Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội thảo quốc tế "Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai". |
Hà Nội, ngày 5 tháng 10 năm 2011
Kính thưa:
– Ông Eamonn Murphy, Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam,
– Bà Nobuko Horibe, Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, UNFPA,
– Ông Bruce Campbell, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam
– Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế
Kính thưa Quý vị đại biểu!,
Thay mặt Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, tôi nhiệt liệt chào mừng toàn thể quý vị, các vị khách quý trong và ngoài nước, từ 11 quốc gia, đại biểu của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương đã đến dự Hội thảo Quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai”.
Sau 50 năm thực hiện công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình ở Việt Nam, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng: Mức sinh và tỷ lệ tăng dân số đã giảm mạnh; tình trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em đã được cải thiện rõ rệt. Giai đoạn từ năm 1979 đến năm 1989 tỷ lệ tăng dân số trung bình là 2,1 %; giai đoạn từ năm 1989 đến 1999 tỷ lệ này là 1,7%; từ năm 1999 đến năm 2009 là 1,2% . Năm 2010, tỷ lệ tăng dân số là 1,05%. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 2 con. Kết quả này khẳng định sự đúng đắn của chính sách dân số – kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chăm sóc sức khỏe, giáo dục và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Năm 2010, GDP của Việt Nam là 1.136 USD/đầu người và chúng ta đã phổ cập giáo dục trung học cơ sở, lớp 9 cho toàn bộ trẻ em ở độ tuổi này trên phạm vi toàn quốc. Chúng ta cũng đã phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và kể từ năm 2006 trẻ em dưới 6 tuổi đã nhận được chăm sóc sức khỏe miễn phí.
Tuy nhiên, công tác dân số – kế hoạch hoá gia đình của Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức lớn như: có sự chênh lệch lớn về mức sinh giữa các tỉnh và các vùng, miền; đặc biệt, tỷ số giới tính khi sinh có xu hướng ngày càng gia tăng, năm 1979 tỷ số này là 105, năm 1989 là 106, 1999 là 107, năm 2009 là 110,5 và năm 2010 là 111. Do vậy theo dự báo dân số, nếu không có các biện pháp can thiệp hiệu quả hơn thì tỷ số giới tính khi sinh sẽ vượt con số 113 năm 2015 và 115 năm 2020. Chính phủ Việt Nam hết sức quan ngại về những cảnh báo này vì đến giữa thế kỷ này thì sẽ có số lượng nam nhiều hơn nữ từ 2,3 đến 4,3 triệu người. Điều này sẽ dẫn đến hàng triệu nam giới sẽ không có khả năng cưới vợ và tạo ra nhiều vấn đề về xã hội. Chúng ta không thể thu hút phụ nữ từ các quốc gia khác vì chính các quốc gia này cũng đang gặp phải các vấn đề tương tự. Như vậy, thực trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã trở thành sự thật, đã và đang gia tăng ít nhất trong 40 năm liên tục mặc dù Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này.
Kính thưa Quý vị đại biểu!
Đối mặt với nguy cơ có thể thất bại trong việc chuyển tỷ số giới tính khi sinh từ mức bất bình thường là 111 năm ngoái để trở về mức sinh học bình thường trong vòng 10 – 15 năm tới, tôi đánh giá cao sáng kiến của Bộ Y tế và Liên Hợp quốc trong việc tổ chức Hội thảo Quốc tế “Mất cân bằng giới tính khi sinh: Giải quyết vấn đề và định hướng cho tương lai” hôm nay.
Tôi hy vọng rằng, với những thành công và bài học chúng ta đã thu được cùng với sự đóng góp ý kiến của các quý vị, Hội thảo chúng ta sẽ là cơ hội tốt giúp Việt Nam định hướng lại chính sách về phát triển gia đình và xây dựng một hệ thống chăm sóc y tế và xã hội hiệu quả hơn để đưa tỷ số giới tính khi sinh trở về mức sinh học bình thường, giúp cho nam giới và phụ nữ Việt Nam hạnh phúc, một quốc gia an toàn và bền vững.
Kính thưa Quý vị đại biểu!
Khi tôi nghĩ về vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh, tại sao nó lại khó như vậy, tôi nghĩ về vấn đề bảo vệ môi trường. Nếu các gia đình tin rằng họ có thể sống trong một gia đình khi mà chỉ có con trai trong khi đất nước lại cần sự cân bằng thì điều đó cũng giống như việc họ tin rằng họ có thể làm ô nhiễm không khí nhưng lại cứ đề nghị các nước khác giảm ô nhiễm thì tất cả chúng ta đều phải sống trong môi trường ô nhiễm. Do vậy, mỗi gia đình cần tin tưởng rằng, sự cân bằng giới tính khi sinh là cần thiết cho mỗi quốc gia và cho mỗi gia đình.
Cuối cùng, tôi xin chúc quý vị hạnh phúc và thành công và sự cân bằng giới tính khi sinh ở các quốc gia sẽ sớm trở thành hiện thực.