Sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho đồng bào dân tộc thiểu số: Yếu tố “vàng” để nâng cao chất lượng dân số

0
265

GiadinhNet – Nếu thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp vớí sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Theo nghiên cứu “Những rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số ở Việt Nam” do Viện nghiên cứu Phát triển Mekong và Trung tâm nghiên cứu (Trường Đại học Toronto, Canada) được Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc phối hợp với Bộ Y tế hỗ trợ đã chỉ ra tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận các dịch vụ chăm sóc trước sinh (khám thai ít nhất 4 lần) thấp hơn 58 điểm phần trăm so với tỷ lệ chung toàn quốc (16% so với 74%), ít quan tâm đến sàng lọc sơ sinh.

Nguyên nhân chính là do phong tục tập quán, tín ngưỡng. Nhiều phụ nữ cho rằng việc mang thai và sinh con là quá trình khỏe mạnh bình thường và tự nhiên, vì thế không cần tới gặp các nhân viên y tế để khám thai…

Theo số liệu của các cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm nước ta có khoảng 1,5 triệu trẻ ra đời, trong đó có khoảng 40.000 trẻ không may mắn mắc các dị tật bẩm sinh như Down; dị tật ống thần kinh; thiếu men G6PD; tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh; tan máu bẩm sinh… ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi và sự phát triển bền vững của đất nước. Nếu thai phụ được sàng lọc trước sinh kết hợp vớí sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khoẻ mạnh.

Tuyên truyền công tác dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa: T.Hằng

Các chuyên gia nhận định, sàng lọc trước sinh và sơ sinh là giải pháp phát hiện, can thiệp sớm bệnh tật ở thai nhi, trẻ sơ sinh, đảm bảo sức khỏe cho trẻ khi chào đời. Điều này giúp nâng cao chất lượng dân số và cải thiện, cũng như hạn chế hậu quả nặng nề do dị tật bẩm sinh gây ra cho trẻ, giảm nhẹ gánh nặng cho xã hội. Tuy nhiên, đồng bào dân tộc thiểu số ở nước ta vẫn còn gặp nhiều rào cản trong việc tiếp cận phương pháp này.

Nhằm góp phần nâng cao chất lượng dân số vùng dân tộc thiểu số, miền núi, trong đó có sàng lọc trước sinh và sơ sinh, theo ThS.BS Phạm Hồng Quân – Phó Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế): Đầu tiên là phải tiếp tục triển khai các giải pháp can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, giảm tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, nâng cao chất lượng dân số của một số dân tộc thiểu số. Đầu tư ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, các nhóm dân tộc thiểu số khó khăn nhất. Cung cấp các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh đến vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để người dân được tiếp cận dễ dàng nhất.

Bên cạnh đó, biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông; tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan về hôn nhân và gia đình trong vùng dân tộc thiểu số. Đổi mới nội dung, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, thay đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, lễ hội nhằm tuyên truyền hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số.

Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tổ chức chính trị – xã hội, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số tham gia tuyên truyền, vận động đồng bào xóa bỏ những hủ tục lạc hậu và phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động nguồn viện trợ và các nguồn tài chính hợp pháp khác…

Thanh Hằng
Thông tin chi tiết xem tại đây.