Bi hài chuyện “mắng người trong gương”, quên mặt con cháu

0
410

GiadinhNet – Quên những điều mới nhất rồi đến chuyện trong quá khứ; quên tên người thân, tên đường phố; mất khả năng định hướng không gian, thời gian… là nỗi khổ của người già bị chứng lú lẫn và cả người thân của họ. Mắc căn bệnh này, họ như đang sống trong một thế giới khác, đòi hỏi người thân phải rất kiên nhẫn, bao dung và trách nhiệm rất lớn.

Giúp người già tăng cường luyện tập thể thao, khuyến khích các cụ tham gia hoạt động xã hội là một cách tăng cường trí nhớ. Ảnh: chí Cường
Giúp người già tăng cường luyện tập thể thao, khuyến khích các cụ tham gia hoạt động xã hội là một cách tăng cường trí nhớ. Ảnh: chí Cường

“Mắng” người trong gương cả tiếng đồng hồ

Đoạn clip trên mạng Internet đưa hình ảnh một cụ già nói chuyện và bắt người trong gương phải cầm múi bưởi mình đưa cho sao cho đúng, khiến người xem bật khóc. Cách cụ bà tự mắng cái bóng trong gương có thể hài hước nhưng dường như không ai có thể cười nổi. Những người có người thân bị mất trí nhớ, lú lẫn nay đã mất khi xem clip đều khóc vì thương nhớ. Còn nhiều người khác lại lo lắng liên tưởng tới tương lai ông bà, bố mẹ hoặc bản thân mình lâm vào tình cảnh này.

Đưa người yêu đến thăm bà ngoại ở quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị Phương hốt hoảng khi nghe bà hỏi: “Chị đến hỏi ai? Cha tôi đi dạy học, mẹ tôi đi chợ, nếu cần gặp thì chị ngồi chờ”. Bà ngoại chị năm nay 84 tuổi có triệu chứng nhớ nhớ quên quên được 2 năm nên cả nhà luôn phải nói chuyện, nhắc bà nhớ nhiều việc. Nhưng lần này, bà đã không còn nhận ra cháu gái, ngồi nói chuyện một lúc bà còn khoe: “Tôi giờ vẫn chưa có người yêu đâu, chị với anh kia sắp lấy nhau rồi nhỉ”. Nhìn người bà gắn bó, yêu thương mình giờ không còn nhận ra cháu, chị Phương khóc nức nở.

“Ai có người thân bị mất trí nhớ mới có thể cảm thông cho chúng tôi. Không ai muốn bố mẹ mình lú lẫn, nhiều người không hiểu rất giận các cụ nhưng biết rồi lại thương vô cùng” – chị Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự. Bố chị năm nay 87 tuổi thường xuyên sang nhà hàng xóm rồi ở luôn đấy, khăng khăng đây là nhà của cụ. Con cháu suốt ngày phải sang nói khó với láng giềng để mọi người thông cảm. Khổ nhất là lúc đưa cụ về, nói ngọt thì cụ bảo “mẹ mìn đang lừa đấy”, bực quá gắt lên thì cụ cầm gậy chỉ mặt “bắt nạt trẻ con, tí về mách bố”.

Có một nghìn lẻ một chuyện cười ra nước mắt về người già bị mất trí nhớ. Những chuyện như “ăn rồi bảo chưa ăn”, “nó có cho tao ăn đâu” là chuyện rất bình thường. Có cụ cứ ai cho gì đều nhét ở đầu giường cất, nhiều khi đồ ăn thiu mốc mới phát hiện ra. Có cụ thì đòi mặc quần áo, đội mũ, mang cặp sách đi học; có cụ tối đến kiểm tra cửa xem đã khóa chưa cả chục lần. Nhiều người đi ra khỏi nhà không nhớ mình là ai, nhà ở đâu khiến con cháu tá hỏa tìm kiếm. Anh Quang (Thanh Trì, Hà Nội) nhớ mãi chuyện mẹ mất tích đúng trước ngày giỗ cha. Cả nhà tìm kiếm suốt buổi chiều và đêm. Sáng hôm sau có người quen thấy bà ở chợ dẫn về. Nhìn mẹ bơ phờ nói: “Tao đi chấm thi với ông, vui lắm”, anh Quang khóc tu tu. Sau lần đấy, anh thuê người giúp việc ở bên chăm sóc bà 24/24 và quán triệt cả nhà phải luôn để mắt đến bà.

Khắc phục chứng nhớ nhớ, quên quên

Bệnh lú lẫn (hay mất trí, sa sút trí tuệ) là một căn bệnh phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là trên tuổi 65. Lú lẫn là sự suy kém về trí tuệ khiến người mắc phải hay bị lẫn, lãng quên và không còn khả năng suy nghĩ một cách sáng suốt như thường lệ.

