Những việc cần làm trước khi mang thai

0
191

SKĐS – Chuẩn bị kỹ về sức khỏe là yếu tố rất quan trọng để có thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Có kế hoạch mang thai sẽ tránh được tình trạng đẻ quá dày, thời gian sinh quá gần nhau ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mẹ và con.

Độ tuổi kết hôn

Thực trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống là vấn đề tồn tại ở đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi. Tảo hôn và kết hôn cận huyết gây ra vô vàn hệ lụy. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định độ tuổi kết hôn với nam là từ đủ 20 tuổi trở lên và nữ đủ 18 tuổi trở lên. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con, không kết hôn sớm dưới 18 tuổi, không kết hôn cân huyết thống, nên sinh con trong độ tuổi từ 20 đến 35.

Trẻ em được sinh ra từ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống có tỷ lệ mắc các bệnh di truyền, bệnh tật, dị tật bẩm sinh, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, suy giảm sức khỏe, tử vong sơ sinh cao hơn so với những đứa trẻ bình thường khác. Những bệnh mà trẻ em được sinh ra từ hôn nhân cận huyết thống thường mắc phải như: bạch tạng, rối loạn chuyển hóa, thiếu men G6PD, hồng cầu liềm, dị dạng về xương, bụng phình to, thiểu năng trí tuệ, ốm yếu, mù màu…

Đối với tảo hôn, trẻ em gái kết hôn sớm sẽ làm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em gái dưới độ tuổi 15 mang thai sẽ có nguy cơ chết do mang thai và sinh đẻ cao so với phụ nữ trên 20 tuổi. Những biến chứng do mang thai khi cơ thể trẻ em gái chưa hoàn thiện là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu của hàng chục nghìn trường hợp mỗi năm ở người mẹ ở độ tuổi 15-19.

Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và con, không kết hôn sớm dưới 18 tuổi, không kết hôn cân huyết thống.

Các rủi ro bé gái gặp phải khi mang thai đó là sản phụ tử vong, biến chứng khi sinh, khó chuyển dạ, đẻ non. Các bệnh liên quan đến mang thai sớm, tần suất mang thai, khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe và năng suất lao động của các trẻ em gái, phụ nữ tảo hôn.

Kết hôn sớm trẻ em cả nam lẫn nữ sẽ hạn chế cơ hội học tập, vui chơi, giải trí và được tự do tham gia các sinh hoạt văn hóa và nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn khi tuổi đời còn ít, phải nghỉ học, mất cơ hội học tập, thiếu kiến thức xã hội, cản trở họ được tiếp thu những nền giáo dục tiên tiến, hiện đại nhằm phát triển tối đa nhân cách, tài năng, các khả năng về trí tuệ và thể chất của trẻ em. Từ đó, giảm khả năng tìm kiếm việc làm, thu nhập thấp dẫn đến tỷ lệ đói nghèo ngày càng tăng cao, hôn nhân dễ tan vỡ, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân

Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế, trước khi kết hôn, việc đi khám sức khỏe là rất cần thiết để đảm bảo sinh con khỏe mạnh. Khám sức khỏe trước hôn nhân thực sự cần thiết, mang lại nhiều lợi ích đối với cuộc sống và hôn nhân sau này. Khi khám sức khỏe trước hôn nhân, bác sĩ sẽ tư vấn về tình dục lành mạnh, chuẩn bị mang thai, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn, tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục, tránh gặp phải những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản.

Bên cạnh đó, có thể phát hiện và điều trị sớm một số bệnh tật hoặc các vấn đề ảnh hưởng đến tình dục, mang thai, sinh đẻ về sau. Đây cũng là cơ hội để các bạn chuẩn bị cả về tâm lý và sức khoẻ, sẵn sàng làm vợ chồng, làm cha mẹ thật tốt, biết cách chủ động kiểm soát việc mang thai, thời điểm có con và số con mong muốn.

Khám sức khỏe trước hôn nhân bao gồm khám tổng thể và khám sức khỏe sinh sản. Trong đó, khám sức khỏe tổng thể phát hiện ra bệnh tật có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe như viêm gan B, HIV hay các bệnh di truyền, bệnh liên kết giới, bệnh tim,… Khám sức khỏe sinh sản không những giúp bạn phát hiện những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục, mà còn kiểm tra tình trạng viêm nhiễm và các bệnh lây qua đường tình dục.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là điều kiện cần thiết để có thai kỳ khỏe mạnh.

Thông thường, khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khỏe: Kiểm tra sức khỏe chung gồm khám mạch huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng… Khám bệnh lây nhiễm qua đường tình dục như lậu, giang mai, hạ cam mềm, viên gan siêu vi B, sùi mào gà, nấm… Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng, bệnh sử gia đình, bệnh về rối loạn tâm thần, bệnh di truyền như hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu, tan máu bẩm sinh (thalassemia)…; bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, rubella, sốt xuất huyết, bệnh cúm, viêm não, bệnh lao, dịch tả, tiêu chảy…

Lưu ý, trước khi đi khám sức khỏe trước hôn nhân, buổi sáng cần nhịn đói để lấy máu làm xét nghiệm. Người đến khám nên cung cấp đầy đủ các thông tin cá nhân, tình trạng sức khỏe hiện tại, tiền sử hoạt động của cơ quan sinh dục (kinh nguyệt, xuất tinh, …), tiền sử bệnh, tật của bản thân và gia đình; mạnh dạn trao đổi với bác sĩ những vấn đề về sức khỏe; thẳng thắn trao đổi, đặt ra những câu hỏi với bác sĩ về vấn đề sức khỏe mà bạn quan tâm.

