Việt Nam đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền, vận động để thay đổi tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. (Ảnh minh họa)
“Người cha trách nhiệm”
Nam giới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình, cùng vợ chăm sóc nuôi dạy con, phòng chống bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới. Vì thế, để thúc đẩy bình đẳng giới, nhiều câu lạc bộ làm chồng, làm cha trách nhiệm đã được thành lập nhằm phát huy vai trò của nam giới.
Mô hình “Người cha trách nhiệm” do Hội Nông dân Việt Nam triển khai trong khuôn khổ hợp tác của dự án “Chấm dứt lựa chọn giới tính khi sinh trên cơ sở định kiến giới và các thực hành có hại tại châu Á” được Chương trình Hợp tác và Phát triển Na Uy tài trợ giai đoạn 2020 – 2022 đã huy động nam giới từ 20 – 40 tuổi có con nhỏ từ 0 – 7 tuổi hoặc chưa có con tham gia sinh hoạt. Nam giới tham gia Câu lạc bộ được tập huấn về cách làm cha trách nhiệm với 15 bài học về kiến thức giới, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới trong gia đình. Dự án đã có 25 Câu lạc bộ tại nhiều tỉnh, thu hút 900 nam giới tham gia… Dự kiến thời gian tới, mô hình tiếp tục nhân rộng trên cả nước.
Bên cạnh mô hình “Người cha trách nhiệm”, còn có nhóm “Làm cha là thế” trên facebook do Trung tâm Trẻ em và Phát triển Trung tâm sáng kiến sức khoẻ dân số, Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học về giới, gia đình phụ nữ và vị thành niên thực hiện điều phối và hỗ trợ, trong khuôn khổ dự án “Tăng cường dự phòng và ứng phó với bạo lực, các hành vi có hại trên cơ sở giới từ góc nhìn của tổ chức xã hội”. Tham gia Câu lạc bộ, các ông bố sắp có con, đang có con trong độ tuổi đầu đời hoặc bạn trẻ đang ngấp nghé ngưỡng cửa hôn nhân được chia sẻ về kiến thức về giới, bạo lực giới, bình đẳng giới, cách xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con…
Xóa bỏ tâm lý ưa thích con trai
Sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam có xu hướng giảm, song vẫn còn ở mức cao. Năm 2021, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 112 bé trai/100 bé gái. Theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê điều tra năm 2019, đến năm 2034 Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới tuổi từ 15 – 49 và tới năm 2059, con số này lên đến 2,5 triệu người (tương ứng với 9,5% dân số).
Con số này được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đưa ra tại Hội thảo tham vấn Nam – Nam về chấm dứt tâm lý ưa thích con trai, hạ thấp giá trị con gái và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới diễn ra mới đây dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Các đại biểu đến từ nhiều nước chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về việc xây dựng các kế hoạch hành động cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu nhằm ngăn chặn tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, từ đó góp phần tăng cường hợp tác, thúc đẩy bình đẳng giới và quyền về giới, để có thể đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Theo Giám đốc Văn phòng Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) khu vực châu Á – Thái Bình Dương – ông Bjorn Andersson, Việt Nam đã đạt được thành tích rất tốt trong việc giải quyết tình trạng ưa thích con trai và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới trong suốt 15 năm qua. “Những thành tích trên đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia kiểu mẫu phù hợp cho mục đích hợp tác Nam – Nam (hình thức hợp tác thúc đẩy phát triển hiệu quả thông qua học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và công nghệ giữa các nước đang phát triển)” – ông Bjorn Andersson khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà, để kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh theo mục tiêu đề ra, Việt Nam đã tăng cường hoàn thiện và thực thi các chính sách, pháp luật, triển khai nhiều giải pháp can thiệp nhằm giải quyết vấn đề này như Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới; Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030; Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 – 2025; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 – 2030…
Việt Nam cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh các giải pháp liên quan đến tuyên truyền, vận động để thay đổi tư tưởng “trọng nam, coi thường nữ giới” vốn cũng được đề cập tại Điều 5 của Công ước Liên Hợp quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (Công ước CEDAW).
“Sự mất cân bằng giới tính khi sinh nếu không có sự can thiệp tích cực ngay từ bây giờ sẽ để lại những hệ lụy khôn lường cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc và cũng tác động nghiêm trọng đến bất bình đẳng giới, đến sự tiến bộ và vị thế của người phụ nữ trong xã hội”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.