Chương trình mục tiêu QG về DS-KHHGĐ: Khẳng định tính công khai, minh bạch, hiệu quả

0
498

Nghị quyết đã đề ra hệ thống các giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu của chương trình DS-KHHGĐ, trong đó chỉ đạo "thực hiện phương thức quản lý theo chương trình mục tiêu, bảo đảm phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí". Sau gần 30 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ ngày càng chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt của Quốc hội, Chính phủ về tính công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.

Công khai hóa toàn bộ ngân sách từ đầu năm

Ở Việt Nam, Chương trình Dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) là một trong những chương trình đầu tiên được thực hiện theo cơ chế quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 1993, ngay sau khi BCH TW có Nghị quyết 04 về chính sách DS-KHHGĐ.

Tuy nhiên, thực tế phương thức quản lý theo chương trình mục tiêu đối với chương trình DS-KHHGĐ đã được thử nghiệm từ năm 1991 đến 1992, khi đó toàn bộ chương trình được ngân sách TW hỗ trợ với nội dung chính: Xây dựng cơ bản cho các cụm dịch vụ KHHGĐ liên xã, một số Trung tâm DS-KHHGĐ cấp tỉnh và ngân sách hỗ trợ cho các hoạt động sự nghiệp, bao gồm 3 chương trình (nâng cao năng lực quản lý, nâng cao hiệu quả thông tin giáo dục truyền thông và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ, viết tắt là VDS 01, VDS 02 và VDS 03).
 

Chương trình mục tiêu quốc gia tạo thuận lợi cho công tác dân số từ trung ương tới cơ sở. Ảnh: Dương ngọc.

Ngân sách hỗ trợ của các tổ chức quốc tế khi đó chủ yếu dành mua sắm các phương tiện tránh thai và thuốc thiết yếu được thông qua các dự án viện trợ. Như vậy, phương pháp quản lý chương trình mục tiêu với quan điểm: Công khai hóa toàn bộ ngân sách từ đầu năm, tập trung tuyệt đại bộ phận kinh phí cho cơ sở với các hệ số ưu tiên khác nhau theo vùng. Thực hiện các hoạt động thông qua hợp đồng trách nhiệm, kinh phí của chương trình được chi theo đúng nội dung nhằm bảo đảm cho mục tiêu được hoàn thành. Không có tình trạng "bẻ ghi", tức chi không đúng nội dung hoạt động của chương trình và xóa dần "cơ chế xin cho"… đã trở thành hiện thực để đi vào cuộc sống trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 531/TTg ngày 08/8/1996 về quản lý các Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Một trong những chương trình quốc gia trọng điểm
 

Sau gần 20 năm thực hiện, các tiêu chí xác định và phương thức quản lý chương trình mục tiêu ngày càng được bổ sung và hoàn thiện thông qua nhiều lần bổ sung sửa đổi để hiện nay có Quyết định 42/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các chương trình mục tiêu quốc gia và Quyết định 135/2009 (ngày 04/1/2009) của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Đến năm 1993, theo tinh thần Nghị quyết TW 4, để quản lý chương trình DS-KHHGĐ được hiệu quả, ngày 28/1/1993, Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã ban hành thông tư 37 UB/KHCS hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác DS-KHHGĐ năm 1993. Ngày 28/2/1993 liên bộ Tài chính và Uỷ ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã có thông tư liên tịch số 04/TTLT hướng dẫn việc cấp phát, quản lý kinh phí sự nghiệp DS-KHHGĐ.

Thông tư khẳng định: "Chương trình DS-KHHGĐ là một trong những chương trình quốc gia trọng điểm. Nguồn kinh phí để thực hiện chương trình phải được bố trí chi tiêu hợp lý và có hiệu quả thiết thực…". Liên tục cho đến năm 1995, hàng năm Uỷ ban Quốc gia DS – KHHGĐ đều có thông tư hướng dẫn nội dung cụ thể các khoản chi và nguồn cấp phát, phân cấp, quản lý và cuối cùng là kiểm tra, lập và gửi quyết toán trên quan điểm "đảm bảo kinh phí được sử dụng đúng mục tiêu" và "không được chi bình quân cho tất cả các xã trong địa phương".

Với phương thức quản lý công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả, trên cơ sở mở rộng nội dung hoạt động, từ nội dung chính là KHHGĐ sang dân số phát triển, từ giảm mức sinh sang từng bước nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực, Nhà nước đã nâng dần mức đầu tư kinh phí ngân sách TW từ 27 tỷ đồng năm 1992, 77 tỷ năm 1993, lên 267 tỷ (năm 2002 – năm thành lập Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em bổ sung thêm nhiệm vụ về Gia đình và Trẻ em), đạt mức 535 tỷ (năm 2008 – giải thể Uỷ ban và nhập chức năng nhiệm vụ về công tác dân số về Bộ Y tế), và đạt 740 tỷ năm  2010.

