Sự cần thiết của chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 cho công tác DS-KHHGĐ: Dân số – bài toán của sự phát triển

0
239

Dân số là bài toán của cơ sở hạ tầng, của nhà ở, đường sá giao thông; của an ninh lương thực, thực phẩm; của giáo dục, đào tạo; của y tế, khám bệnh, chữa bệnh; của lao động, việc làm; của môi trường, nước sạch nông thôn, miền núi. Dân số là bài toán của xoá đói, giảm nghèo; bài toán của an sinh xã hội, cứu trợ xã hội…

 

Hội nghị Cairo đã khuyến cáo: "Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số".  

       Ảnh: Dương Ngọc

 
Thành tựu từ "bài toán mẹ"     

Quyết định số 216/CP ngày 26/12/1961 về sinh đẻ có hướng dẫn là văn bản pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho công tác dân số-kế hoạch gia đình (DS-KHHGĐ) của Việt Nam. Trải qua 50 năm, công tác DS-KHHGĐ đã gặt hái được những thành quả to lớn.


Nếu số con trung bình của một phụ nữ có chồng ở giai đoạn 1969-1974 là 6,1 con, thì đến năm 2009 đã hạ xuống chỉ còn 2,03 con và đến nay có thể nói mục tiêu mỗi cặp vợ chồng bình quân có 2 con đã đạt được. Cũng vì thế, quy mô dân số nước ta (tính đến trước ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp 22/5/2011) chỉ là 87,3 triệu người thay vì 104,4 triệu người vào năm 2010 nếu không thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Và nếu với dân số 104,4 triệu người, giả sử quy mô nền kinh tế – tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn đạt 101,6 tỷ USD thì GDP bình quân đầu người chỉ là 973 USD chứ không phải 1.168 USD như đã công bố tại Đại hội Đảng lần thứ XI. Nếu vậy thì nước ta vẫn nằm trong tốp các nước kém phát triển, thu nhập thấp.


Nhưng nhờ nỗ lực, chúng ta  đã đạt được các mục tiêu dân số nói chung và khống chế được quy mô dân số nói riêng nên Việt Nam đã bước lên một "đẳng cấp mới", gia nhập nhóm các nước đang phát triển, có thu nhập trung bình. Chỉ một chỉ tiêu này thôi đã cho chúng ta thấy ý nghĩa cực kỳ lớn lao của công tác DS-KHHGĐ.
 

TS Bùi Ngọc Thanh,

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

"Phải tăng mạnh nguồn lực vì đây là điều kiện để thực thi Chiến lược và Chương trình mục tiêu của DS-KHHGĐ. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Cai rô: "Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số".

Thách thức trong giai đoạn tới


Người Việt Nam có câu "Sinh nhân bất sinh địa" (con người sinh sôi nhưng đất đai thì không). Đây là một "tổng kết" hoàn toàn đúng đắn, khách quan. So với sự phát triển dân số thế giới, Việt Nam là một trong một số nước có khó khăn hơn nhiều. Khi thế giới có 3 tỷ người thì Việt Nam mới có hơn 30 triệu người, nay thế giới có 7 tỷ người thì Việt Nam đã có 87,3 triệu người. Nghĩa là trong vòng 50 năm, dân số thế giới tăng gấp 2,33 lần, còn dân số Việt Nam tăng gấp 2,91 lần.


Do phát triển dân số nhanh hơn như nói ở trên nên nước ta đã xếp vào nhóm 5 nước có mật độ dân số trung bình cao nhất thế giới (Trong khi đó, Trung Quốc có dân số 1 tỷ 340 triệu dân nhưng không thuộc nhóm 5 nước này). Di cư tự do diễn ra ngày càng có quy mô và cường độ lớn dẫn đến tình trạng gây quá tải cơ sở hạ tầng nơi dân di cư đến…


Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế nhưng còn tới 28/63 tỉnh (chiếm 34,4% dân số cả nước) chưa đạt mức sinh thay thế. Chất lượng dân số thấp so với nhiều nước, nhiều người "thấp, bé, nhẹ cân". Nếu tính theo chỉ số HDI thì Việt Nam chưa bao giờ lọt vào nhóm 100 nước có chỉ số HDI cao (mặc dù hàng năm có nhích lên).


Tiếp theo đó là nguy cơ mất cân bằng giới tính ở trẻ sơ sinh là khá rõ ràng, nếu không xử lý tốt thì chỉ hai thập niên nữa có thể gây ra "khủng hoảng hôn nhân", nhiều nam thanh niên sẽ không tìm được vợ. Các vấn đề liên quan đến cung cấp dịch vụ KHHGĐ/sức khỏe sinh sản, sinh hoạt tình dục trước hôn nhân, nạo phá thai, các bệnh lây truyền tình dục… cũng là những vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới.
 
