Công tác DS-KHHGĐ tại các tỉnh Đông Nam bộ: Phải đa dạng hóa cách làm

0
212
GiadinhNet – Kết thúc chuyến công tác tại 5 tỉnh Đông Nam bộ về công tác dân số, TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhận xét, tình hình dân số có sự khác biệt giữa các tỉnh.
Do vậy, công tác dân số trong giai đoạn hiện nay giữa các vùng miền không thể áp dụng chung một mẫu số.
 

Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng trong buổi làm việc với ngành dân số TP HCM. Ảnh: P.V

 
Mỗi tỉnh một đặc thù

TS. Dương Quốc Trọng cho biết: “Qua 5 tỉnh ở khu vực miền Đông Nam bộ, tôi thấy có sự rất khác biệt giữa các tỉnh. Ví dụ, Bình Phước có tổng tỷ suất sinh rất cao, trong khi đó TP HCM tổng tỷ suất sinh lại rất thấp. Bình Dương, Đồng Nai có tổng tỷ suất sinh cũng thấp nhưng lại đang đối mặt với những áp lực rất lớn từ việc tăng dân số cơ học do các KCX-KCN hút người lao động.

Như vậy, phải thấy rõ một điều, công tác dân số trong giai đoạn hiện nay phải có cách làm rất khác nhau giữa các vùng miền, giữa các tỉnh. Như Bình Phước, không có cách gì khác ngoài nhanh chóng đạt được mức sinh thay thế thì mới có điều kiện nâng cao được chất lượng dân số, phát triển KT-XH. Còn TP HCM thì ngược lại, không nên quá tập trung vào việc giảm sinh. Năm 2011, tổng tỷ suất sinh của TP HCM đã giảm xuống còn 1,3 con, tỷ suất sinh thô cũng ở mức rất thấp, tỷ lệ sinh con thứ 3 cũng rất thấp, trên 3%. Ở khía cạnh KHHGĐ thì TPHCM đến bây giờ đã mỹ mãn. Vì vậy, TPHCM phải chuyển hướng mạnh sang tập trung nâng cao chất lượng dân số”.

Riêng công tác dân số tại TP HCM, TS Dương Quốc Trọng nhận xét: “Khi làm việc, tôi cũng đề nghị TP HCM nên đi đầu trong việc tìm ra cách làm mới của công tác dân số khác với cách làm kinh điển bấy lâu nay. Tôi lấy ví dụ, ngành dân số lâu nay triển khai chiến dịch truyền thông lồng ghép với đưa dịch vụ KHHGĐ đến vùng sâu vùng xa, tôi có đề nghị TP HCM nên thay đổi dịch vụ này. Nên chăng là, hiện chúng ta đang tiến hành nhiều mô hình khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, thì những đội dịch vụ lưu động này sẽ đến tăng cường khám sức khỏe tiền hôn nhân cho những nam nữ chuẩn bị kết hôn, rồi tăng cường triển khai sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. TP HCM đang đi đầu trong cả nước về thực hiện 2 chỉ tiêu này.
 
Đến nay thì sàng lọc trước sinh của TP HCM đã đạt trên 50%, sàng lọc sơ sinh đạt trên 40%, có thể nói đây là con số lý tưởng đối với nhiều tỉnh, thành phố. Tất nhiên là TPHCM có điểm rất thuận lợi về điều kiện phát triển KT-XH và ý thức của phụ nữ mang thai phải sinh con khỏe mạnh rất rõ ràng. Đồng thời các dịch vụ cung cấp ở TP HCM cũng rất tốt, có 2 trung tâm sàng lọc trước sinh, sơ sinh là BV Từ Dũ, BV Hùng Vương. Vì vậy TP HCM phải đi nhanh, đi sớm để triển khai được sàng lọc 100% bà mẹ mang thai, 100% số trẻ sơ sinh thì chúng ta mới có điều kiện nâng cao chất lượng dân số”.

Còn lại Bình Dương, Tổng cục trưởng Dương Quốc Trọng lưu ý tỉnh này quan tâm đến bộ phận lao động nhập cư: “Bình Dương đang đối mặt với gia tăng dân số cơ học quá nhanh. Có những phường ở Bình Dương đến 90% dân số là nhập cư. Vậy làm sao đảm bảo được cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc SKSS-KHHGĐ nói riêng cho người nhập cư là thách thức rất lớn trong giai đoạn tới. Tôi có trao đổi, tìm hiểu số liệu thì thấy trên 85% số dân nhập cư là phụ nữ đang trong giai đoạn 20-30 tuổi, là giai đoạn có khả năng sinh đẻ cao nhất, nên đáp ứng dịch vụ SKSS-KHHGĐ cho đối tượng này là nhu cầu rất lớn”.

