Kawasaiki là bệnh gì mà thầy thuốc rất… ngại?

0
384

GiadinhNet – Thấy con sốt cao, gia đình cho con uống hạ sốt ngay. Nhưng sau vài ngày không đỡ, lại kèm thêm phát ban, mẩn đỏ, gia đình đưa lên viện thì con đã mắc bệnh hiếm Kawasaiki – biến chứng động mạch vành, ảnh hưởng đến tim.

Một bệnh nhi mắc Kawasaki đang được điều trị tại BV Nhi TƯ. ảnh: Võ Thu
Một bệnh nhi mắc Kawasaki đang được điều trị tại BV Nhi TƯ. ảnh: Võ Thu

Trẻ sốt cao không hạ, ai ngờ mắc bệnh hiếm

Sau 6 ngày sốt dai dẳng mãi không hạ nhiệt, lại thấy con phát ban và phồng rộp lưỡi, gia đình bé Gia Bảo (4 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) vẫn nghĩ con bị “nóng trong”, nên tích cực hạ sốt và tìm đủ thứ lá mát cho con uống. Tuy nhiên, tình trạng trẻ không cải thiện. Khi đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ chấn đoán bé mắc bệnh Kawasaki, giãn động mạch vành.

Một trường hợp khác là bé Q.Huy (4 tháng tuổi, ở Hải Dương). Cách đây hơn 3 tuần, bé đột ngột sốt cao và kéo dài. Bố mẹ bé cho uống thuốc hạ sốt nhưng chỉ 2-3 tiếng sau bé lại sốt đùng đùng gần 40 độ C. Cũng như bé Bảo, sau 3 ngày không cắt sốt, bé Huy bị phồng rộp đầu lưỡi, bắt đầu bỏ bú mẹ và thường xuyên quấy khóc.

Ngay lập tức, bé Huy được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương để điều trị. Tại đây, nghi ngờ cơ thể bé phản ứng vì bị nhiễm khuẩn nên các bác sĩ truyền kháng sinh cho bé. Tuy nhiên, các triệu chứng sốt cao, rộp miệng vẫn không thuyên giảm. Sau 2 ngày điều trị, bệnh viện tỉnh kết luận cháu bị mắc Kawasaki và phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương để điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi được xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ phát hiện bé Huy bị giãn động mạch vành, ảnh hưởng đến tim. “Ban đầu chỉ sốt cao, gia đình cũng chỉ nghĩ con bị sốt virus, ai ngờ con lại bi biến chứng nguy hiểm từ cái bệnh lạ tai như thế…” – mẹ bé Huy sụt sùi nói.

Đặc biệt, do cơ thể kháng thuốc nên sau khi truyền thuốc đặc trị, bé Huy vẫn tiếp tục sốt cao. Các bác sĩ phải truyền thuốc lần thứ hai cho bé. Lúc này, toàn bộ vùng da đầu ngón tay và đầu ngón chân của cháu bé đều đã bị bong tróc, mu bàn chân và bàn tay bị sưng đỏ.

Theo ThS Cao Việt Tùng – Trưởng khoa Gây mê hồi sức tim mạch (Bệnh viện Nhi Trung ương): Kawasaki là bệnh cấp tính có viêm mạch hệ thống, không rõ căn nguyên và không có loại xét nghiệm đặc hiệu. Để chẩn đoán bệnh phải dựa vào các triệu chứng lâm sàng, với 6 biểu hiện.

Cụ thể, trẻ sốt liên tục trên 5 ngày; có phát ban ở thân, chi, mặt; mắt có triệu chứng đỏ, viêm kết mạc và gỉ; lưỡi đỏ, nổi gồ như quả dâu tây; có hạch cổ sưng to; đâu chi đỏ, phù sưng mọng, giai đoạn muộn có thể bong da.

Bệnh Kawasaki thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhưng trẻ lớn hơn vẫn có thể mắc bệnh. Trước đây, Kawasaki được xem là căn bệnh hiếm, nhưng giờ đã không còn…hiếm nữa.

