Hiện nay, mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành một trong những vấn đề “nóng” và nan giải đối với công tác DS-KHHGĐ ở nước ta, đã và đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Do những quan niệm sai lầm, tâm lý chuộng con trai hơn vẫn thể hiện rõ trong đời sống xã hội Việt Nam.
I. TÌNH HÌNH MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH:
1. Việt Nam
Nếu như trong những năm 90, tỷ lệ nam/nữ trong dân số Việt Nam chênh lệch không lớn (96,7 nam so với 100 nữ) thì sang những năm 2000 và gần đây, tỷ số giới tính khi sinh khá cao, liên tục tăng và nghiêng về trẻ em trai: năm 2006, tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam là: 110 trẻ trai/100 trẻ nữ (110/100), cao ở mức thứ 4 trên thế giới, năm 2007 và 2008, tỷ số này đã là 112/100, năm 2009 là 110,5/100 và năm 2010 là 111,2/100.
Nếu như năm 2006, chỉ có 19 tỉnh/thành trong cả nước có tỷ số giới tính khi sinh từ 110/100 trở lên, thì năm 2007, con số này đã lên tới 35 tỉnh/thành.
2. Thành phố Hồ Chí Minh:
2007: 108/100,
2008 và 2009: 110/100
2010: 108/100
Năm 2011: 107/100
Từ đó cho thấy tỷ số giới tính khi sinh ở nước ta thuộc vào loại khá cao, trên mức bình thường (tỷ số giới tính khi sinh bình thường chấp nhận được là 103-107/100), rất đáng báo động và nguy cơ mất cân bằng giới tính đã hiện diện. Tác động của sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh sẽ không dễ nhận thấy ngay, nhưng những năm tiếp theo sau sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”, theo đó xuất hiện hàng loạt các vấn đề thách thức lớn như: khó tìm vợ, mất cân đối về nhân sự trong các ngành nghề xã hội, gia tăng các tệ nạn xã hội.
II. NGUYÊN NHÂN:
1. Trước hết là đặc điểm văn hóa với nhiều phong tục tập quán thấm đậm tư tưởng Nho giáo ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam làm cho suy nghĩ: “trọng nam khinh nữ”, “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, “con trai mới là con của mình, còn con gái là con người ta”, mong có con trai để “nối dõi tông đường”, để “đảm trách công việc thờ cúng tổ tiên ông bà”, vẫn còn tiềm ẩn trong nhận thức của một số gia đình mặc dầu những năm gần đây, cái nhìn về “con gái” trong xã hội đã cởi mở hơn.
2. Tại một số tỉnh miền núi và miền biển, vẫn còn nhiều gia đình mong sanh con trai để đảm đang những công việc nặng nhọc của gia đình mà con gái không làm được như đi biển, chài lưới, khuân vác …
3. Việc mong muốn có con trai lại nhận được sự trợ giúp đắc lực bởi chính một số người làm công tác y tế, đặc biệt là những bác sĩ sản khoa với sự hỗ trợ của các phương tiện chẩn đoán y khoa hiện đại như siêu âm xuất hiện ở khắp các bệnh viện và phòng khám công lẫn tư đã tạo điều kiện dễ dàng, thuận lợi cho việc lựa chọn giới tính thai nhi của các bậc làm cha mẹ. Tù đó xuất hiện hành vi phá thai lựa chọn giới tính tại một số cơ sở y tế.
4. Các ấn phẩm văn hóa tuyên truyền hướng dẫn việc lựa chọn giới tính thai nhi cũng như các cơ sở tư vấn về sinh con trai hay con gái khá phổ biến, từ đó đã góp phần gia tăng tỷ số giới tính khi sinh.
III. HẬU QUẢ:
1. Tình trạng gia tăng dân số quá nhanh do nhu cầu phải đẻ cho được con trai dẫn tới sự chênh lệch lớn về phân bố dân cư giữa các vùng, khiến có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động. Điều này dẫn đến sự di dân ngày càng nhiều về các tỉnh, thành phố lớn.
