Bảo đảm sức khỏe sinh sản khi mắc bệnh tiểu đường

0
199

Tiểu đường (hay còn gọi là đái tháo đường) được coi là một trong ba căn bệnh nan y có nguy cơ gây tử vong cao, cùng với bệnh ung thư và HIV/AIDS; gây ra nhiều bệnh hiểm nghèo như tim mạch, tai biến mạch máu não, mù mắt, suy thận… ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.


Xét nghiệm tiểu đường cho phụ nữ mang thai tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương

Xét nghiệm tiểu đường cho phụ nữ mang thai tại Khoa Phụ sản, Bệnh viện Y Dược TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Mai Phương

Tiểu đường là một trong những bệnh mãn tính đang gia tăng trong cuộc sống hiện đại. Những người mắc căn bệnh này cũng phải đối mặt cao với nguy cơ vô sinh. Cùng chồng đi khám tại Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, chị Bích Hạnh (Hải Dương) cho biết, chồng bị tiểu đường tuýp 1 gần sáu năm nay. Chị rất lo lắng vì kết hôn hơn hai năm mà vẫn chưa có con. Cùng cảnh, anh Đức Thắng (Hà Nội) 34 tuổi bị bệnh tiểu đường đã 5 năm, lấy vợ được ba năm vẫn chưa thể có con.

Hiện nay, có khá nhiều người bị vô sinh do ảnh hưởng của căn bệnh tiểu đường. Các chuyên gia sinh sản cho rằng, tiểu đường tuýp 1 hay tuýp 2 đều khiến các tế bào sản xuất insulin trong cơ thể bị tổn hại dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, trong đó có tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng. Các nghiên cứu cũng cho thấy, cho dù thai nhi có hình thành, thì khả năng sống sót thấp và tỷ lệ bị dị tật cũng tăng cao, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng dân số.

Không chỉ nam giới mà phụ nữ mắc bệnh này cũng phải đối diện những nguy cơ trong quá trình mang thai và sinh sản. Nhiều người có thể bị tiểu đường trong thời kỳ mang thai (được gọi là tiểu đường thai kỳ) có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Phụ nữ đang mang thai và bị tiểu đường tuýp 1 hoặc tuýp 2 có nguy cơ cao bị sảy thai. Bên cạnh đó, trẻ có mẹ bị tiểu đường dễ bị chết non hoặc bị suy dinh dưỡng.

Các bác sĩ khuyến cáo, phần lớn những người mắc bệnh đái tháo đường đều có thể có con, nhưng với phụ nữ mắc đái tháo đường đang có mức đường máu cao không ổn định, khả năng thai bị dị tật có thể lên tới 22%.

Để bảo đảm an toàn cho cả mẹ và con, trước hết phụ nữ mắc bệnh này cần đến bác sĩ để khám sức khỏe khoảng sáu tháng trước khi mang thai; điều chỉnh và ổn định mức đường trong máu nếu không muốn bị sảy thai, sinh sớm hoặc dị tật thai nhi. Tiểu đường có thể được kiểm soát qua thay đổi lối sống gồm duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thường xuyên.

Tuy nhiên, điều quan trọng là cần biết các triệu chứng của tiểu đường và kiểm soát tiểu đường. Những người hơn 30 tuổi, thừa cân hoặc béo phì với chỉ số khối cơ thể (BMI – chỉ số đánh giá mức độ gầy béo của một người) ở mức cao hoặc có tiền sử gia đình bị tiểu đường, cách tốt nhất là đi khám và tư vấn trước khi có các triệu chứng hoặc các biến chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

Do vậy, các cặp vợ chồng khi có một trong hai người mắc bệnh tiểu đường muốn có con cần đến bác sĩ để kiểm tra kỹ lưỡng về khả năng sinh sản của mình, có biện pháp để kiểm soát tốt đường huyết, sử dụng thuốc điều trị, kết hợp với chế độ ăn uống và tập luyện khoa học.

Cần tầm soát bệnh đái tháo đường định kỳ ở những người có các yếu tố nguy cơ như: người thừa cân, béo phì; ít vận động thể lực; gia đình trực hệ có người bị đái tháo đường (bố, mẹ, anh chị em ruột); phụ nữ sinh con có cân nặng từ 4 kg trở lên hoặc bị đái tháo đường thai kỳ; người bị tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Những người từ 45 tuổi trở lên không có các yếu tố nguy cơ trên cũng nên tầm soát bệnh. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, nên lặp lại xét nghiệm sau một đến ba năm.

Theo Bs Trần Viết Thắng (Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh)
Nhân dân