Hội thảo quốc tế về mất cân bằng giới tính khi sinh: Chung tay hành động

0
197

Sự mất cân bằng này đang khiến toàn châu Á sẽ “thiếu hụt” tới 117 triệu phụ nữ và trẻ em gái. Để đối phó với những hệ lụy của sự mất cân bằng này, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”. Hội thảo do Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) thực hiện với sự tham gia của 11 nước diễn ra trong hai ngày 5 – 6/10 tại Hà Nội.

Ảnh hưởng từ việc “trọng nam, khinh nữ”

Theo các báo cáo của các đại biểu đến từ 11 quốc gia, tỉ số giới tính khi sinh (SRB) chủ yếu ảnh hưởng đến các nước châu Á, nơi có nhiều quốc gia mà người dân vẫn còn tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Các nước có SRB tăng cao ở khu vực châu Á vẫn thường xuyên được nói đến từ những năm 1980 đến nay là Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ. Gần đây nhất là Việt Nam với mức độ gia tăng nhanh chóng và diễn biến phức tạp. Hiện nay, ngày càng nhiều nước đang chứng kiến tình trạng MCBGTKS như: Armenia, Azerbaijan, Georgia, Albania, Nepal…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến SRB tăng cao là tâm lý ưa thích con trai đã có từ lâu đời tại nhiều nước châu Á. Ở những quốc gia này, người dân thường có tâm lý “trọng nam, khinh nữ”: Chỉ có người con trai là được thừa hưởng tài sản, là người phụng dưỡng cha mẹ khi về già, lo việc ma chay cúng giỗ, nối dõi tông đường… Con gái không được tham gia vào những việc trọng đại của gia đình, dòng họ, lấy chồng thì theo chồng và ở bên nhà chồng… Những truyền thống “thâm căn cố đế” này tạo áp lực lớn buộc người phụ nữ phải “cố” đẻ cho được con trai. Do các chính sách giảm sinh và kiểm soát sinh đẻ khiến nhiều người càng mong muốn có quy mô gia đình nhỏ nhưng phải có con trai. Tiếp đó, sự phát triển của siêu âm và các công nghệ giúp chẩn đoán giới tính giúp họ có cơ hội tiếp cận dễ dàng nhằm thỏa mãn lòng mong muốn có con trai của mình.
 

Nếu không chung tay hành động thì tình trạng mất cân bằng giới tính sẽ ảnh hưởng rất nặng nề trong tương lai. Ảnh: Chí Cường

Bà Nobuko Horibe, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á và Thái Bình Dương của UNFPA cho hay: Phụ nữ phải chịu áp lực nặng nề về việc phải sinh con trai, phải gánh chịu các hậu quả nếu họ sinh con gái không như ý muốn- Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến SKSS, sức khỏe tình dục, thậm chí cả tính mạng của họ.

Áp lực… không lấy được vợ

Sự MCBGTKS đã tạo ra những hệ lụy của sự thiếu hụt các cô dâu hiện nay ở Trung Quốc, Hàn Quốc. Đến nay, mới chỉ có Hàn Quốc thành công trong việc đưa SRB về mức cân bằng tự nhiên 106 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ dù có nhiều biện pháp rất quyết liệt song SRB vẫn đang ở mức cao.

Theo kịch bản dân số khả quan nhất, nếu SRB trở về mức bình thường trong vòng 10 năm tới thì nam giới của Trung Quốc và Ấn Độ cũng vẫn phải đối mặt với “sức ép kết hôn” một cách nghiêm trọng trong vài thập kỷ vì rất nhiều người trong số họ sẽ không thể tìm được bạn đời do thiếu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn. Bà Monica Das Gupta – chuyên gia nhân khẩu học (nhóm nghiên cứu phát triển, Ngân hàng Thế giới) cho biết, ở Trung Quốc, tỉ lệ nam giới độc thân không có khả năng lấy vợ, đặc biệt nam giới ở khu vực nông thôn cao. Lý giải nguyên nhân này, bà Monica cho hay, nhiều phụ nữ ở nông thôn đã di cư đến thành thị để tìm kiếm công ăn việc làm, nâng cao trình độ. Nam giới nông thôn với trách nhiệm chăm sóc cha mẹ thường phải ở lại quê nhà, do đó cơ hội tìm kiếm bạn đời càng ít hơn.

Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ tác động tới cấu trúc giới tính của dân số trong tương lai, dẫn đến tình trạng dư thừa nam giới khi đến độ tuổi kết hôn. Thiếu phụ nữ sẽ làm tăng thêm áp lực buộc họ phải kết hôn sớm hơn. Nhu cầu mua bán tình dục cũng có thể ngày càng tăng và các mạng lưới buôn bán phụ nữ có nguy cơ sẽ mở rộng hơn do sự mất cân bằng này.

