Một số lưu ý khi con ở tuổi dậy thì

0
597

Tuổi dậy thì là thời kỳ phát triển trí lực mạnh mẽ. Trí nhớ phát triển tốt, từ tư duy cụ thể, tư duy lấy tôi làm trung tâm đã phát triển tới tư duy logic, trừu tượng phát triển mạnh.

Khả năng phân tích, tổng hợp, suy luận và phán đoán cũng được nâng cao. Cùng với sự tự tin hơi quá và lòng tự tôn hừng hực, tạo nên sự bất kham, mọi trường hợp đều muốn bộc lộ bản thân. Tuy nhiên, do suy nghĩ còn non nớt nên trẻ không ý thức được những hậu quả từ hành vi của mình ảnh hưởng đến sức khoẻ và tinh thần.

Những thay đổi và khả năng bất thường của lứa tuổi

Tuổi dậy thì là thời kỳ mà bất cứ trẻ nào cũng phải trải qua những biến đổi quan trọng về cơ thể cũng như về tâm lý. Có trẻ dậy thì sớm và cũng có trẻ dậy thì muộn. Từ 6-10 tuổi, trẻ đã có sự phân biệt rõ hơn về giới. Bé gái khi chơi cùng bạn trai sẽ nảy sinh cảm giác xấu hổ, bất an. Tuy nhiên, những cảm xúc bị thu hút hay hấp dẫn của hai phái vẫn chưa hình thành.

Sau 10 tuổi trẻ đã có nhận thức ban đầu về giới tính cũng như sự hấp dẫn giới tính, thấy tò mò và thích thú đối với sự khác biệt và mối quan hệ giữa hai giới.

Cần đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện tâm lý nặng.
Cần đưa trẻ đi khám nếu có các biểu hiện tâm lý nặng.

Từ 14 – 15 tuổi, sự tăng tiết các hormon sinh dục cùng với nhận thức rõ hơn về giới tính đã thôi thúc trẻ nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Ở lứa tuổi này, đặc điểm sinh học của hai giới đã có sự khác biệt rõ nét. Trẻ trai đã có đủ đường nét của người đàn ông trưởng thành, có râu, lông chân, lông nách, thân hình cao lớn, vai rộng và cơ bắp. Trẻ gái đã mềm mại hơn, ngực và mông to lên tạo thành những đường cong quyến rũ.

Trẻ đã bắt đầu hình thành khái niệm “thích”, “yêu”… Đặc biệt, trẻ rất nhạy cảm. Bạn trai học giỏi, bạn gái có mái tóc dài… là trẻ đã có thể rung động, dễ nhầm lẫn rung động này với tình yêu. Tuy nhiên, vì cảm xúc và nhận thức chưa chín chắn, chưa ổn định nên tình cảm rất dễ thay đổi.

Ở độ tuổi này, trẻ đã có nhu cầu tình dục. Đặc biệt, trẻ luôn thích khám phá tò mò về cơ quan sinh dục và các hành vi liên quan đến tính dục. Với bản tính tò mò, ham khám phá cùng với sự nhầm tưởng tình yêu và chưa ý thức được hậu quả, dễ khiến các em hành động theo bản năng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Đối với trẻ trai, tác động của hormon tới các bộ phận sinh dục và tâm lý rất mạnh. Khi ấy, các em cảm thấy trong người bí bách, thiếu bình tĩnh, bối rối và hay thẹn thùng. Khoảng 13-14 tuổi, cơ thể các em nam đã sản xuất tinh trùng. Trẻ có thể bị xuất tinh do thủ dâm hoặc do giấc mơ ướt.

Sự thay đổi về hormon và các đặc điểm sinh học của cơ thể đã thôi thúc trẻ quan tâm nhiều hơn đến bạn bè và nảy sinh tình cảm với bạn khác giới. Nhu cầu mở rộng “quan hệ xã hội” này cho thấy mong muốn tách khỏi sự bao bọc của bố mẹ, gia đình để dần khẳng định bản thân.

Ở tuổi 14-16, trẻ dành sự quan tâm hơn đến diện mạo, vóc dáng, ưu nhược điểm trên cơ thể. Lúc này tính cách trẻ phát triển theo xu hướng độc lập, tự khẳng định bản thân, muốn thoát khỏi kiểm soát của gia đình, mở rộng hơn nữa các mối quan hệ xã hội, đồng thời muốn tự quyết định các vấn đề liên quan đến bản thân mình. Khi đó, trẻ rất xem trọng tình bạn và thường chịu ảnh hưởng của bạn bè, dù bạn tốt hay xấu.