Tăng mạnh nguồn nhân lực hơn nữa


Vấn đề được đặt ra lúc này là, hơn bao giờ hết phải nhìn thẳng vào thực tế, hành động và hành động. Ngay từ tháng 9 năm 1994, Hội nghị lần thứ 6 của thế giới về Dân số và Phát triển (tại Cairo, Ai Cập) đã khuyến cáo rằng: Tất cả các quốc gia khi hoạch định chính sách dân số, không thể tách rời, biệt lập mà phải đặt nó trong toàn bộ sự phát triển kinh tế – xã hội, trong sự phát triển lâu bền của mỗi nước và trên toàn hành tinh.


Hôm nay chúng ta đang làm những gì để giải quyết các vấn đề về dân số thì nó sẽ quyết định đến tương lai và vận mệnh của con cháu chúng ta. Chất lượng và thành công của các Chương trình dân số phụ thuộc nhiều vào nguồn tài chính mà mỗi nước chi cho Chương trình này.


Gần hai thập niên qua, theo đường lối của Đảng và sự điều hành của Nhà nước, chúng ta đã từng bước thực thi nhiều công việc tương tự như khuyến cáo trên. Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, bây giờ nhất định chúng ta phải làm tốt hơn nữa theo hướng: Tiếp tục thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối của Đảng: "Công tác DS-KHHGĐ là một bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển đất nước, là một trong những vấn đề kinh tế – xã hội hàng đầu của nước ta, là yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội" (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 52, trang 530-531, NXB Chính trị Quốc gia, HN 2007).
 
Nhất thiết phải tiếp tục có Chiến lược, Chương trình DS-KHHGĐ


Dân số là bài toán tổng thể của tất cả các bài toán cụ thể nên khi xây dựng một chính sách của một lĩnh vực nào đều phải tính đến tác động của quy mô, chất lượng và cơ cấu dân số. Pháp lệnh Dân số dù đã được sửa đổi, bổ sung một số điều nhưng cần được tổng kết việc thực hiện và nâng lên thành một đạo luật để có tính pháp lý cao hơn. Về chỉ đạo, nhất thiết phải tiếp tục có Chiến lược và Chương trình DS-KHHGĐ cho từng giai đoạn, từng thời kỳ. Trước mắt là Chiến lược đến năm 2020 và Chương trình đến 2015 với mục tiêu duy trì mức sinh thấp hợp lý để có thể ổn định quy mô dân số trên dưới 115 triệu người vào giữa thế kỷ này; nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần; ngăn chặn và khắc phục tình trạng mất cân đối giới tính của trẻ sơ sinh; kéo giãn thời gian già hóa dân số.


Phải tăng mạnh nguồn lực vì đây là điều kiện để thực thi Chiến lược và Chương trình mục tiêu. Về ngân sách, mặc dù đến năm 2010 công tác DS-KHHGĐ đã được chi đến 870 tỷ đồng nhưng "bài toán tổng thể" này vẫn thấp xa so với nhiều "bài toán cụ thể" (ví như chỉ bằng 50% chi cho văn hóa thông tin). Theo tính toán sơ bộ của chúng tôi thì trước mắt, Chương trình 5 năm 2011-2015, năm sau ngân sách phải gấp 1,3 đến 1,4 lần so với năm trước, vì các mục tiêu đều có quy mô lớn và độ phức tạp cao. Về nhân lực, phải giữ và phát triển cho được đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên, cán bộ làm công tác dân số bằng và cao hơn so với thời gian còn mô hình tổ chức Ủy ban Dân số, Gia đình & Trẻ em; đồng thời phải củng cố bộ máy từ Trung ương đến địa phương và cơ sở đủ mạnh với điều kiện hoạt động tốt hơn, thuận lợi hơn. Nói cách khác, như khuyến cáo của Hội nghị Cairo: "Hãy ấn định nguồn ngân sách, vật chất, nhân lực tốt nhất cho Chương trình dân số".
 
Phải đầu tư “đủ lực” cho công tác dân số
 
Quốc hội đã quyết định chi từ ngân sách Nhà nước cho công tác Dân số những khoản chi ngày càng lớn. Ví dụ chỉ trong 3 năm (1992-1995) từ 29 tỷ đồng/năm đã tăng lên 285 tỷ đồng (gần gấp 10 lần). Bên cạnh đó, trong các chu kỳ 1978-1991 Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) đã tài trợ cho chương trình DS-KHHGĐ Việt Nam tới 51 triệu USD và chu kỳ 1992-1995 được tài trợ tiếp 25 triệu USD nữa; các tổ chức quốc tế khác cũng bổ sung thêm 11 triệu USD. Nói cách khác là phải có đầu tư vật chất tương đối "đủ lực" mới đem lại kết quả khả quan.


Ngoài việc Chính phủ đã đưa DS-KHHGĐ thành Chương trình mục tiêu quốc gia, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI đã ban hành pháp lệnh số 06/2003/PL về dân số và Khóa XII đã sửa đổi, bổ sung một số điều cho phù hợp hơn. Đó là những cơ sở pháp lý rất cần thiết để tổ chức thực hiện DS-KHHGĐ có bước phát triển mới.
 Giadinh.net.vn