GiadinhNet – Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm mang lại lợi ích lớn không chỉ về sức khỏe sinh sản (SKSS) nói riêng mà còn cả thể chất lẫn tinh thần cho cuộc sống hôn nhân của các cặp vợ chồng tương lai. Qua đó, giúp phòng ngừa, phát hiện và điều trị sớm nhiều căn bệnh nguy hiểm, tránh được các hệ lụy không đáng có trong cuộc sống vợ chồng và tương lai của con cái sau này.
Tư vấn sức khoẻ sinh sản cho người dân ở Quảng Trị. Ảnh: N.Trang
Tư vấn lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Quảng Trị Nguyễn Hương Chương cho biết: “Khi khám sức khỏe tiền hôn nhân, các bạn trẻ sẽ được tư vấn để bắt đầu một cuộc sống tình dục lành mạnh, an toàn mà vốn trước đó họ chưa có kinh nghiệm, cũng như được tư vấn để chuẩn bị mang thai, sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Đồng thời, dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có điều kiện sức khỏe để mang thai và sinh đẻ an toàn; tránh gặp phải những rắc rối trong đời sống tình dục và những bệnh tật liên quan đến cơ quan sinh sản.
Chính vì những lợi ích nói trên, thời gian qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Trị đã đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân, gia đình, cộng đồng về tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh; cung cấp thông tin về tình hình bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh do rối loạn di truyền nhiễm sắc thể, bệnh bẩm sinh, nguyên nhân gây bệnh và các giải pháp chủ yếu trong điều trị và phòng, chống bệnh”.
Nhằm góp phần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân về nguy cơ của việc kết hôn cận huyết thống với bệnh Thalassemia cũng như về tầm quan trọng của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh, ngành Y tế – Dân số tỉnh còn phối hợp với các trường THCS, THPT trên địa bàn xây dựng kế hoạch tổ chức chương trình ngoại khóa về chăm sóc SKSS cho học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau như tổ chức cuộc thi “Rung chuông vàng”, thi tìm hiểu, nói chuyện chuyên đề về giáo dục SKSS vị thành niên. Tại đây, các em được nghe các bác sĩ chuyên khoa trực tiếp nói chuyện, giải đáp các thắc mắc liên quan đến vấn đề SKSS. Các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số cũng đã phát huy được hiệu quả, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hành vi của người dân về nâng cao chất lượng dân số. Điển hình như Đề án “Nâng cao chất lượng dân số thông qua tuyên truyền, vận động phát hiện, can thiệp sớm tật, bệnh ở thai nhi và sơ sinh”.
Giảm thiểu trẻ dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số
Việc thực hiện đề án giúp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi và sơ sinh như hội chứng down, thiếu men G6PD, suy tuyến giáp bẩm sinh… góp phần giảm thiểu trẻ em bị dị tật bẩm sinh, nâng cao chất lượng dân số. Tỉ lệ thai phụ được sàng lọc trước sinh đạt bình quân 24%/năm và tỉ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt bình quân 20%/năm.
Đặc biệt, Đề án “Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân” của tỉnh Quảng Trị đến nay đã triển khai tại 34 xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn 9 huyện, thị xã, thành phố và thành lập được 170 câu lạc bộ “Tiền hôn nhân”, thu hút khoảng 9.000 nam, nữ thanh niên tham gia sinh hoạt.
Chị Nguyễn Thị Thu Liên (26 tuổi, ở khu phố 1, phường 3, TP Đông Hà) cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và sự tư vấn của cán bộ y tế, dân số, tôi đã biết được những việc cần làm trước khi kết hôn và mang thai. Ngoài tiêm vaccine, tôi dự định sẽ kiểm tra tình trạng sức khỏe để biết được có bệnh trong người hay không nhằm tránh các dị tật bẩm sinh cho con sau này. Nếu có bệnh, các bác sĩ sẽ tư vấn cho vợ chồng tôi và đưa ra lời khuyên khi tôi mang thai”.
Cũng nhờ mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân mà các bạn trẻ có điều kiện giao lưu, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề liên quan đến SKSS/KHHGĐ, tình bạn khác giới, tình yêu, tình dục an toàn, phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS… “Tuy nhiên, trên thực tế nhiều người lâu nay vẫn còn tâm lý e ngại khám sức khỏe trước khi kết hôn, do sợ nếu phát hiện bệnh sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi, thậm chí có người còn cho là chỉ nghi ngờ nhau mới phải khám… Tất cả những suy nghĩ này vô hình trung tạo nên rào cản cho ý nghĩa của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân. Cũng chính vì thế, nhiều người mắc những căn bệnh truyền nhiễm không đáng có từ chính bạn đời của mình”, chị Phan Thị Thu Trang, viên chức dân số xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ chia sẻ.
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh Nguyễn Hương Chương cho biết thêm: Chăm sóc SKSS trước khi kết hôn là điều kiện cần thiết, nhất là đối với các bạn trẻ. Vì vậy, trong thời gian tới ngành Y tế – Dân số tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện một số giải pháp như tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp về công tác dân số trong tình hình mới. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về dân số nhằm giúp thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được trang bị thêm kiến thức về chăm sóc và khám sức khỏe tiền hôn nhân để có cuộc sống hạnh phúc, bền vững, góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Hà Trang