GiadinhNet – “Ngày Dân số Thế giới năm 2021 diễn ra trong một bối cảnh hết sức đặc biệt khi TP.HCM đang phải triển khai các giải pháp quyết liệt nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19”, ông Phạm Chánh Trung – Chi cục phó, phụ trách Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM cho hay.
Tính đến 6 giờ ngày 9/7/2021, Việt Nam có tổng cộng 22.910 ca ghi nhận trong nước và 1.900 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 21.340 ca. Tổng số tử vong liên quan đến COVID-19 là 105 trường hợp. Riêng TP.HCM từ ngày 27/4 đến nay có 9.416 trường hợp mắc COVID-19 phát hiện tại Thành phố được Bộ Y tế công bố và có 20 trường hợp tử vong do liên quan đến COVID-19.
Những số liệu vừa nêu cho thấy đại dịch COVID-19 mang đến những hậu quả hết sức nghiêm trọng và làm đảo lộn cuộc sống của người dân, tác động sâu sắc đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới. Đặc biệt, có thể dẫn đến những tác động lâu dài đối với vấn đề dân số.
Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số người đã quyết định trì hoãn việc có con. Một số người khác do gián đoạn trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên dẫn đến tình trạng mang thai ngoài ý muốn.
Mặc dù cho đến nay, chưa có được một bức tranh tổng thể hay các nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với mức sinh nhưng đã gây nên mối quan tâm đáng ngại về khả năng bùng nổ dân số hay tiếp tục sụt giảm tỷ suất sinh.
Điều đáng lo ngại là khi xảy ra dịch bệnh, phụ nữ khó có thể thực hiện được quyền sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục. Nguyên nhân có thể là do gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc do phân biệt đối xử về giới đã ngăn cản họ trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, sử dụng các biện pháp tránh thai hoặc khả năng tự quyết định trong việc có quan hệ với bạn tình hay không.
Một xã hội phát triển và nhân văn là một xã hội mà ở đó phụ nữ có thể có đầy đủ thông tin để đưa ra lựa chọn của mình liên quan đến sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đặc biệt khi họ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ cho các lựa chọn của mình. Một người phụ nữ khi làm chủ được cơ thể của mình thì đồng thời cũng sẽ đạt được tiến bộ trong học tập, sức khỏe, thu nhập và an toàn. Người phụ nữ cũng như gia đình của mình sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn.
Vì những lý do trên, thông điệp chủ đề ngày Dân số Thế giới 11/7 năm nay là “Hãy cùng hành động vì quyền và sự lựa chọn của phụ nữ và trẻ em gái” như là một lời nhắc nhở Chính phủ các quốc gia trên toàn thế giới trong việc tăng cường thực hiện các giải pháp hành động để xóa bỏ những khoảng cách này vì các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục là hết sức thiết yếu.
Từ thông điệp chủ đề ngày Dân số Thế giới 11/7 năm 2021, ngành Y tế – Dân số TP.HCM kêu gọi các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội và toàn thể các tầng lớp nhân dân bên cạnh những nỗ lực không ngừng nghỉ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19, nỗ lực chăm lo, đáp ứng đầy đủ, kịp thời và có chất lượng các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục nói riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đồng thời đảm bảo thực hiện đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái dựa trên nguyên tắc bình đẳng giới, cùng hành động để bảo vệ quyền được quyết định sinh con và thời điểm sinh con.
Ông Phạm Chánh Trung – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP.HCM cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra. Từ năm 2016 đến năm 2020, tỷ lệ bà mẹ đang mang thai được sàng lọc trước sinh và tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đều đạt và vượt so với chỉ tiêu. Năm 2020, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 88,57%, tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 85,38%. Đạt và vượt chỉ tiêu 90% thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn tham gia tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân trên phạm vi toàn Thành phố.
Nhìn chung, quy mô dân số Thành phố tăng chậm, tính đến cuối năm 2020 quy mô dân số là 9.224.754 người. Tổng tỷ suất sinh đang có xu hướng tăng trở về mức hợp lý mặc dù còn khá thấp, năm 2020 tổng tỷ suất sinh là 1,53 con/phụ nữ.
Hiện nay, tổng tỷ suất sinh của TP.HCM là 1,53 con/phụ nữ (năm 2020), ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước.
Nhu cầu sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và dịch vụ hỗ trợ chăm sóc sức khỏe sinh sản của người dân được đáp ứng đầy đủ và có chất lượng. Tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại hàng năm bình quân đạt trên 60%.
TP.HCM kiểm soát có hiệu quả tình trạng mất cân cân bằng giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh được giữ ở mức hợp lý, duy trì ở mức 106 đến 107 trẻ trai/100 trẻ gái trong giai đoạn 2016-2020.
Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 75,5%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 18,9% và 5,6%. Số liệu này cho thấy Thành phố hiện đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” mang lại nhiều cơ hội và thách thức, giúp phát triển kinh tế, gia tăng sự đóng góp của lao động trong quá trình phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao.
Tỷ số nạo phá thai của Thành phố được kéo giảm còn 33,46 ca nạo/100 ca sinh sống trong năm 2020 (năm 2016 là 45,9 ca nạo/100 ca sinh sống), cơ bản loại trừ phá thai không an toàn. Tỷ lệ phá thai của người chưa thành niên được kiểm soát ở mức dưới 3% (năm 2016 là 2,6% được kéo giảm còn 2,0% vào năm 2020).
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được tăng cường, vai trò người cao tuổi không ngừng được phát huy trong cộng đồng. Tuổi thọ trung bình của người dân Thành phố ở mức khá cao 76,6 tuổi, so với cả nước 73,6 tuổi (Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019). Những thành tựu đạt được của công tác Dân số vừa nêu đã góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phạm Chánh Trung, bên cạnh những kết quả, thành tựu đạt được, công tác Dân số tại TP.HCM trong 5 năm qua cũng bộc lộ các tồn tại, khó khăn. Hiện nay, tổng tỷ suất sinh của Thành phố là 1,53 con/phụ nữ (năm 2020), ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước là 2,09 con/phụ nữ và đang được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp nhất cả nước. Bên cạnh đó, chỉ số già hóa (tỷ số dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi) của Thành phố là 49,4%, cao hơn so với số liệu của cả nước là 48,8% (Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019).
Ngoài ra, tình hình kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đạt hiệu quả, tuy nhiên nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động thì vẫn có thể tăng trong thời gian tới. Tình trạng nạo phá thai có giảm nhưng vẫn còn cao, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số về sau.
Trước hiện trạng trên, để góp phần phát huy những kết quả đạt được và kịp thời giải quyết các tồn tại, khó khăn của công tác Dân số, Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 tại TP.HCM, thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, ngành dân số TP.HCM đã đề ra mục tiêu tổng quát là giải quyết tình trạng mức sinh thấp, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố.
Cụ thể là nỗ lực giải quyết tình trạng mức sinh thấp, đẩy mạnh chuyển tải thông điệp truyền thông “mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”, phấn đấu tổng tỷ suất sinh vào năm 2025 đạt 1,4 con, hướng tới 2030 là 1,6 con. Đồng thời phấn đấu năm 2025, tỷ số giới tính khi sinh duy trì ở mức từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái…
“Dân số luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Việc nỗ lực giải quyết các nhóm vấn đề cấp thiết của công tác dân số Thành phố trong giai đoạn 2021-2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng để góp phần ổn định quy mô, cơ cấu dân số Thành phố, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực cho sự phát triển của Thành phố trong tương lai. Công tác dân số chỉ thành công khi có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tất cả mọi người dân”, ông Phạm Chánh Trung nhận định.
K.V