2. Nam giới khó lấy vợ, từ đó đưa đến mất cân bằng trong đời sống, người ta ước tính rằng với đà gia tăng chênh lệch giới tính nghiêng về phía nam giới như hiện nay, thì trong 20-30 năm nữa sẽ có từ 2 đến 3 triệu đàn ông Việt Nam không lấy được vợ.
3. Tình trạng “nam thừa nữ thiếu” sẽ khiến nam giới vì không lấy được vợ mới tìm cách đi “giải quyết sinh lý”, có cầu thì sẽ có cung và chính điều này sẽ làm gia tăng nạn buôn bán phụ nữ và trẻ em gái cũng như hoạt động mại dâm.
4. Đàn ông không lấy được vợ sẽ bị ức chế về mặt tâm sinh lý, điều này có thể làm cho nam giới trở nên hung hăng hơn do dư thừa lượng nội tiết tố nam trong cơ thể, đưa đến những hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức, làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội như: hiếp dâm, trộm cướp, sử dụng chất kích thích và chất gây nghiện.
5. Sự chênh lệch giới tính nghiêng về phía nam giới đã làm cho một số ngành nghề vốn là đặc thù của nữ giới sẽ phải rơi vào tình trạng thiếu hụt lao động như: điều dưỡng, y tá, hộ lý, giữ trẻ, nuôi dạy trẻ, giúp việc nhà, thợ dệt …, trong khi nam giới chưa sẵn sàng để làm những công việc này.
6. Chất lượng dân số giảm do:
– Hậu quả của nạo phá thai để lựa chọn giới tính
– Tình trạng sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện, nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục và HIV/AIDS gia tăng
IV. CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ HẠN CHẾ MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH KHI SINH:
1. Đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân nhằm chấp hành nghiêm và thực hiện tốt các văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước như:
Điều 7 Pháp lệnh Dân số 2003 quy định nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức;
Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/9/2003 của Chính phủ quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi
Điều 9 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 03/10/2006 quy định xử phạt hành chính hành vi lựa chọn giới tính thai nhi
Luật Bình Đẳng giới ngày 29.11.2006:
Điều 40, điểm 7: Các hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế bao gồm:
Khoản b: Lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức hoặc xúi giục, ép buộc người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
Nghị định 55/2009/NĐ-CP ngày 10/06/2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về bình đẳng giới:
Điều 12: các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới lĩnh vực y tế:
Điểm 3 khoản b: phạt 3-5 triệu đồng: xúi giục người khác phá thai vì giới tính thai nhi
Văn bản số 3121/BYT-BMTE ngày 21/5/2009 của Bộ Y tế về nghiêm cấm lạm dụng kỹ thuật cao để lựa chọn giới tính khi sinh.
3. Có chính sách ưu tiên dành cho nữ giới, khen thưởng xứng đáng các cặp vợ chồng chỉ có 1 con gái hoặc 2 con gái. Nêu cao vai trò và những thành đạt của nữ giới trong xã hội hiện nay, nhấn mạnh vai trò của nam giới trong việc chấp hành các chính sách dân số và thực hiện các biện pháp KHHGĐ.
4. Sử dụng những hình thức xử phạt thực sự có hiệu quả để răn đe mọi hành vi tuyên truyền, hướng dẫn lựa chọn và xác định giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, đặc biệt là các ấn phẩm với nội dung hướng dẫn sinh con trai hay con gái theo ý muốn, phương pháp siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai lựa chọn giới tính.
5. Cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt của các cấp có thẩm quyền từ trung ương đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, đoàn thể, hội đoàn, các chuyên gia cùng với ngành DS-KHHGĐ để hạn chế tối đa chênh lệch giới tính khi sinh.
Tóm lại, muốn giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, hãy để cho quá trình sinh đẻ diễn ra một cách tự nhiên, tuyệt đối không có sự can thiệp về giới tính thai nhi của y học và khoa học./.