,79 km2; quận 9 là 114,00 km2; quận Thủ Đức là 47,8 km2. Điều này cho thấy tuy mật độ dân số của Thủ Đức gấp 3,5 lần nhưng diện tích của quận 9 lại lớn gấp 2,4 lần diện tích của quận Thủ Đức. Đây là những vấn đề rất cần lưu tâm đặc biệt khi hoạch định qui hoạch, kế hoạch phát triển thành phố mới Thủ Đức.
Niên giám thống kê 2019 của thành phố Hồ Chí Minh không công bố những số liệu đặc trưng dân số khác của từng quận/huyện. Nhưng về cơ cấu dân số theo thành thị, nông thôn thì một điều thuận lợi là dân số thuộc 3 quận hợp nhất đều là dân số thành thị, do vậy chúng ta cũng có thể điểm qua những đặc trưng dân số thành thị để thấy những đặc thù của thành phố mới Thủ Đức. Đã cùng thuộc dân số thành thị thì những nếp sống, trình độ sẽ khá tương đồng, điều này được thể hiện qua một số chỉ tiêu dân số của khu vực thành thị của TP. Hồ Chí Minh. Thứ nhất là tỷ lệ tăng tự nhiên (Tỷ lệ sinh trừ đi tỷ lệ chết), tỷ lệ này ở khu vực thành thị trong 10 năm qua có giảm nhưng ở mức thấp và ổn định, 10,3% năm 2010 và 9,3% năm 2019. Tổng tỷ suất sinh của chung thành phố Hồ Chí Minh ở mức thấp và cũng tương đương ở khu vực thành thị (TFR là 1,39 con năm 2019). Tỷ lệ tăng dân số chung (tính cả di cư) ở khu vực thành thị khá ổn định, tỷ lệ tăng dân số chung của thành phố năm 2019 là 22,08%, thì của khu vực thành thị chỉ là 16,02%, trong khi đó của vùng nông thôn của thành phố là 32,39%, dân số ổn định sẽ tạo thuận lợi cho việc hoạch định chính sách và kế hoạch phát triển. Điều này cũng được chứng minh qua tỷ suất di cư thuần, năm 2019 tỷ suất di cư thuần của thành phố là 12,68%, thì của vùng thành thị chỉ là 7,62% trong khi đó của vùng nông thôn của thành phố là 32,79%. Tuổi thọ bình quân chung của dân số TP. Hồ Chí Minh đã cao hơn nhiều so với chung của cả nước nhưng đã khá ổn định, Trong khi tuổi thọ dân số cả nước thuộc nhóm 5 nước tăng nhanh nhất thế giới thì tuổi thọ dân số thành phố tăng không đáng kể. Tuổi thọ bình quân của dân số thành phố năm 2010 là 76,4 tuổi, của cả nước là 72,9 tuổi; năm 2017 tuổi thọ của dân số thành phố là 76,5 tuổi, của cả nước là 73,5 tuổi.
Tỷ lệ dân số 15 tuổi trở lên đã đi học của chung và khu vực thành thị của thành phố cũng rất cao, tỷ lệ này năm 2017 của chung thành phố là 98,5%, của khu vực thành thị là 98,9%, trong khi đó ở khu vực nông thôn có thấp hơn một chút (96,8%). Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên cũng tập trung ở vùng thành thị, tổng số của chung thành phố là 4,8 triệu thì khu vực thành thị là 3,7 triệu và nông thôn khoảng hơn 1 triệu người. Như vậy tỷ lệ lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên chủ yếu ở khu vực thành thị và chiếm 77,46%; nông thôn là 22,54%. Mặc dù vậy tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị lớn gần gấp đôi khu vực nông thôn, năm 2019 tỷ lệ thất nghiệp chung của thành phố là 2,82% thì tỷ lệ của khu vực thành thị là 3,15%, nông thôn là 1,68%. Tương tự là tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi, năm 2019 tỷ lệ chung của thành phố là 0,2%, thành thị là 0,24%, nông thôn rất thấp là 0,04%. Những thực trạng trên cho thấy qua tình hình khác biệt giữa hai khu vực thành thị và nông thôn của thành phố, trong đó có 3 đơn vị của thành phố Thủ Đức thuộc khu vực thành thị cũng đã gợi mở cho chúng ta những yếu tố cần quan tâm khi lập qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố mới Thủ Đức.
Qua sơ bộ xem xét các biến dân số đã cho chúng ta thấy rõ những vấn đề còn khó khăn cũng như thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội để hoạch định qui hoạch, lập kế hoạch cho một đơn vị hành chính, đặc biệt là một đơn vị mới thành lập như thành phố Thủ Đức. Việc này cũng là để triển khai thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 BCHTW khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới và cũng là thực hiện chương trình toàn cầu về Dân số và Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.
TS.Nguyễn Quốc Anh