Củng cố và nâng cao năng lực trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân và cộng đồng, không đi theo hướng chuyển đổi trạm y tế trở thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ

0
178

Sẽ thật sự tốn kém và không phát huy hết hiệu quả nếu xem trạm y tế là một “bệnh viện thu nhỏ” để tăng cường nguồn lực đầu tư cho trạm, ngược lại, nếu triển khai đồng bộ các giải pháp khả thi, ít tốn kém hơn để trạm y tế chuyển đổi hoạt động theo hướng Y học gia đình thì sẽ mang lại nhiều kết quả tốt hơn trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân và cộng đồng.

Ngày 31/05/2022, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội nghị giao ban chuyên đề “Nâng cao năng lực Y tế cơ sở”. Theo kế hoạch của Sở Y tế, hội nghị giao ban chuyên đề này sẽ diễn ra định kỳ hàng tháng để tăng cường lắng nghe và trao đổi trực tiếp giữa lãnh đạo Sở Y tế và các y, bác sĩ là các trưởng trạm y tế nhằm đưa ra các giải pháp giúp cho trạm y tế hoạt động thuận lợi nhất.

Về định hướng để nâng cao năng lực các trạm y tế, Sở Y tế khẳng định rõ hướng đi đó là nâng cao năng lực trạm y tế để tăng cường chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân và cộng đồng, không đi theo hướng chuyển đổi trạm y tế trở thành một phòng khám chuyên khoa hay một bệnh viện thu nhỏ. Đây là hướng đi hoàn toàn phù hợp với định hướng chung của Tổ chức Y tế Thế giới về nâng cao năng lực y tế cơ sở và chăm sóc sức khoẻ ban đầu qua Tuyên ngôn Astana (2018), theo đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 20/NQ-TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, và các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về nâng cao năng lực y tế cơ sở, và nhất là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của hệ thống y tế Thành phố.

Trở lại một thực tiễn đã diễn ra từ rất lâu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đó là sự phát triển theo chiều hướng đối nghịch giữa các bệnh viện, phòng khám và các trạm y tế phường, xã, thị trấn. Nếu như số lượng bệnh viện trên địa bàn Thành phố sẽ còn tiếp tục tăng dần theo thời gian (hiện nay đã là 133 bệnh viện), số lượng phòng khám chuyên khoa, đa khoa vẫn tiếp tục tăng nhanh (hiện đã vượt qua con số 7.000 phòng khám) thì số lượng trạm y tế phường, xã vẫn không thay đổi (310 trạm), và đã có trạm y tế phải quản lý sức khoẻ trên 100.000 dân. Số trạm không thay đổi nhưng số nhân viên y tế của mỗi trạm lại đang có xu hướng giảm do nhân viên nghỉ việc do phải đảm trách khối lượng công việc rất lớn trong khi thu nhập rất thấp nếu so sánh với thu nhập của nhân viên y tế tại các bệnh viện và phòng khám. Một Thành phố đông dân trên 10 triệu dân như Thành phố Hồ Chí Minh mà hiện chỉ có khoảng 1.700 nhân viên y tế phường, xã thì khó có thể đảm trách chức quản lý sức khoẻ người dân trên địa bàn. Tình hình nhân lực y tế tại các trạm y tế lại càng khó khăn hơn khi đại dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua, may mắn là đã có hơn 500 trạm y tế lưu động do các chiến sĩ quân y đảm trách kịp thời hỗ trợ.

Có ý kiến cho rằng chỉ cần tăng cường các bác sĩ có nhiều kinh nghiệm đang công tác tại các bệnh viện lớn của Thành phố về trạm y tế là giải quyết ngay được các khó khăn do thiếu nhân lực của các trạm y tế. Điều này nghe qua có vẻ hợp lý, nhưng nếu phân tích sâu sắc hơn thì đây không phải là giải pháp phù hợp, nếu không muốn nói là dễ lệch khỏi chức năng của trạm y tế. Điều dễ thấy rằng hầu hết các bác sĩ đang công tác tại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoaThành phố đều là bác sĩ chuyên khoa (hô hấp, tim mạch, thận, tiêu hoá,…) thì khó có thể đảm trách công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân, một công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng sẽ không khả thi nếu yêu cầu các bác sĩ chuyên khoa, thay vì là bác sĩ thực hành tổng quát (GP) hay bác sĩ gia đình thực hiện hoạt động này.

Chức năng của trạm y tế rất đặc thù, bên cạnh chức năng khám bệnh, chữa bệnh như sơ cứu, cấp cứu ban đầu; khám, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm và điều trị bệnh, quan trọng nhất là chăm sóc sức khoẻ người dân mắc các bệnh mạn tính không lây như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phỗi tắc nghẽn, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, các y, bác sĩ của trạm y tế còn thực hiện các hoạt động y tế dự phòng như tiêm chủng, truyền thông giáo dục sức khỏe, chăm sóc sức khỏe trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, công tác dân số, phòng chống dịch bệnh,… và nhiều hoạt động khác. Với những chức năng và nhiệm vụ đã được Bộ Y tế quy định như trên, trạm y tế càng không thể trở thành một phòng khám hay bệnh viện thu nhỏ. Vai trò của Trạm y tế phường, xã, thị trấn đã được khẳng định và ngày càng được quan tâm.

Qua Hội nghị giao ban chuyên đề “Nâng cao năng lực Y tế cơ sở”, Sở Y tế tiếp tục khẳng định hướng đi để nâng cao năng lực y tế cơ sở, năng lực các trạm y tế trên địa bàn Thành phố như sau:

(1) Tiếp tục ưu tiên tăng cường nhân lực cho các trạm y tế thông qua việc triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân Thành phố về củng cố năng lực trạm y tế.

(2) Tiếp tục ưu tiên nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và đổi mới hoạt động trạm y tế hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình.

(3) Tiếp tục chương trình thí điểm đào tạo thực hành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp theo hướng đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế.

(4) Tiếp tục hoạt động “teleconsultation” giữa các bác sĩ chuyên khoa của các bệnh viện thành phố với các bác sĩ của trạm y tế khi gặp trường hợp khó cần hỗ trợ tư vấn chuyên khoa.

(5) Chuẩn bị triển khai Chương trình xử trí lồng ghép các bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế phường, xã với các hoạt động thiết thực như sau: (a) Dịch thuật tài liệu của WHO về “Gói can thiệp thiết yếu các bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở” (WHO PEN); (b) Tổ chức tập huấn “Gói can thiệp thiết yếu các bệnh không lây nhiễm cho y tế cơ sở” dành cho các bác sĩ đang công tác tại trạm y tế và các bác sĩ trẻ đang thực hành tại các bệnh viện gắn liền với trạm y tế; (c) Thống nhất với BHYT TP bổ sung các thuốc thiết yếu để thực hiện Chương trình này, triển khai thí điểm tại một số trạm y tế, lượng giá rút kinh nghiệm trước khi triển khai đồng loạt tại tất cả các trạm y tế.

(6) Chuyển đổi số công tác quản lý sức khoẻ người dân, triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử và lập dữ liệu về sức khoẻ người dân.

Về lâu dài, Sở Y tế tiếp tục kiến nghị cần xem xét sửa chữa Luật khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến trạm y tế, theo đó, cần xem xét chuyển đổi phân bổ trạm y tế theo địa giới hành chính (phường, xã, thị trấn) sang phân bổ theo số dân cư trên địa bàn (như mỗi 10.000 – 20.000 dân cần có một trạm y tế).

SỞ Y TẾ TP.HCM