Không phải ai cũng biết khi tiêm vắc xin cổ tử cung phải chú ý điều này?

0
181

GiadinhNet – Tiêm vắc xin cổ tử cung là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hữu hiệu. Tuy nhiên, nhiều người không nắm được thời điểm nào tiêm để phát huy hiệu quả tốt nhất.

Ai cần tiêm vắc xin cổ tử cung HPV?

HPV là sinh u nhú ở người, lây truyền qua đường quan hệ tình dục (quan hệ bằng miệng, âm đạo, hậu môn). Ngoài ra, HPV còn có thể lây truyền qua đường từ mẹ sang con, tiếp xúc da, thông qua các dụng cụ cắt móng tay, đồ lót,…

Không phải ai cũng biết khi tiêm vắc xin cổ tử cung phải chú ý điều này? - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cổ tử cung là cách phòng ngừa ung thư cổ tử cung hữu hiệu. Ảnh TL

Theo nghiên cứu, virus HPV có hơn 100 chủng, trong đó khoảng 40 chủng có thể gây ra viêm nhiễm cơ quan sinh dục, gây mụn cóc ở cơ quan sinh dục nam và nữ giới. HPV cũng là vi rút chính chiếm tỷ lệ cao nhất gây tình trạng ung thư cổ tử cung ở nữ giới. Giới chuyên môn cho biết, loại virus này hiện vẫn chưa có thuốc đặc hiệu nên tiêm vắc xin cổ tử cung HPV được đánh giá là phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất mà phụ nữ nên dùng.

Theo kết quả thống kê và nghiên cứu của giới chuyên gia, ung thư cổ tử cung là căn bệnh có thể gây tử vong và hiện đang là căn bệnh ung thư phổ biến thứ 2 ở phụ nữ trên toàn thế giới. Ở nước ta, mỗi ngày lại có thêm 14 ca mắc bệnh và 7 phụ nữ tử vong bởi căn bệnh này. Nếu không tiêm vắc xin phòng ngừa, con số này chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo.

Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, vắc xin HPV tại Việt Nam hiện nay được chỉ định tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi dù đã hoặc chưa quan hệ tình dục. Các chuyên gia y tế khuyên các chị em nên tiêm phòng vắc xin ung thư cổ tử cung càng sớm càng tốt.

Mặc dù tiêm vắc xin cổ tử cung hiện nay chỉ được chỉ định tiêm cho nữ giới nhưng các nhà khoa học cho rằng nam giới trong độ tuổi dậy thì vẫn nên tiêm phòng vì việc tiêm phòng này vẫn mang đến những lợi ích nhất định. Trung tâm phòng chống và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) cho rằng cần phải xem xét chương trình tiêm chủng mở rộng vắc xin HPV cho nam giới.

Cũng theo một nghiên cứu của trung tâm này số nam giới mắc bệnh ung thư do nhiễm virus HPV cao hơn nhiều so với nữ giới. Nam giới nhiễm virus HPV có thể mắc ung thư miệng, ung thư vòm họng, ung thư dương vật, ung thư hậu môn,…

Lưu ý khi tiêm vắc xin cổ tử cung

+ Không cần xét nghiệm trước khi tiêm. Những trường hợp nữ giới trong độ tuổi từ 9 – 26 tuổi, không mang thai, không mắc các bệnh cấp tính, không dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin HPV đều đủ điều kiện tiêm vắc xin HPV. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tiêm chủng, các chị em nên khám sàng lọc sức khỏe trước tiêm.

+ Nữ giới dưới 25 tuổi đã quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc xin HPV nhưng sẽ không mang lại hiệu quả phòng bệnh tốt nhất.

+ Phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai không nên tiêm vắc xin này. Nếu đã tiêm 1 hoặc 2 liều mà phát hiện có thai thì cần phải tạm dừng các liều tiếp theo cho đến khi kết thúc thai kỳ. Thời gian hoàn tất 3 mũi tiêm trong vòng 2 năm.

+ Những người đã từng bị nhiễm virus HPV vẫn có thể tiêm vắc xin cổ tử cung.

Sau khi cơ thể đã đào thải virus mà hệ miễn dịch của cơ thể không đủ để phòng bệnh khiến bệnh tái nhiễm thì có thể tiêm vắc xin ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, HPV có nhiều chủng khác nhau, có thể bạn đã từng bị nhiễm một chủng HPV nào đó trước đây nhưng để phòng tránh lây nhiễm những chủng HPV khác thì nên tiêm phòng vắc xin HPV.

BS Trần Thị Kim Ngọc, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC