Nhọc nhằn giữ nguồn sữa quý cho con

0
175

GiadinhNet – Nuôi con bằng sữa mẹ là cách tốt nhất phòng tránh tử vong cho trẻ em; cải thiện sự tăng trưởng và phát triển, kết quả học tập và thậm chí cả khả năng thu nhập của trẻ trong tương lai…

Nhọc nhằn giữ nguồn sữa quý cho con 1

Chị Út và chị Chi được hướng dẫn tại cabin vắt, trữ sữa mẹ thuộc Công ty may Vinh Tiến (TP HCM). Ảnh: Đỗ Bá.

Tuy nhiên, không phải mọi trẻ em sinh ra đều được hưởng sự quý giá này. Để giúp trẻ được nuôi dưỡng một cách tối ưu nhất, Tổng LĐLĐVN đã có chương trình lắp đặt các cabin vắt và trữ sữa cho cán bộ, công nhân viên tại một số khu chế xuất.

> Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, tất cả trẻ nhỏ cần được nuôi hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và tiếp tục nuôi bằng sữa mẹ đến 2 năm hoặc lâu hơn kết hợp với cho trẻ ăn thêm các bữa ăn bổ sung chế biến từ các thực phẩm giàu dinh dưỡng. Sữa mẹ cung cấp 100% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 6 tháng đầu; 50% nhu cầu ấy cho giai đoạn từ 6 – 12 tháng tuổi. Trong năm thứ hai, sữa mẹ vẫn còn có thể cung cấp 33% nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ và khả năng cung cấp này còn khoảng 10% vào năm thứ ba.

> Mỗi năm, Việt Nam phải chi khoảng 208 tỉ đồng cho khám, chữa các bệnh do nuôi dưỡng trẻ nhỏ kém. Nếu nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, các bà mẹ Việt Nam có thể tiết kiệm hơn 11.435 tỉ đồng từ việc không chi tiêu cho các sản phẩm thay thế sữa mẹ.

Với chính sách nghỉ thai sản ưu việt hiện nay, các bà mẹ có rất nhiều cơ hội để nuôi dưỡng trẻ nhỏ một cách tối ưu. Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa ấy cần có sự phối hợp giữa các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp trong việc hỗ trợ để người mẹ có thể nâng cao nhận thức cũng như áp dụng việc thực hành nuôi con bằng sữa mẹ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) cho biết, trong năm 2012, Tổng LĐLĐVN phối hợp với tổ chức Alive & Thrive Việt Nam (A&T – Chương trình nuôi dưỡng và phát triển) thực hiện chương trình Hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM) tại nơi làm việc. Có 15 cabin vắt và trữ sữa được lắp đặt tại các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng.

Mỗi cabin vắt, trữ sữa được trang bị tủ lạnh trữ sữa, có treo tranh truyền thông, tờ rơi, ghế ngồi… tạo không gian riêng biệt, thoải mái để nữ cán bộ, công nhân viên đang nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi thực hiện việc vắt, trữ sữa trong thời gian đang làm việc tại cơ quan, hỗ trợ thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì trong các tháng tiếp theo.

Nhiều chủ doanh nghiệp đã nhận thức được việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp về mặt lâu dài vì các bà mẹ ít phải nghỉ làm để chăm con ốm nên việc lắp đặt các cabin trữ sữa được nhiều nơi ủng hộ. “Trước đây, các chị em ở tổ con mọn thường đi muộn về sớm. Từ khi có phòng vắt và trữ sữa, chị em đã đi làm được theo lịch bình thường vì có thể vắt và trữ sữa trong giờ làm việc sau đó mang về cho con ở nhà”, bà Lê Thị Nguyệt, cán bộ Công đoàn, Công ty May Thanh Hóa cho biết.

