UNG THƯ VÚ

0
191

Ở Việt Nam, ung thư vú là bệnh phụ nữ hay gặp nhất trong các loại ung thư và có tới 50% người bệnh được phát hiện ở giai đoạn  muộn.

Phụ nữ phương Tây có nguy cơ ung thư vú rất cao so với phụ nữ châu Á. Hiện nay ung thư vú là loại thường gặp nhất ở phụ nữ nước ta. Theo số liệu công bố mới đây, ở Hà Nội hàng năm cứ 100.000 phụ nữ thì có 30 người phát hiện bị ung thư vú, còn tại TP. Hồ Chí Minh con số này là 20 người.

Bệnh thường bắt đầu không đau nên dễ bị bỏ qua.

AI LÀ NGƯỜI DỄ BỊ UNG THƯ VÚ?
Từ tuổi 30, phụ nữ có thể bị ung thư vú, tuổi trẻ hơn hiếm gặp, dưới 25 tuổi thường là các bệnh lành tính.
Phần lớn ung thư vú xảy đến cho phụ nữ trong độ tuổi từ 35 – 45, nguy cơ càng tăng lên khi người phụ nữ lớn tuổi hơn.

Các yếu tố càng làm tăng nguy cơ ung thư vú: trong gia đình đã có người bị ung thư vú (mẹ, chị, em ruột).
Ngoài ra, càng chịu tác động lâu dài của estrogen thì nguy cơ càng gia tăng, cụ thể như phụ nữ bắt đầu có kinh nguyệt sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh trễ (sau 55 tuổi), hoặc dùng nhiều liệu pháp nội tiết thay thế sau mãn kinh trong thời gian dài; chưa bao giờ sinh con hay có con đầu lòng trễ (sau 30 tuổi). Phụ nữ hút thuốc và uống rượu cũng tăng nguy cơ ung thư vú; chế độ dinh dưỡng nhiều thịt và chất béo, cơ địa béo phì cũng dễ bị ung thư hơn…

DẤU HIỆU CỦA BỆNH
Ở giai đoạn đầu, ung thư vú hầu như không có triệu chứng rõ rệt. Tuy nhiên, khi thấy một trong những dấu hiệu sau nên đến bệnh viện khám càng sớm càng tốt:
  – Núm vú bị đau, loét hoặc có nước, dịch chảy ra.
  – Xuất hiện bướu, khối u ở vú, ở vùng nách và khối u này thường không đau.
  – Hình dạng vú thay đổi, núm vú lõm vào bên trong, da nhăn và sần.

Ở giai đoạn ung thư muộn, vú bị teo cứng lại hoặc phình ra biến dạng, lở loét. Tuy nhiên, một số bệnh khác ở vú cũng có thể gây ra các triệu chứng kể trên, như nang vú, tiết dịch, bọc sữa… Do đó khi có những dấu hiệu này, không nên khủng hoảng nhưng vẫn cần đi khám ngay để xác định có phải ung thư không để được điều trị sớm nhất. Vì nếu ở giai đoạn muộn, việc điều trị rất khó khăn và kém hiệu quả.

PHÒNG BỆNH NHƯ THẾ NÀO?
Tự theo dõi và khám sức khỏe định kỳ là cách phòng ngừa bệnh hữu hiệu nhất. Khi thấy khối u hay bất cứ sự thay đổi nào của vú, bạn nên đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết.
Đây có thể được coi là một việc làm quan trọng nhất cho tất cả phụ nữ đã bước vào tuổi trưởng thành.

BA VIỆC LÀM ĐỂ SỚM PHÁT HIỆN UNG THƯ VÚ
  1. Thứ nhất: Tự khám vú bắt đầu ở tuổi 20. Mỗi tháng, ngay sau khi hết chu kỳ kinh nguyệt, tất cả phụ nữ nên tự khám vú của mình.
  2. Thứ nhì: Nếu tự khám vú thấy có gì lạ, các chị em nên yêu cầu bác sĩ khám lại. Mỗi tháng một lần.
  – Dùng chỗ mềm của đầu các ngón tay trỏ, giữa và áp út để xoa nắn vú.
  – Nên cho ba ngón tay này “bước theo nhau” trên mô vú theo từng hàng thẳng từ trên xuống dưới, đừng sót phần nào.
  – Nhớ khám dưới nách.
 

  3. Thứ ba: Chụp X quang tuyến vú.
  4. Thứ tư: Nếu trên 40 tuổi, nên chụp X quang mỗi năm một lần, dù không có sự bất bình thường gì khi khám vú.

LÀM SAO CÓ THỂ PHÁT HIỆN BỆNH SỚM?
  – Việc tầm soát để phát hiện sớm ung thư vú mang đến hiệu quả rõ rệt vì vậy các chị em phụ nữ cần đi khám sức khỏe toàn diện định kỳ mỗi năm một lần. Đặt biệt là khám ngực, khám lâm sàng tuyến vú (do bác sĩ hoặc chuyên viên khám), hay siêu âm vú.
  – Chụp nhũ ảnh là phương pháp tốt để phát hiện sớm ung thư vú hiệu quả. Nên thực hiện từ tuổi 40.
  – Siêu âm là xét nghiệm không độc hại và góp phần đáng kể trong việc giúp tìm ra các bất thường của vú trong đó có ung thư vú.
  – Phụ nữ có mẹ hay chị em ruột mắc bệnh ung thư vú, hay có yếu tố di truyền cần tầm soát ung thư vú trước tuổi 40.