Dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững

0
360

 

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị quốc tế "Động thái dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" tại Nam Phi.

 

Xét tầm quan trọng của việc giải quyết các mối quan hệ giữa động thái dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, Tổ chức các Đối tác về Dân số và Phát triển (PPD) phối hợp với Chính phủ Cộng hòa Nam Phi tổ chức Hội nghị quốc tế "Động thái dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững" từ ngày 1-2/11/2011 tại thủ đô Pretoria, Cộng hòa Nam Phi.

Tham dự Hội nghị có gần 300 đại biểu là bộ trưởng, nghị sĩ, các vị lãnh đạo đầu ngành về Y tế, Dân số, Tài chính, Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội từ 30 nước đang phát triển; thành viên Ban điều hành và điều phối viên quốc gia của 25 nước thành viên PPD; các chuyên gia về nhân khẩu học, kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, thay đổi khí hậu và phát triển bền vững của các nước, các tổ chức phi chính phủ.

Tăng dân số – thách thức phát triển bền vững

Hội nghị nhằm đạt các mục tiêu cụ thể sau: 1/Nâng cao nhận thức của nhà hoạch định chính sách về các vấn đề quan tâm và mới nổi liên quan đến kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, dân số và phát triển; 2/Nâng cao sự hiểu biết về các mối liên kết giữa động thái dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong bối cảnh nỗ lực để đạt được mục tiêu ICPD và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ; 3/Chia sẻ kiến thức và các chương trình thành công cũng như các sáng kiến ở các nước đang phát triển về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu và chương trình nghị sự thích ứng cho sự phát triển bền vững; 4/Khuyến khích lồng ghép tốt hơn các vấn đề biến đổi khí hậu vào chính sách và chiến lược về kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản.

Phát triển bền vững là một sự cân bằng hài hòa giữa tiến bộ về kinh tế, xã hội và môi trường, đảm bảo rằng các nhu cầu của dân số hiện nay được đáp ứng. Trong bối cảnh đó, cần hiểu biết rõ hơn về việc động thái dân số, bao gồm cả phân bố dân số, di cư, đô thị hóa, cũng như bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; và làm thế nào để xây dựng chính sách, chiến lược về dân số và phát triển bằng cách sử dụng cách tiếp cận dựa trên quyền. Tăng dân số là một trong những thách thức cho sự phát triển bền vững.

Có hai cách khác nhau để vấn đề dân số có thể được liên kết với biến đổi khí hậu: Giảm nhẹ (giảm khí nhà kính gây biến đổi khí hậu) và thích ứng (giảm tính dễ tổn thương với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu). Dưới góc độ tác động tới phát triển, môi trường, xóa đói giảm nghèo thì giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu đã trở thành những thách thức lớn.

 Dựa trên kinh nghiệm về xử lý các thảm họa do biến đổi khí hậu, một số nước đã xây dựng các chiến lược thành công về giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu. Các kinh nghiệm này cần được chia sẻ với các nước khác trong khuôn khổ hợp tác Nam- Nam.

Lồng ghép biến đổi khí hậu trong các chính sách dân số

Để giải quyết tốt các mối quan hệ động thái dân số, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, các nước cần lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các chính sách dân số và sức khỏe; nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách để kết hợp động thái dân số và các vấn đề biến đổi khí hậu trong chiến lược xóa đói giảm nghèo; khuyến khích lồng ghép tốt hơn động thái dân số vào các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu và cơ chế tài trợ; hỗ trợ những nỗ lực giảm lượng khí thải carbon toàn cầu, bao gồm cả việc áp dụng các công nghệ xanh; đầu tư cho kế hoạch hóa gia đình và các chương trình sức khỏe sinh sản để đem lại những thay đổi về dân số…

Những người bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu là phụ nữ, thanh niên và trẻ em, tạo thành nhóm dễ bị tổn thương nhất trong xã hội. Hạn chế hoặc không có khả năng tiếp cận tài nguyên và các quá trình ra quyết định sẽ làm tăng tính dễ tổn thương với biến đổi khí hậu. Để giải quyết vấn đề này, chính phủ các nước cần đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với thanh thiếu niên, phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương khác. Cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ sức khỏe sinh sản cho các bộ phận dễ bị tổn thương, bao gồm cả thanh thiếu niên, thanh niên và người di cư. Đảm bảo rằng thanh thiếu niên được cung cấp thông tin, các dịch vụ ngăn ngừa mang thai. 

Chia sẻ tri thức đang trở thành lĩnh vực trọng điểm của thời đại hiện đại và là nguồn lực quyết định cho sự phát triển bền vững. Các nước thành viên PPD cần tích cực chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong việc tích hợp biến đổi khí hậu vào chính sách, chiến lược kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản/ động thái dân số và phát triển bền vững. Thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm thu được trong các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu ở các cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Nâng cao vai trò của hợp tác Nam-Nam trong việc giải quyết các biến động dân số. Thu hút sự chú ý của các nhà hoạch định chính sách quan tâm giải quyết các mối quan hệ giữa dân số, SKSS/KHHGĐ và biến đổi khí hậu.

 

Tổ chức các Đối tác về Dân số và Phát triển (PPD) là một liên minh liên chính phủ của 25 nước đang phát triển từ châu Á, châu Phi, Mỹ La-tinh và Trung Đông, chiếm 57% dân số thế giới. PPD được thành lập vào năm 1994 tại Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) với mục tiêu thúc đẩy và tăng cường hợp tác Nam-Nam trong sức khỏe sinh sản, kế hoạch hoá gia đình, dân số và phát triển.

Hội nghị lần này kêu gọi Chính phủ các nước cam kết nâng cao tầm quan trọng của động thái dân số trong những cuộc thảo luận sắp tới như: Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc được tổ chức tại Durban vào cuối tháng 11 năm 2011; Hội nghị Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững được tổ chức tại Rio de Janeiro (Brazil) vào tháng 6 năm 2012.

Giadinh.net.vn