Ở châu Á, tỷ lệ mắc bệnh từ 50 – 100 trẻ /100.000 người, còn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, con số này là từ 80 – 100 trẻ/năm.

Theo một bác sĩ khác tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây, Bệnh viện liên tục tiếp nhận và chẩn đoán các bệnh nhi mắc Kawasaki, dù trước đó, căn bệnh này thường xuất hiện rải rác, cao điểm vào khoảng tháng 9 – 10, không theo đợt.

Hiện chưa có bằng chứng nào về việc Kawasaki có thể lây nhiễm. Cũng rất hiếm trường hợp cả 2 trẻ trong một gia đình cũng mắc bệnh Kawasaki.

Bệnh hay bị chẩn đoán nhầm, dễ biến chứng tim mạch và tử vong

Các bác sĩ cũng cho biết, Kawasaki thường rầm rộ và đa dạng giống nhiều bệnh khác, đôi khi bệnh tiến triển lâm sàng tự thoái lui (self-limited) nên dễ bỏ sót, không được theo dõi và điều trị. Cũng có những trường hợp vì không có biểu hiện điển hình nên hay bị nhầm với ban dị ứng hay nhiễm khuẩn do liên cầu. Trong khi đó, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, Kawasaki gây nhiều nguy cơ, thậm chí tử vong.

Biểu hiện và biến chứng hay gặp ở bệnh là viêm tim, phình giãn động mạch vành gây nhồi máu cơ tim và suy động mạch vành mãn tính về sau. Nếu không được điều trị, cứ 5 trẻ mắc bệnh Kawasaki sẽ có 1 trẻ bị các tổn thương mạch vành.

Đối với hầu hết trẻ mắc bệnh, tổn thương này thường nhỏ và không kéo dài. Tuy nhiên ở một số trẻ, tổn thương có thể tồn tại cho tới khi trẻ trưởng thành, khiến cho thành động mạch vành trở nên yếu và hình thành túi phình động mạch. Các túi phình động mạch này rất nguy hiểm, chúng có thể cản trở máu chảy tới các cơ tim.

Năm 2016, Bệnh viện Nhi Trung ương từng tiếp nhận một trường hợp nhập viện sau khi sốt kéo dài hơn 10 ngày. Bên cạnh các biểu hiện điển hình, khi siêu âm, các bác sĩ phát hiện động mạch vành của trẻ bị phình to và có cục máu đông. Do nhập viện quá muộn nên trẻ đã tử vong vì nhồi máu cơ tim.

Bên cạnh đó, Kawasaki còn có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây ra bệnh viêm gan, vàng da, men gan tăng, hay viêm màng não và viêm tim…

Các nghiên cứu cho thấy, điều trị bệnh trước 6 ngày sẽ dẫn đến tỷ lệ kháng thuốc cao. Điều trị bệnh đúng thời điểm, tuy không thể giảm 100% các biến chứng song sẽ làm giảm tỷ lệ mắc tổn thương động mạch vành hoặc làm tăng khả năng phục hồi bệnh. Sau điều trị, tất cả bệnh nhân cần được theo dõi ít nhất từ 6 tháng – 1 năm.

Bệnh dễ gây biến chứng giãn mạch vành

Các bác sĩ cảnh báo, với những bệnh nhân mắc Kawasaki, một số có khả năng tự hết sốt khiến nhiều gia đình chủ quan. Tuy nhiên, Kawasaki được xem là một bệnh nguy hiểm vì thường gây biến chứng giãn mạch vành và nếu không điều trị có thể sẽ dẫn đến tử vong vào ngày thứ bảy sau khi mắc bệnh.

Ngoài ra, các u máu nếu bị chấn thương đều rất dễ vỡ, gây chảy máu. Nếu vỡ mạch máu to sẽ rất khó cầm, có thể nguy hiểm tới tính mạng.

Do đó, khi phát hiện trẻ sốt, đặc biệt kéo dài, các gia đình không nên chủ quan dẫn đến việc bỏ sót bệnh và đưa trẻ tới cơ sở y tế một cách kịp thời.

Quỳnh An