Em bé lây giang mai từ trong bụng mẹ

0
148

Bé gái vừa chào đời đã mắc bệnh giang mai, lây truyền từ trong bụng mẹ.

Người phụ nữ 25 tuổi chỉ biết mình bị giang mai khi chuẩn bị sinh tại một bệnh viện phụ sản ở Hà Nội. Việc can thiệp điều trị lúc này để phòng lây nhiễm cho con là muộn.

Một tháng sau khi sinh, chị cùng bé đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám, xét nghiệm, định lượng kháng thể giang mai để xem liệu tình trạng ở bé là giang mai do huyết thanh từ mẹ truyền sang hay bị giang mai thực sự.

Kết quả em bé sơ sinh bị giang mai bẩm sinh. Bé và mẹ được điều trị bằng kháng sinh đường tiêm, kết quả tốt. Chồng chị cũng được đưa đến để xét nghiệm, điều trị bởi đây là bệnh chủ yếu lây qua đường tình dục.

 - Ảnh 1.

BS Phạm Thị Thảo khám bệnh lý da liễu cho bệnh nhân, sáng 21/3. Ảnh minh hoạ

Giang mai là bệnh do xoắn khuẩn giang mai (Treponema pallidum) gây ra, dễ lây lan, chủ yếu là qua hoạt động tình dục. Người bệnh thường không biết về căn bệnh này và vô tình lây cho người khác. Ngoài ra, bệnh có thể lây từ mẹ sang con và truyền máu.

Việc lây bệnh qua tiếp xúc da tiếp da có thể có gặp nhưng rất hiếm, do tổn thương của giang mai là ở bộ phận sinh dục.

BS Phạm Thị Thảo – Phó trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu Trung ương) – cho hay khi mang thai, người mẹ mắc bệnh lý này có thể lây truyền sang con do xoắn khuẩn giang mai xâm nhập máu thai nhi qua rau thai.

Em bé sinh ra mắc giang mai bẩm sinh có thể không có triệu chứng gì trong vài tuần đầu sau sinh, nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như: đục thủy tinh thể, điếc, viêm màng não,…

Bệnh nhi bị giang mai bẩm sinh biểu hiện tổn thương trợt lòng bàn tay, chân, tuần hoàn màng hệ biểu hiện bằng những mạch máu loằng ngoằng, dây rốn to, gan to lách to…

Mẹ mắc giang mai thời kì mang thai có thể mắc biến chứng khác như sẩy thai, thai lưu, đẻ non hay sinh con nhẹ cân,.. Trẻ sơ sinh cũng bị nhiễm khuẩn giang mai khi người mẹ sinh thường qua ngả âm đạo.

Giang mai là bệnh điều trị được bằng kháng sinh và có thể phòng ngừa. Các bác sĩ khuyến cáo khi có vết loét ở bộ phận sinh dục hay bất kỳ vị trí nào có tiếp xúc tình dục không an toàn, cần phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đầy đủ. Thai phụ cần khám thai định kỳ trong 18 tuần đầu tiên của thai kỳ, bởi giai đoạn này có thể phát hiện được bệnh. Cùng đó phải thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm phản ứng huyết thanh trong thai kỳ.

Thời gian gần đây, số bệnh nhân tới khám các bệnh lý liên quan đường tình dục (như sùi mào gà, lậu, giang mai, herpes sinh dục…) có tăng tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, khoảng 100 lượt bệnh nhân/ngày. Riêng bệnh giang mai đã có xu hướng quay trở lại, khởi đầu là các loét sinh dục, các ban ở trên da.

Bệnh nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, đúng cách, sẽ khỏi hoàn toàn. Đây là nhóm bệnh nhạy cảm, bệnh nhân thường khó nói, ngại tìm đến bệnh viện công lập.

Bệnh viện Da liễu Trung ương từng tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân (thường là các sinh viên, thanh thiếu niên, người trẻ tuổi) đến khám khi tình trạng bệnh đã nặng, sau một thời gian dài đã tốn kém tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu cho phòng khám tư mà bệnh không đỡ.

Trong tuần này, từ 21-25/3, hưởng ứng ngày Công tác xã hội, Bệnh viện Da liễu Trung ương tổ chức khám, tư vấn miễn phí các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Đây là năm thứ 3 hoạt động này được tổ chức ở bệnh viện này.

Thu Nguyễn