Hướng tới kỷ niệm 50 năm ngành DS-KHHGĐ: Dân số và phát triển bền vững

0
244

Mối quan hệ tương hỗ này luôn quyết định lớn đến sự phát triển của mỗi quốc gia và chất lượng sống của con người. Từ ý nghĩa quan trọng của vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo Bộ Y tế (giao trực tiếp Tổng cục DS-KHHGĐ thực hiện) xây dựng một chuyên đề về dân số và phát triển bền vững.

Dân số – động lực của phát triển

Ngay sau khi được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ đạo (trong buổi làm việc với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan về về công tác DS-KHHGĐ ngày 30/5/2011), Bộ Y tế giao Tổng cục DS-KHHGĐ dự thảo báo cáo chuyên đề về dân số và phát triển bền vững trình Phó Thủ tướng.

Theo các chuyên gia, các nhà khoa học thì lịch sử phát triển nhân loại cho thấy, trong mọi hình thái kinh tế – xã hội, dân số là động lực, là trung tâm của phát triển. Những biến đổi về quy mô, cơ cấu, phân bổ và chất lượng dân số chính là yếu tố quan trọng liên quan đến phát triển. Các nhà lãnh đạo và quản lý của nhiều quốc gia đã ngày càng nhận thức sâu sắc về sự ổn định quy mô dân số với sự gia tăng hợp lý. Điều đó sẽ giúp đất nước giảm bớt những căng thẳng về nguồn tài nguyên cạn kiệt, suy thoái môi trường, quá tải dân cư đô thị…, từ đó tăng các nguồn lực đầu tư phát triển dài hạn, đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục… cho người dân.
 

Trong mọi hình thái kinh tế – xã hội, dân số là động lực, là trung tâm của phát triển. Ảnh: Dương Ngọc.

Năm 1961, khi dân số thế giới đạt 3 tỉ người và Việt Nam hơn 30 triệu người, ngày 26/12/1961, Chính phủ ban hành Quyết định số 216/CP về việc sinh đẻ có hướng dẫn. Ngày này đã được lấy làm Ngày Dân số Việt Nam, ngày Việt Nam chính thức tuyên bố tham gia chương trình dân số toàn cầu. Trải qua 50 năm thực hiện vận động sinh đẻ có hướng dẫn (nay là DS-KHHGĐ), nước ta đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Thành tựu đó đã giúp Việt Nam được nhận Giải thưởng dân số Liên Hợp Quốc năm 1999. Trong kỳ họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 2010, các tổ chức quốc tế đã đánh giá Việt Nam là một trong hai điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Trong đó có sự đóng góp xứng đáng của công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác DS-KHHGĐ.

Góp phần vượt qua ngưỡng nghèo

Theo tính toán của các nhà nhân khẩu học kinh tế, giữa tốc độ tăng trưởng kinh tế và tốc độ phát triển dân số có mối tương quan chặt chẽ theo tỉ lệ nghịch: Để đảm bảo ổn định kinh tế – xã hội như hiện tại, nếu tốc độ phát triển dân số là 1% thì tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đương phải đạt 4%. Như vậy, theo mục tiêu phấn đấu tăng trưởng kinh tế – xã hội thì mỗi quốc gia phải xác định và khống chế tốc độ dân số ở mức hợp lý để đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, đảm bảo khả năng tích luỹ.

Theo các số liệu tăng trưởng dân số và kinh tế, những năm 1960 đến năm 1990, nền kinh tế khó khăn không có tích luỹ và âm. Từ những năm 1990, cùng với phát triển kinh tế và những thành tựu đạt được trong công tác DS-KHHGĐ, nền kinh tế nước ta đã có tích luỹ trở lại. Năm 2005, với quy mô dân số trên 83 triệu người (giảm khoảng 6 triệu trường hợp so với mục tiêu đề ra), thu nhập bình quân đã đạt 640 USD/người (so với 596 USD nếu có thêm 6 triệu người).
 
