GiadinhNet – Suy giảm trí nhớ là căn bệnh người già khá phổ biến và nguy hiểm người cao tuổi, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Hiện nay trên thế giới có hơn 8 triệu người mắc phải căn bệnh này.
Bệnh suy giảm trí nhớ ở người già là bệnh gì?
Suy giảm trí nhớ hay mất trí nhớ là thuật ngữ chỉ tình trạng não bộ hoạt động không bình thường, phổ biến ở những người cao tuổi khi não bộ đã bước vào giai đoạn suy giảm. Căn bệnh này khiến người bệnh nhầm lẫn, trí nhớ giảm sút, thậm chí không còn khả năng chăm sóc bản thân hay kiểm soát cảm xúc chính mình.
Ngày nay bệnh mất trí nhớ không chỉ xuất hiện ở người già do tuổi già mà do suy giảm chức năng não bộ, ngay cả những người trẻ tuổi cũng có thể bị căn bệnh này.
Nguyên nhân gây ra bệnh suy giảm trí nhớ
Mặc dù có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh mất trí nhớ ở người già, nhưng có thể kể đến 2 nguyên nhân chủ yếu:
Do tuổi tác: Cùng với sự lão hóa và suy giảm chức năng của các cơ quan trong cơ thể, não bộ cũng dần bị lão hóa khiến tình trạng rối loạn phản xạ xảy ra ngày càng thường xuyên, nhất là những phản xạ có điều kiện như ghi nhớ, tập trung, tư duy… Vì vậy, nguyên nhân đầu tiên gây bệnh mất trí nhớ ở người già là do neuron thần kinh bị lão hóa. Nếu người bệnh không được giám sát, khơi gợi thường xuyên sẽ dễ rơi vào trạng thái lãng quên hoàn toàn.
Do bệnh tật: Suy giảm trí nhớ cũng có thể là hệ lụy khi người bệnh chấn thương sọ não, viêm não, bệnh Alzheimer, tai biến mạch máu não, rối loạn tuần hoàn não, stress, lạm dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc ngủ hay nghiện rượu… Triệu chứng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn khi người bệnh đã cao tuổi. Khi đó, bệnh nhân có thể mất trí nhớ tạm thời, quên nhanh và không thể nhớ lại những sự việc chỉ vừa diễn ra ngay trước đó, tuy nhiên vẫn có thể nhớ được những ký ức xưa cũ chứ không quên hẳn.
Nguyên nhân đầu tiên gây bệnh mất trí nhớ ở người già là do neuron thần kinh bị lão hóa. Nếu người bệnh không được giám sát, khơi gọi thường xuyên sẽ dễ rơi vào trạng thái lãng quên hoàn toàn.
Những triệu chứng của bệnh suy giảm trí nhớ
– Làm những việc quen thuộc một cách khó khăn: Những người bị suy giảm trí nhớ thường rất khó làm các công việc hàng ngày một cách nhanh chóng hoàn thiện, chẳng hạn họ có thể rất bối rối trong khi nấu ăn hay mặc đồ.
– Người có trí nhớ bị suy giảm có thể quên tên những người hàng xóm xung quanh, quên tên bạn, hay thậm chí quên cả tên những người thân thiết mà mình gặp hàng ngày.
– Thay đổi tính cách: Trở nên khó tính và thờ ơ, hay lo lắng, có những cách ứng xử khác thường, đặc biệt là dễ bị kích động.
– Luôn ở trạng thái thụ động: Xem ti-vi hàng tiếng mà không chán, ngủ nhiều hơn so với người bình thường.
– Không nhớ đường đi và phương hướng: Ngay cả những địa điểm, con đường quen thuộc cũng không thể nhớ để đi.
– Khả năng đánh giá, nhận diện sự vật, sự việc kém.
Người thân trong gia đình nên khuyến khích người cao tuổi thường xuyên thực hiện các bài tập luyện trí nhớ như tập tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia, chơi đố chữ…
Cách phòng tránh bệnh suy giảm trí nhớ cho người cao tuổi
– Kích thích trí não: Những người luôn cố gắng ghi nhớ và hoạt động não bộ sẽ ít có nguy cơ mất trí hơn, bạn có thể thực hiện như sau: Đọc sách báo thường xuyên; chơi đố chữ hay những trò chơi trí tuệ; ghi chép lại các hoạt động trong ngày; hãy thử học 1 môn ngoại ngữ mới.
– Cần tăng cường rèn luyện thể dục thể thao bằng cách tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ 30-60 phút mỗi ngày, đi bơi, nâng tạ, các bài tập phối hợp cân bằng giúp tăng khả năng kết nối các mạch máu trong não và kích thích phát triển khả năng nhận thức.
Ngoài ra, bệnh mất trí nhớ ở người già có thể được cải thiện bằng chế độ ăn đầy đủ dưỡng chất bà bổ sung những thực phẩm hỗ trợ não bộ. Cụ thể hơn, chế độ ăn uống của bệnh nhân suy giảm trí nhớ cần ăn uống khoa học, hợp lí và tăng cường bổ sung những chất giàu omge-3, omega-6, DHA, sắt nhằm cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể và não phát triển.
Hạn chế ăn nhiều mỡ động vật bão hòa nhiều cholesterol như nội tạng, thịt mỡ. Thay vào đó nênbổ sung chất béo với lượng dưới 25% tổng như cầu năng lượng hằng ngày dưới dạng omega-3 có nhiều trong các loại cá nhằm giúp tế bào não chống lão hóa. Năng lượng từ chất béo chỉ nên ở mức dưới 25% tổng nhu cầu năng lượng hàng ngày.
Cùng đó, người già nên tăng cường các loại rau và hoa quả sẫm màu để chống lại sự lão hóa não.
Bên cạnh đó, người thân trong gia đình nên khuyến khích người cao tuổi thường xuyên thực hiện các bài tập luyện trí nhớ như tập tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia; tập nhớ tên người mới quen; chơi cờ; ôn lại những việc xảy ra trong ngày trước khi ngủ; tham gia 1 nhóm xã hội hoặc 1 lớp học về chủ đề mà bạn quan tâm; tham gia các hoạt động tình nguyện, gặp gỡ bạn bè, hàng xóm của bạn; đi ra ngoài thường xuyên hơn (xem phim, công viên, cà phê,…) để cải thiện tính năng ghi nhớ của não bộ.
Châu Anh (th)