Trẻ thường có những hành động để chứng tỏ mình là một người lớn thực thụ như: chỉ làm những việc mình thích, lười học, thích đi chơi, hút thuốc lá, uống rượu bia, chơi cờ bạc, đua xe máy, sử dụng ma túy, tụ tập, đàn đúm, đua đòi, ăn diện, yêu đương và có quan hệ tình dục trước hôn nhân… Với những việc như vậy, trẻ thường gặp phải sự ngăn cấm của cha mẹ và lúc này có thể xảy ra những xung đột giữa trẻ và phụ huynh. Trẻ cảm thấy rất ấm ức, thất vọng vì không được công nhận, thay vì phản đối, bất bình, cãi bướng, trẻ trở nên “gọi dạ, bảo vâng” nhưng vẫn làm theo ý mình, nói dối…

Trẻ phát triển mạnh về tư duy trừu tượng, kỹ năng phân tích và nhận thức cao hơn về hành vi của mình. Do suy nghĩ còn non nớt nên trẻ không ý thức được những hậu quả từ hành vi của mình. Một vấn đề khác là khi trẻ bắt đầu chú ý đến bạn khác giới. Những rung động dễ khiến trẻ nhầm lẫn giữa tình bạn và tình yêu. Tuy nhiên, trẻ còn dễ thay đổi tình cảm, khi mong muốn điều gì các em thường muốn thỏa mãn ngay nhưng cũng rất mau chán. Nề nếp sinh hoạt của trẻ cũng thay đổi: thức khuya hơn, ăn ngủ thất thường hơn. Do tò mò cùng với muốn khám phá khả năng tình dục của mình nên trẻ dễ bốc đồng, hành động theo bản năng, mà không ý thức được nguy cơ nên dễ gây hậu quả đáng tiếc.

Điều cần lưu ý khi các em bước vào tuổi dậy thì

Bố mẹ cần dành nhiều thì giờ để quan sát, tìm hiểu, làm bạn cùng con, tạo điều kiện dễ dàng và thuận tiện để các con tâm sự, chia sẻ. Tránh các kế hoạch hoặc việc làm tạo ra những phản ứng chống đối của đứa trẻ vị thành niên với bố mẹ. Các em cần được quyền quyết định và rút ra bài học từ những lỗi lầm của chính mình. Bố mẹ cần có những kiến thức và kỹ năng nhất định. Hành trình dạy con tuổi dậy thì là chặng đường gian khó và phức tạp vì những biến đổi quá sớm và khả năng bất thường của lứa tuổi. Kế hoạch dạy con cái cần được thực hiện bằng những phương pháp cụ thể và hợp lý.

Việc tìm hiểu nhu cầu của con hay thấu hiểu tâm lý của con cũng đòi hỏi bố mẹ phải có kỹ năng đích thực. Làm thế nào để hiểu con mà không làm con có cảm giác đang bị dò xét hay kiểm tra quá gắt gao (không xem nhật ký, đọc lén tin nhắn trên điện thoại… mà vẫn có thể hiểu con).

Đó còn chưa kể đến việc phải theo dõi từng bước đi hay từng sự thay đổi của con mình trong đời sống giới tính để rồi đủ can đảm và đủ “chuyên môn” để nói với con về sự thay đổi của cơ thể, về sự dậy thì… Tiếp theo là vấn đề trò chuyện với con về ước mơ, học tập, định hướng nghề nghiệp và cả tình yêu đôi lứa. Cần tôn trọng, lắng nghe con cái, chấp nhận và chia sẻ chân thành…

Khi trẻ có biểu hiện của các bệnh tâm lý ở lứa tuổi này cha mẹ nên gần gũi, tâm sự tìm cách giúp đỡ con. Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động tập thể, hoạt động xã hội, tránh tiếp xúc với các loại phim ảnh, các trò chơi bạo lực hay văn hóa phẩm đồi trụy. Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể trẻ bằng các thực phẩm bổ dưỡng, chăm chỉ tập thể dục để tăng cường sức khỏe… Nếu bệnh không giảm hoặc có các dấu hiệu nặng hơn, cha mẹ hãy đưa trẻ tới gặp bác sĩ tâm lý để có hướng điều trị kịp thời và sử dụng thuốc khi cần thiết.

Theo PGS.TS. Cao Tiến Đức/SK&ĐS