So sánh dân số nước nào đông hơn giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã trở thành đề tài bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội
Một bài đăng tuyên bố Ấn Độ đạt dân số 1,415 tỷ người, vượt qua báo cáo dân số của Trung Quốc, đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, tạo nên làn sóng tranh cãi ở Trung Quốc.
Dân số Trung Quốc trong năm 2021 đạt 1,412 tỷ người, tăng chưa đến 500.000 người, theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS). Trong khi đó, Liên Hợp Quốc ghi nhận dân số Ấn Độ cùng năm là 1,393 tỷ người.
Dù vậy, chính phủ Ấn Độ vẫn chưa hoàn tất kế hoạch điều tra dân số trong năm 2021 vì đại dịch Covid-19, và con số 1,415 tỷ người bị chỉ trích do thiếu tính xác thực.
Vấn đề nhân khẩu học trở thành chủ đề nóng ở Trung Quốc, khi các cuộc điều tra dân số kéo dài trong 10 năm cho thấy tỷ lệ sinh trên cả nước đang ở mức báo động.
Dân số có phải tất cả?
Dựa trên quy mô dân số, địa lý và mục tiêu phát triển, một cuộc “tranh đua” về dân số giữa hai quốc gia tỷ dân đã diễn ra từ những năm 1950. Báo cáo của Liên Hợp Quốc năm 2019 cho biết dân số Ấn Độ có thể vượt Trung Quốc trong năm 2027.
Dù vậy, ông Suan Teck Kim, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của tập đoàn UOB, nói rằng quy mô dân số quan trọng, nhưng sử dụng nguồn lực như thế nào mới là điểm mấu chốt. Ông nhấn mạnh việc tự động hóa và cải thiện chất lượng cuộc sống có thể giảm tác động từ nhân khẩu học lên nền kinh tế.
“Trung Quốc đã và đang tận dụng tốt nguồn lao động giá rẻ và trở thành ‘công xưởng của thế giới’, hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Cường độ lao động trong các hoạt động sản xuất cũng lớn hơn 10 lần so với Ấn Độ”, ông Suan nói.
Về tổng sản phẩm quốc nội (GDP), Bắc Kinh dần bỏ xa New Delhi khi gấp 2,5 lần năm 2000, và 5,6 lần trong năm 2020, theo South China Morning Post.
Xếp hạng chỉ số các cường quốc châu Á năm 2021 của Lowy Institute cho thấy Trung Quốc dẫn đầu và có ảnh hưởng lớn đến châu Á, với số điểm trung bình 74,6 trên 100. Ấn Độ đứng thứ tư và được xếp vào nhóm cường quốc tầm trung với 37,7 điểm.
Kanti Bajpai, giáo sư nghiên cứu về châu Á tại Đại học Quốc gia Singapore, cảnh báo rằng nền kinh tế Ấn Độ đã tụt lại do hạ tầng yếu kém, các quy tắc sản xuất và đầu tư phức tạp đã kìm hãm tăng trưởng của nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
“Vấn đề là quan trọng là chất lượng dân số khi xét đến yếu tố giáo dục, sức khỏe, năng suất lao động. Ấn Độ đang có dân số trẻ hơn Trung Quốc, nhưng nếu chất lượng dân số không đảm bảo, lợi thế về nhân khẩu học có thể bị đảo ngược”, ông Bajpai nói.
Tuy vậy kinh tế Ấn Độ đang có những chuyển biến tích cực. Tăng trưởng kinh tế tăng 9,2% trong năm 2021. Manoi Pradhan, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Talking Heads Macro có trụ sở tại London, cho biết New Delhi đang đi đúng hướng để phát triển bền vững, phối hợp chặt chẽ giữa kinh tế nhà nước và tư nhân.
Thách thức nhân khẩu học tại Trung Quốc
Theo ông Pradhan, vốn tích lũy của Trung Quốc vẫn đang là một lợi thế, nhưng điều này sẽ bị hạn chế dần khi mức nợ tăng và tăng trưởng dân số có xu hướng chậm lại.
Thách thức về nhân khẩu học ở Trung Quốc là đề tài chủ chốt được tranh luận trong hai phiên họp đầu tháng 3, khi các quan chức tại Bắc Kinh thảo luận giải pháp ngắn và dài hạn để đối phó với tác động đến nền kinh tế trong tương lai.
Các chuyên gia nhân khẩu cho biết dân số Trung Quốc sẽ sớm đạt đỉnh, có thể trong năm 2022 hoặc một vài năm tới. Điều này đặt ra thách thức cho giới chức Bắc Kinh phải đánh giá đầy đủ về tác động của dân số đến kinh tế và xã hội, để có những chính sách đối phó phù hợp.
Tỷ suất sinh tại Trung Quốc năm 2021 thấp kỷ lục, với 10,62 triệu ca sinh, tỷ lệ trung bình là 7,52 trẻ trên 1.000 dân. Chính quyền Bắc Kinh đã phải nới lỏng hạn chế về kế hoạch hóa gia đình, và cho phép mỗi nhà có thể có ba con.
Tuy vậy, quan chức Trung Quốc cho biết “chính sách ba con” có thể khiến người dân hiểu nhầm việc sinh con thứ tư là vi phạm.
Trên thực tế, việc có nhiều hơn ba con không bị phạt, nhưng các cặp đôi sẽ không được hưởng thêm trợ cấp, nghỉ phép, hay nhiều chính sách phúc lợi khác nếu sinh đứa con thứ tư trở đi.
Việc so sánh với một quốc gia có dân số tương đương như Ấn Độ để Trung Quốc đối chiếu và nhìn nhận sự cấp thiết phải giải quyết những vấn đề trong nước, bao gồm già hóa dân số, chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội, theo South China Morning Post.
Du Yang, chuyên gia kinh tế của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cảnh báo rằng suy giảm dân số sẽ tác động lâu dài đến tiêu dùng, từ đó tác động gián tiếp đến các kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng.
“Cần cải thiện chất lượng của các chính sách mở cửa để tối đa hóa nhu cầu từ nước ngoài, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của suy giảm dân số”, ông Yang nói.
Giáo sư Đại học Thanh Hoa Li Daokui cho rằng một trong những cơ hội để Trung Quốc phát triển không chỉ nằm ở số lượng người lao động, mà là trình độ học vấn, kỹ năng và sức khỏe. Cải thiện những yếu tố này có thể bù đắp phần lớn vào vấn đề tăng trưởng dân số chậm, ông Li Daokui nói.