Có tới 75% trường hợp lú lẫn diễn tiến âm thầm một thời gian khá lâu trước khi được người thân nhận ra. Đa phần người bị lú lẫn thường ngơ ngác, mất phương hướng, không biết mình ở đâu, trong thời gian nào. Họ quên cách gọi thông thường về người và sự vật; quên luôn cả cách tự chăm sóc hàng ngày như tắm rửa, đánh răng, ăn cơm, mặc quần áo. Họ hành động giống như một em bé mới lớn, bỗng chốc vui, bỗng chốc buồn, rồi cũng vô cớ giận hờn, bướng bỉnh, gắt gỏng với người thân, người chăm sóc. Không ai đoán được họ muốn gì.

Theo BS Lê Đào Nghĩa, BV Tâm thần Hà Nội thì lú lẫn là hội chứng thường gặp trong chuyên khoa tâm thần cũng như các chuyên khoa khác. Theo tài liệu thống kê của nước ngoài, tỷ lệ nhập viện do HCLL từ 10 -15%. Nguyên nhân chính của lú lẫn là do bệnh Alzheimer (chiếm tới 68%) rồi đến bệnh trầm cảm, hủy hoại não do nhiều tai biến não nhỏ, thiếu sinh tố B12 hoặc do di truyền, virus. Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng và bệnh lẫn. Những người hấp thụ quá nhiều chất đạm beta có tỷ lệ mắc bệnh lẫn khi về già cao hơn những người hấp thụ ít chất này. Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ di truyền bệnh lẫn tuổi già này còn có thể do di truyền hoặc bệnh nhân có tiền sử chấn thương não. Ngoài ra, việc sử dụng các loại thuốc trong thời gian dài, đặc biệt là nhóm thuốc trợ tim, thuốc điều trị cao huyết áp cũng là một trong những tác nhân gây ra bệnh.

Chăm sóc người lú lẫn, rối loạn trí tuệ là cả một công việc khó khăn, nặng nhọc, đòi hỏi người chăm sóc phải rất kiên nhẫn, khoan dung. Người chăm sóc, người thân của người bệnh sa sút trí tuệ cần lắng nghe và theo dõi những hành động để hiểu họ đang muốn gì; luôn lắng nghe ngay cả khi họ mất thời gian rất lâu để nói một câu. Thường xuyên giới thiệu bản thân và mối quan hệ của bạn với người bệnh, tạo cho họ cảm giác được yêu thương, chăm sóc. Trưng bày những hình ảnh kỷ niệm xưa ở chỗ dễ thấy để kích thích trí nhớ, nhất là những hình ảnh gợi lại sự thành công của người thân. Treo đồng hồ, lịch chữ to để nhắc nhở ngày tháng, thời gian. Phòng ở đầy đủ ánh sáng, ít đồ đạc để dễ đi lại, tránh va chạm. Con cháu nên tới hỏi thăm thường xuyên.

Để phòng tránh bệnh này, các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo cần cho người già ăn uống cân bằng, đủ chất, nên tránh những thực phẩm chứa nhiều mỡ, đường và muối, các đồ gây nghiện như rượu, bia, thuốc lá. Giúp người già tăng cường luyện tập thể thao, khuyến khích các cụ tham gia các hoạt động xã hội tại phường, các câu lạc bộ… Khi các cụ có dấu hiệu đãng trí, cần có vòng tay hoặc thông tin đeo trên người có ghi tên họ, địa chỉ để mọi người có thể giúp đỡ khi các cụ bị lạc. Khi nhận biết được những biểu hiện của bệnh lẫn ở người già thì bạn nên cho người bệnh đi khám. Cùng với việc áp dụng thêm một số cách chăm sóc người bệnh tại nhà như trên sẽ giúp các cụ giảm được tối đa tình trạng xấu của bệnh lú lẫn, sống vui vẻ, lạc quan bên người thân.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lẫn ở tuổi già

Các dấu hiệu từ sớm của bệnh lú lẫn có thể rất khó thấy, mơ hồ và có thể không xuất hiện một cách rõ ràng ngay. Một số triệu chứng thông thường có thể bao gồm:

– Mất trí nhớ thường xuyên và ngày càng tăng

– Thường đi lang thang một mình, dễ bị lạc đường, hay lục tìm đồ đạc của người khác.

– Thay đổi tính cách: Bệnh nhân dễ bị kích động, hay tìm chuyện gây gổ, la hét khi không được đáp ứng yêu cầu.

– Hờ hững và thu mình: Thường ngồi một mình, ít nói hoặc liên tục làm việc nhưng không có mục đích và cứ lặp lại nhiều lần.

– Thường hay bị ảo giác, nhìn nhầm người nhà, bạn bè hay người thân; mất ngủ về ban đêm hay cảm thấy đói bụng và thường nghi ngờ người khác.

– Mất khả năng thực hiện những công việc hàng ngày.

Mai Anh