Hiệu quả ngày càng được khẳng định
 
Trong 10 năm qua (2000- 2010), ngân sách Nhà nước đầu tư cho chương trình dân số khoảng 6.000 tỷ đồng, bình quân vẫn dưới 0,4 USD/đầu người, thấp hơn mức phấn đấu 0,6 USD/người /năm theo Nghị quyết TW 4 đề ra từ năm 1993 và thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực như Trung Quốc (hiện nay trên 2 USD/người) và Thái Lan (khoảng 1 USD/người).
Đối với chương trình dân số, quá trình thực hiện ngày càng được Quốc hội giám sát chặt chẽ, nhờ đó hiệu quả của chương trình ngày càng lớn, tính minh bạch càng rõ nhờ sự công khai nguồn lực các cấp để "dân biết, dân bàn và dân kiểm tra"; tính công bằng ngày càng tăng thông qua việc phân bố kinh phí tập trung cho cơ sở, ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Với ưu điểm của phương thức quản lý nêu trên, số lượng các chương trình mục tiêu quốc gia do vậy đến năm 2011 đã tăng lên với tổng số 15 chương trình (so với 6 chương trình giai đoạn 1996 – 2000 và 2001-2005).

Thực tế cho thấy, qua nhiều lần cải cách hành chính, tách và nhập tổ chức bộ máy của cơ quan quản lý nhà nước về DS-KHHGĐ, Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ vẫn là một trong những chương trình quốc gia trọng điểm được Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư, giám sát, thanh tra và kiểm toán thường xuyên việc thực hiện từ TW đến cơ sở. Cũng nhờ phương thức quản lý này mà việc giám sát hoạt động, đánh giá chương trình, đặc biệt là đánh giá cụ thể được hiệu quả chi phí của chương trình DS-KHHGĐ trong bất kỳ khoảng thời gian nào.

Ví dụ, từ 1994 – 2002: Đầu tư 1 đồng cho công tác DS-KHHGĐ sẽ mang lại lợi ích kinh tế chung là 17,6 đồng. Kết quả này càng khẳng định quan điểm đúng đắn của TW Đảng: "Đầu tư cho dân số mang lại hiệu quả trực tiếp rất cao", góp phần xoá đói giảm nghèo và thực hiện thắng lợi các mục tiêu thiên niên kỷ. Cũng dựa trên kết quả và hiệu quả chi phí cao của Chương trình mục tiêu Quốc gia về DS-KHHGĐ mà Chính phủ đã quyết định vay tín dụng với lãi suất ưu đãi, trả trong 40 năm và 10 năm ân hạn để thực hiện các hoạt động về y tế – dân số giai đoạn 1996-2003, thông qua Dự án Dân số- sức khỏe gia đình với tổng số 129,6 triệu USD, trong đó vay tín dụng của Ngân hàng Thế giới 50 triệu USD, vốn vay thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á 41 triệu USD, còn lại là vốn viện trợ của Ngân hàng tái thiết Đức và đóng góp của Chính phủ ta.

Trên góc độ quản lý, việc rà soát và đánh giá hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia nói chung, chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ nói riêng là rất cần thiết, làm cơ sở cho việc phê duyệt và ban hành các chương trình mục tiêu đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí của Nhà nước quy định. Tuy nhiên, việc lồng ghép, xóa bỏ hay mở rộng các chương trình cần xuất phát từ kết quả thực hiện, đánh giá cả quá trình thực hiện, vị trí, quy mô, mục tiêu và tác động của từng chương trình đối với sự phát triển bền vững của đất nước.

Riêng đối với chương trình DS-KHHGĐ, cơ quan thực hiện cũng cần đề ra các giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của chương trình qua kết quả giám sát của Quốc hội, của cơ quan kiểm toán. Cần tổng kết những bài học kinh nghiệm, đặc biệt là xây dựng các mục tiêu phù hợp, khả thi, tránh tình trạng quá thấp hoặc quá cao, đặc biệt là nâng cao năng lực thực hiện của đội ngũ cán bộ trong việc triển khai thực hiện các dự án thành phần ở cơ sở.

Với niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo sáng suốt của Quốc hội, hi vọng danh mục chương trình mục tiêu quốc gia 2011-2015 sẽ sớm được phê chuẩn trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, tạo cơ sở thuận lợi cho việc triển khai thực hiện từ cơ sở với phương châm ngày càng tăng tính minh bạch, công khai, dân chủ, công bằng và hiệu quả thiết thực. Đó cũng là nguyện vọng chính đáng của nhân dân, không riêng đối với chương trình mục tiêu liên quan đến chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.