Năm 2010, với quy mô dân số gần 86 triệu người, Việt Nam đã đạt thu nhập bình quân 1.000 USD/người, vượt qua ngưỡng nghèo, trở thành nước có mức thu nhập trung bình trên thế giới. Chúng ta thấy rõ mối quan hệ khăng khít giữa tỉ lệ tăng dân số và tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội của đất nước. Kết quả giảm sinh đã tiết kiệm các khoản chi cho các dịch vụ xã hội để dành vốn đầu tư cho các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống nhân dân. Theo kinh nghiệm của quốc tế được UNFPA công bố, nếu chi 1 USD cho KHHGĐ thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội. Các khoản tiết kiệm này sẽ tiếp tục gia tăng nếu đầu tư nâng cao chất lượng dân số.
 
Bộ phận quan trọng trong sự phát triển của đất nước
 
Đánh giá cao ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia, TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, Tổng cục DS-KHHGĐ sẽ ghi nhận các đóng góp, tiếp tục cập nhật và chỉnh sửa dự thảo để trình Bộ Y tế trình Phó Thủ tướng trong thời gian sớm nhất.

Trong vòng 3 tháng qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã thành lập Ban soạn thảo với các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực dân số xây dựng dự thảo báo cáo chuyên đề "Dân số là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước" dựa trên những bằng chứng từ thành tựu, thực trạng, thách thức và công tác DS-KHHGĐ. Những tác động của dân số đến tăng trưởng kinh tế, phát triển giáo dục, môi trường, xóa đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… được dự thảo phân tích và đưa ra các giải pháp ứng phó chi tiết, cụ thể.

PGS.TS Trần Văn Chiến – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, dự thảo đã được chỉnh sửa qua 6 lần góp ý nội bộ, góp ý của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực dân số và đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể liên quan. Tại cuộc họp góp ý cho dự thảo gần đây nhất, ngày 6/9, GS.TS Nguyễn Đình Cử – Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định: "Việc xây dựng báo cáo chuyên đề về dân số và phát triển là cơ hội tốt để ta phát biểu với Đảng và Nhà nước về vấn đề quan trọng của đất nước". Theo đó, Giáo sư góp ý, báo cáo cần chắt lọc, khái quát được tầm quan trọng của dân số và phát triển bền vững với tầm nhìn xa hơn hàng chục năm sau. GS Nguyễn Đình Cử cũng nhấn mạnh giải pháp hoàn thiện hệ thống dữ liệu dân cư quốc gia và ổn định bộ máy tổ chức của ngành dân số.

Đồng tình với ý kiến của GS Nguyễn Đình Cử, bà Lê Thị Phương Mai, cán bộ chương trình của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho rằng, Báo cáo chuyên đề về dân số và phát triển này rất quan trọng, là cơ hội lớn để ngành dân số tham mưu cho Đảng và Nhà nước lồng ghép dân số vào sự phát triển bền vững của đất nước. Ông Vũ Tuấn Anh – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số, Tổng cục Thống kê cũng đánh giá cao nội dung dự thảo và đề nghị thêm vào phần giải pháp việc hoàn thiện hệ dữ liệu di cư quốc gia.

Đóng góp cho dự thảo về dân số và phát triển bền vững, ông Nguyễn Đình Thuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, để can thiệp và giảm thiểu tỉ số giới tính khi sinh đạt kết quả tốt phải đầu tư cho công tác truyền thông loại bỏ phân biệt giới tính một cách mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cần đầu tư cho y tế để chăm sóc người cao tuổi và nuôi dưỡng người cô đơn; chủ động xây dựng chính sách phù hợp với già hóa dân số, cần xây dựng Luật Dân số và bộ máy đủ năng lực để làm công tác dân số.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan – Phó Vụ trưởng Vụ Văn xã, Văn phòng Chính phủ khẳng định, dân số và phát triển là vấn đề được Chính phủ rất quan tâm. Bà Lan đề nghị dự thảo cần cập nhật số liệu mới nhất và cụ thể đến từng tỉnh. Bên cạnh đó, cần chỉ rõ được tương quan của dân số và phát triển đặt trong sự so sánh với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Giadinh.net.vn