Các loại vaccine nên tiêm trước khi mang thai

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần Vacxin Việt Nam, phụ nữ mang thai là đối tượng nguy cơ cao và cần được bảo vệ dự phòng bệnh tật. Trong thời kỳ mang thai, nếu người phụ nữ chưa có miễn dịch/miễn dịch suy giảm có thể mắc một số bệnh truyền nhiễm thì có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của bản thân và sự phát triển của thai nhi, dẫn đến nguy cơ thai chết lưu, sảy thai, hoặc con sinh ra mắc dị tật bẩm sinh. Tốt nhất là phụ nữ tiền mang thai nên được tiêm các loại vaccine để chuẩn bị tốt cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Các loại vaccine mà phụ nữ trước khi có thai cần tiêm đó là: sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, cúm, viêm gan B nhằm tránh những rủi ro cho thai kỳ.

Rubella: Virus rubella lây truyền qua đường hô hấp, thời gian ủ bệnh từ 12 – 23 ngày. Nhiễm rubella trong đầu thai kỳ (3 tháng đầu hoặc 20 tuần đầu) có thể gây thai chết hoặc hội chứng rubella bẩm sinh, hội chứng này đặc trưng bởi nhiều khuyết tật, đặc biệt là với não, tim, tai và mắt.

Sởi: Nếu bà mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai, nguy cơ dị dạng thai nhi rất cao. Ngoài ra, phụ nữ bị sởi khi mang thai có thể gây sảy thai, sinh non hoặc thai chết lưu.

Quai bị: Virus quai bị có thể làm viêm nhiễm buồng trứng, đồng thời phá hủy tế bào trứng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Ngoài ra, quai bị có thể gây dị tật bẩm sinh, sinh non và thai chết lưu. Đặc biệt, nguy cơ càng cao hơn nếu mẹ bị nhiễm quai bị trong 3 tháng đầu hay 3 tháng cuối của thai kỳ.

Hiện nay, phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa sởi, quai bị và rubella chỉ với một mũi vaccine 3 trong 1 (sởi – quai bị – rubella)và tiêm muộn nhất 3 tháng trước khi mang thai.

Thủy đậu: Phụ nữ chuẩn bị có thai được tiêm phòng thủy đậu sẽ tránh được tình trạng mẹ bị thủy đậu trong nửa đầu thai kỳ có thể gây dị tật bẩm sinh do lây nhiễm qua nhau thai. Những dị tật bẩm sinh gồm: viêm võng mạc bồ đào, teo vỏ não, thận ứ nước, những khiếm khuyết của da và xương chân. Nguy cơ cao nhất là 2% ở tuổi thai từ 13-20 tuần. Nếu đã tiêm phòng thủy đậu khi còn nhỏ, bạn nên tiêm thêm một mũi tăng cường. Tiêm trước khi mang thai ít nhất một tháng. Hiện nay, tiêm vaccine ngừa thủy đậu là cách phòng bệnh hiệu quả nhất, với khả năng bảo vệ lên đến 97%. Hiệu quả bảo vệ ít nhất 10 năm ở trẻ em, 6 năm ở người lớn.

Cúm: là bệnh thường gặp nhất, khi mang thai, những cơn cảm cúm kéo dài có thể gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, nhất là khi bà mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu lỡ mang thai mà chưa kịp tiêm phòng cúm, bà mẹ vẫn có thể tiêm ngừa trong thai kỳ của mình. Vaccine phòng ngừa cúm được chế tạo từ những virus đã chết nên rất an toàn với bà mẹ mang thai.

Viêm gan siêu vi B: Viêm gan B là một bệnh gây ra sưng tấy và hoại tử tế bào gan cấp tính hay mạn tính do virus viêm gan B. Viêm gan B ở sơ sinh có đến 90% không có biểu hiện lâm sàng, sau hàng chục năm mới có biểu hiện xơ gan, ung thư gan và tử vong. Virus viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con chủ yếu vào thời gian sinh đẻ. Vắc xin này gồm 3 mũi, tiêm trong vòng 4 tháng. Nếu không hoàn thành 3 mũi viêm gan siêu vi B trước khi mang thai, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục tiêm phòng khi mang thai. Phụ nữ chuẩn bị mang thai muốn tiêm phòng viêm gan siêu vi B nên xét nghiệm huyết thanh học trước khi tiêm. Cũng có thể xét nghiệm huyết thanh học cho cả chồng để có thêm dữ liệu về nguy cơ của người vợ, tình trạng nhiễm viêm gan B của chồng.

Người phụ nữ khi có kế hoạch mang thai cần được ăn uống theo chế độ dinh dưỡng hợp lý đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất), bổ sung sắt- axít folic và vi chất trước khi mang thai. Cần biết cân nặng của mình khi chuẩn bị mang thai và nên đảm bảo cân nặng trước khi mang thai trên 40 kg để không sinh con nhẹ cân dưới 2.500 gam.

Ngoài ra, người phụ nữ bàn bạc với chồng/bạn tình lựa chọn, sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp để chủ động sinh con theo kế hoạch mong muốn. Khoảng cách giữa 2 lần sinh tốt nhất từ 3 đến 5 năm. Không sinh đẻ quá dày để chăm sóc con được tốt hơn và để người phụ nữ phục hồi sức khỏe sau mỗi lần sinh.

Thông tin chi tiết xem tại đây.