Riêng vấn đề khung chỉ tiêu giảm sinh, Tổng cục trưởng giải thích thêm: “Khi làm việc với TP HCM tôi có nói vui là nếu chỉ tiêu giảm sinh là giảm 0,1‰, thì không có nghĩa là làm được 0,15‰ sẽ được đánh giá là xuất sắc hay đạt chỉ tiêu, đấy là tư duy của những năm trước. Bây giờ ví dụ được giao 0,1‰ mà thực hiện 0,1‰ là rất tốt, thực hiện 0,05‰ là chưa đạt chỉ tiêu giống như trước nay, nhưng nếu thực hiện được 0,2‰ thì lại cũng không tốt tý nào. Nghĩa là chúng ta phải có khung với trần-sàn hẳn hoi. Tất cả những điều đó muốn chốt lại một ý rằng công tác dân số hiện nay khác rất nhiều so với trước đây, đòi hỏi mỗi cán bộ làm công tác dân số phải nâng tầm hiểu biết của mình thì mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ”.
 
Tổ chức lồng ghép khám chữa bệnh và truyền thông DS-KHHGĐ
 tại TP HCM.
 
Hoàn thiện dần bộ máy
 

“Mỗi tỉnh cần đánh giá đúng thực trạng về dân số của tỉnh mình, từ đó đề ra những giải pháp cho phù hợp. Người làm công tác DS-KHHGĐ, kể cả cán bộ chuyên trách, cần tìm hiểu rất kỹ, đào sâu suy nghĩ để tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có những giải pháp phù hợp với công tác dân số thì mới thành công được”.  TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ

Nhận định về công tác tổ chức bộ máy thực hiện công tác DS-KHHGĐ qua 5 tỉnh, thành, Tổng cục trưởng khái quát: “Giữa các tỉnh, bộ máy tổ chức cũng rất khác nhau, chế độ đãi ngộ cũng rất khác nhau. Nhưng tôi cho rằng, các tỉnh cũng đang trong quá trình hoàn thiện dần, đến nay đều có một nhận thức chung là tuyến tỉnh ổn định với Chi cục DS-KHHGĐ, nhưng tuyến huyện thì hiện giờ mô hình rất khác nhau.
 
Ví dụ như TP HCM là địa phương duy nhất trong cả nước không thành lập Trung tâm DS-KHHGĐ mà công tác dân số được phân công cho một nhóm công chức ở phòng y tế, khoảng 5-6 người và đồng chí phó phòng y tế trực tiếp phụ trách mảng DS-KHHGĐ. Còn Đồng Nai thì lại khác, họ đưa Khoa sức khỏe sinh sản của Trung tâm Y tế dự phòng sang trung tâm dân số, gắn kết với trung tâm dân số. Do đó, Trung tâm DS-KHHGĐ vừa đảm nhiệm vai trò giống như Trung tâm của các tỉnh khác vừa cộng thêm làm dịch vụ KHHGĐ. Còn các tỉnh, thành khác thì tuyến huyện vẫn đang là Trung tâm DS-KHHGĐ, trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ”.

TS. Dương Quốc Trọng cũng nhấn mạnh: “Qua phần lớn ý kiến, ngay cả TP HCM cũng thế, muốn thành lập Trung tâm dân số trực thuộc UBND tuyến quận, huyện. Về tuyến xã, phường thì cũng rất khác nhau. Có nơi đã tuyển cán bộ chuyên trách dân số thành viên chức làm việc ở trạm y tế xã. Nhưng cũng có nơi tuyển thành viên chức nhưng vẫn làm việc ở UBND xã. Còn đối với TP HCM, cán bộ chuyên trách dân số chưa phải là viên chức nhưng họ hưởng chế độ giống như là viên chức…

Phần lớn ý kiến cũng đều mong muốn rằng cán bộ chuyên trách được chính thức tuyển dụng thành viên chức trực thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện. Còn ở tuyến dưới nữa là các CTV dân số thì cũng rất khác nhau về chế độ đãi ngộ. Ví dụ như ở Tây Ninh, CTV dân số chỉ được 50.000đ/ tháng, nhưng ở TP HCM lại được 240.000đ/tháng (ngoài 50.000đ được TƯ cấp theo Chương trình mục tiêu thì được địa phương cấp thêm 190.000đ).

Vì CTV dân số có chế độ đãi ngộ rất khác nhau, nên sắp tới chúng ta cũng tìm những giải pháp cho vấn đề này. Về ngắn hạn thì tôi có đề nghị địa phương nên lồng ghép CTV dân số cùng với nhân viên y tế thôn bản, hai chức danh này cùng trên một người để họ được hưởng thù lao từ 2 nguồn khác nhau. Còn về dài hạn, Bộ Y tế sẽ xây dựng một quyết định (tham mưu để Thủ tướng ban hành) về chế độ đãi ngộ cho CTV dân số theo hướng giống như nhân viên y tế thôn bản. Tôi cho rằng dù TP HCM có chế độ đãi ngộ CTV dân số khá tốt, nhưng qua tiếp xúc với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở ngành cho tới các huyện và CTV dân số, đều cho rằng chế độ đãi ngộ này cũng chưa thỏa đáng với công sức bỏ ra”.
Giadinh.net.vn