80% phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai. Ảnh: TL |
Thẻ khách hàng dự kiến được thiết kế như một loại phiếu có các ô thể hiện các dịch vụ mà khách hàng sẽ được cung cấp về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Bên thực hiện dịch vụ sẽ cắt các ô trên thẻ theo các dịch vụ khách hàng lựa chọn. Dự kiến ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp qua thẻ cho khách hàng thuộc đối tượng hộ nghèo là 100%; hỗ trợ dịch vụ mức 80% cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 50% số còn lại. Hàng quý, Ban Quản lý mô hình đối chiếu thanh toán, tạm ứng với các cơ sở làm dịch vụ tránh thai lâm sàng đã ký hợp đồng trước đó. Căn cứ để thanh toán là Báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng hàng quý, chứng từ gốc kèm theo báo cáo là “ô phiếu” được cắt ra từ “Thẻ khách hàng”. |
Hiện nay, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 25 triệu người, trong giai đoạn tới con số này sẽ tiếp tục tăng và đạt tối đa vào năm 2045 – 2050. Do đó, vấn đề được đặt ra là phải đảm bảo an ninh hàng hóa các phương tiện tránh thai, đáp ứng cung cấp cho những người có khả năng chi trả thông qua kênh thương mại và cung cấp miễn phí cho đối tượng nghèo.
Ông Đặng Văn Nghị – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, kết quả khảo sát của Tổng cục tại một số tỉnh, thành phố cho thấy: Đa số nhà quản lý và cán bộ cung cấp dịch vụ cho rằng cơ chế thanh toán hiện nay còn nhiều bất cập. Việc thanh toán dịch vụ yêu cầu quá nhiều loại chứng từ thanh toán, định mức thuốc thiết yếu và vật tư tiêu hao thấp, nhiều khâu trung gian khiến cho cả phía cung cấp và người nhận dịch vụ gặp nhiều khó khăn, dẫn đến một số vấn đề tiêu cực.
Thực tế trên đặt ra yêu cầu cần cải tiến cách thức cung cấp dịch vụ, phương thức và thủ tục thanh quyết toán kinh phí dịch vụ dễ dàng hơn, đơn giản hơn, hướng tới mục tiêu đảm bảo tính công bằng, bình đẳng trong tiếp cận thông tin và các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện dịch vụ thông qua Thẻ khách hàng, bà Nguyễn Thị Quý Linh – đại diện của tổ chức Marie Stopes International (MSI) cho biết, MSI đã áp dụng thẻ dịch vụ cho khách hàng có nhu cầu KHHGĐ, chăm sóc SKSS từ năm 2010 đến nay. Với các loại dịch vụ dành cho người nhập cư tại khu công nghiệp, phụ nữ có thu nhập thấp ở nông thôn, trên 100.000 thẻ dịch vụ đã giúp những khách hàng này được tiếp cận dịch vụ với chi phí phù hợp, một số đối tượng được miễn giảm.
Đề cập đến tính ưu việt của thẻ dịch vụ SKSS ở Kenya, ông Ashish Bajracharya – cán bộ chương trình Hội đồng Dân số tại Việt Nam cho biết, phương thức này đã kích cầu người dân tăng sử dụng dịch vụ, tăng cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ về chất lượng phục vụ, hướng dịch vụ đến các nhóm đích ưu tiên cao như người nghèo và thanh toán phí dịch vụ theo thỏa thuận. Một số ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia trong nước cũng đồng tình với việc triển khai phương thức thanh toán qua Thẻ khách hàng.
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, trong mấy năm qua, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tiến hành mô hình thí điểm chi trả các dịch vụ KHHGĐ lâm sàng thông qua một hệ thống trung gian – Thẻ khách hàng (chức năng gần giống như là BHYT) tại một số tỉnh, thành phố. Đây là một bước nhằm đánh giá tính hiệu quả, tính khả thi và bền vững để nhằm đề xuất nhân rộng mô hình phù hợp trên phạm vi cả nước.
Từ thế kỷ trước, nhiều nước và khu vực đã cải tiến phương thức cung cấp dịch vụ, trong đó có loại hình dịch vụ KHHGĐ thông qua thẻ khách hàng. Đài Loan (Trung Quốc) là một ví dụ tiêu biểu triển khai hình thức sử dụng dịch vụ này. Thông qua Thẻ khách hàng, người sử dụng có nhiều lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ hơn; nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở cung cấp dịch vụ, tài chính được minh bạch. Qua đó thúc đẩy cơ sở cung cấp dịch vụ sáng tạo, chất lượng, chi phí hiệu quả, nhiệt tình với khách hàng. |
Khảo sát đã cho thấy: 67% khách hàng mong muốn được cung cấp dịch vụ theo phương án mới và 29,5% cho ý kiến theo phương án mới hay cũ đều được; 84% khách hàng mong nhận được dịch vụ theo phương án cấp miễn phí; 48/48 cán bộ quản lý nhận thức được những ưu điểm phương thức cung cấp dịch vụ KHHGĐ thông qua Thẻ khách hàng và đồng ý triển khai cung cấp dịch vụ theo phương án này.
Tại hội thảo “Xây dựng dự án thí điểm chi trả dịch vụ tránh thai lâm sàng qua phương thức trung gian” ngày 20/3, TS Dương Quốc Trọng đã nhấn mạnh: “Hình thức đổi mới thanh toán này cũng là một trong những cố gắng để chúng ta đổi mới cơ chế tài chính y tế nói chung, góp phần thực hiện định hướng công bằng, hiệu quả, phát triển”. Các bài trình bày và ý kiến của các nhà quản lý, các chuyên gia tại Hội thảo đã khẳng định, trong thời gian tới cần tiến hành dự án cung cấp thí điểm việc chi trả các dịch vụ tránh thai lâm sàng qua phương thức trung gian – Thẻ khách hàng. Phương thức này cũng đã được khẳng định trong Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011 – 2020 mà Chính phủ đã phê duyệt.
TS Dương Quốc Trọng đề nghị Vụ Kế hoạch tài chính, Tổng cục DS-KHHGĐ khẩn trương lấy ý kiến các chuyên gia, các địa phương xây dựng đề án cụ thể về các vấn đề từ công tác quản lý, in ấn thẻ, phát thẻ, hợp đồng với các cơ sở dịch vụ y tế công, y tế tư nhân, đặt tiêu chí cho tiêu chuẩn các cơ sở có đủ điều kiện thực hiện dịch vụ… Nhân dịp này, TS Dương Quốc Trọng cũng cảm ơn tổ chức PATH (Mỹ) đã hỗ trợ Tổng cục DS-KHHGĐ triển khai Dự án “Nâng cao tính công bằng và bền vững trong công tác DS-KHHGĐ” trong thời gian qua và mô hình “Quản lý sử dụng dịch vụ KHHGĐ thông qua Thẻ khách hàng” trong thời gian tới.
Giadinh.net.vn