Chung hành động

Tại Hội thảo, đại diện các Chính phủ, phái đoàn của 11 nước tham dự đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các khuyến nghị, giải pháp nhằm cùng nhau ngăn ngừa, giảm thiểu sự MCBGTKS.

Chia sẻ bài học thành công, PGS.TS Heeran Chun – ĐH Jungwon University (Hàn Quốc) cho biết: Hàn Quốc đã đẩy mạnh chính sách như Luật cấm lựa chọn giới tính thai nhi, Luật Gia đình, Luật Bình đẳng giới quy định con gái được thừa kế như con trai, Chính phủ mở rộng các lĩnh vực nghề nghiệp với nữ, Luật cho phép phụ nữ quyền và trách nhiệm với gia đình cha mẹ đẻ của mình. Đẩy mạnh chiến dịch “Hãy yêu con gái của bạn” qua các phương tiện thông tin đại chúng.
 
Một số nước khác như Ấn Độ sửa một số luật, cho phép con gái có thể thừa kế tài sản gia đình ngang bằng với con trai, yêu cầu cả con trai và con gái phải có trách nhiệm chăm sóc cha mẹ tương ứng với tỷ lệ phần tài sản được thừa kế. Ở Trung Quốc, đã tiến hành một chiến dịch lớn để khẳng định giá trị của nữ giới với tên gọi “Chăm sóc trẻ em gái”  – đưa thông điệp tích cực về nữ giới, có những ưu đãi cho các bậc cha mẹ sinh con một bề, hỗ trợ các khoản tiền nhà và lương hưu cho các ông bố bà mẹ ở nông thôn sinh con một bề và khuyến khích các cuộc hôn nhân với chế độ mẫu hệ.

Tại Việt Nam, nhằm ngăn ngừa giảm thiểu tình trạng này, Pháp lệnh Dân số 2003, Luật Bình đẳng giới, dự thảo Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011 – 2020, một số Nghị định của Chính phủ đã có những quy định cụ thể nghiêm cấm hành vi lựa chọn, chẩn đoán giới tính thai nhi. TS. Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, trước tình hình SRB gia tăng, năm 2009, Tổng cục đã triển khai thí điểm mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu MCBGTKS ở 10 tỉnh, thành phố, mở rộng 18 tỉnh, thành vào năm 2009 và đến năm 2011 triển khai ở 43 tỉnh, thành phố trên cả nước…

Để giảm tình trạng MCBGTKS, xóa bỏ hệ lụy của gốc rễ “thâm căn cố đế”, đại diện các nước cũng thống nhất rằng, cần thiết phải có thêm nhiều nỗ lực hơn nữa từ phía Chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự, bao gồm cả những nỗ lực nhằm giải quyết phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái vốn đã ăn sâu bám rễ và là lý do chính cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh. Đại diện các nước cũng cho rằng, thúc đẩy bình đẳng giới và trao thêm quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái sẽ là giải pháp then chốt giúp điều chỉnh MCBGTKS. 

 

“Tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ Y tế và Liên Hợp Quốc tại Việt Nam trong việc tổ chức Hội thảo. Tôi hy vọng rằng, những thành công và bài học của các nước sẽ giúp Việt Nam định hướng lại chính sách về phát triển gia đình và xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả hơn để đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường”.

Ông Nguyễn Thiện Nhân
(Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam)

“Chúng tôi hết sức cảm ơn các quý vị đại biểu, các chuyên gia, các nhà khoa học các nước đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm để xử lý tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam.

Nhân dịp này, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, tổ chức quốc tế cả về kinh nghiệm, cũng như nguồn lực giúp Việt Nam giảm thiểu tình trạng MCBGTKS. Tôi cũng kêu gọi các nước trong hợp tác Nam – Nam tiếp tục có những hỗ trợ giúp đỡ để cùng nhau giải quyết được vấn đề khó khăn chung này. Tôi hy vọng với sự đoàn kết, quyết tâm, gắn bó, chúng ta sẽ thành công”.

TS. Dương Quốc Trọng
(Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ – Bộ Y tế)
 
“Để duy trì động lực đạt được Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ số 3 về Bình đẳng giới tại Việt Nam, các nỗ lực cần hướng tới việc thay đổi tâm lý ưa thích con trai của các cặp vợ chồng cũng như việc nâng cao địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội. Hơn nữa, cần tiến hành thêm các nghiên cứu định tính để tìm hiểu rõ hơn các yếu tố xã hội và văn hóa có tác động tới sự mất cân bằng giới tính khi sinh nhằm cải thiện các hoạt động giáo dục và một số can thiệp khác”. 
 
Ông Eamonn Murphy
(Quyền Điều phối viên thường trú của LHQ tại VN)

Giadinh.net.vn