Năm 2013, Tổng LĐLĐVN đã tiếp tục phối hợp với A&T lắp thêm 25 cabin vắt và trữ sữa cho chị em tại TP HCM và các cơ quan cấp bộ. Có mặt tại Công ty may Vinh Tiến (Bình Chánh, TP HCM), 10h sáng ngày 6/8, phóng viên được chứng kiến chị Trần Thị Út – công nhân, người đang nuôi con vừa tròn 6 tháng tuổi, rời bàn may để được hướng dẫn cách lấy và trữ sữa mẹ.

Trong cabin nhỏ gọn được bố trí tại xưởng may, chị Út lấy bộ dụng cụ hút sữa lắp ráp theo hướng dẫn, ánh mắt ngời niềm vui khi thấy dòng sữa mà mình chắt chiu từng giọt sẽ được mang về nhà cho đứa con yêu. “Nhà em cách công ty gần 2 km, có lúc nghỉ trưa tranh thủ chạy ào về cho con bú nhưng nhằm lúc mưa gió hay ông xã bận việc là thua. Mà ước nguyện của em là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Vì vậy, mấy hôm không về được em bứt rứt lắm khi sữa của mình thì đầy mà con thì phải ăn sữa ngoài. Được hướng dẫn cách trữ sữa mang về cho con, em thấy nhẹ cả người và vui khôn tả luôn”, chị Út thật tình chia sẻ.

Cùng vào cabin với chị Út là công nhân Ngô Thị Mỹ Chi, nhà tận Cần Đước (Long An). Từ nhà đến nơi chị làm mất 1 giờ đi xe gắn máy nên đứa con 6 tháng tuổi của chị đành bú sữa ngoài hoàn toàn từ khi chị đi làm. “Mình với ông xã cùng làm công nhân nên con bú sữa ngoài cũng căng về chi phí lắm. Chỉ bú dặm từ trưa đến chiều thôi mà tháng cũng hơn hai hộp sữa rồi. Được trữ sữa mang về nhà thế này thì hay quá, con vừa được bú sữa mẹ mà mẹ cũng đỡ phần lo lắng”, nữ công nhân đang nuôi con thứ hai vui vẻ cho biết.

Cabin vắt và trữ sữa mẹ tại Công ty may Vinh Tiến là một trong hai cabin được thử triển khai tại TPHCM đã 2 tháng qua. Ông Nguyễn Đình Oai – Chủ tịch Công đoàn của công ty cho biết, có nhiều bà mẹ nuôi con nhỏ hết thời kỳ nghỉ thai sản rất hân hoan đón nhận phương pháp này.

Nuôi con bằng sữa mẹ – Lợi cả mẹ và con

Những trẻ được bú mẹ ít phải đến bệnh viện hơn hoặc ít phải uống thuốc, giảm nguy cơ lây nhiễm và mắc các bệnh như: Tiêu chảy, viêm phổi, hen suyễn, nhiễm trùng tai, nhiễm khuẩn đường hô hấp. Hơn nữa, nếu trẻ không được bú mẹ sẽ làm tăng nguy cơ béo phì, đái tháo đường loại I và loại II cũng như bệnh cao huyết áp và tim mạch.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng chỉ số thông minh và cải thiện kết quả học tập sau này của trẻ. Trẻ bú mẹ càng lâu thì khả năng trí tuệ cao hơn, điều này được thể hiện qua những kỹ năng vận động, kỹ năng ngôn ngữ và khả năng nhận thức hoàn thiện hơn.

Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân nhanh sau sinh, ít nguy cơ mắc các bệnh như: Tiểu đường loại II, ung thư vú, ung thư buồng trứng, loãng xương và chứng trầm cảm sau khi sinh. Nuôi con bằng sữa mẹ cũng giúp các bà mẹ tránh thai tốt hơn. Nghiên cứu chỉ ra rằng nếu bà mẹ cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và không có dấu hiệu có kinh nguyệt trở lại thì khả năng mang thai là dưới 2%.
(Nguồn: UNICEF, Bộ Y tế)
Nỗi niềm mẹ không đủ sữa cho con

Sinh con được hai ngày, chị Bích Vân (Thủy Nguyên, Hải Phòng) bị mất sữa vì phải uống kháng sinh do bị nhiễm trùng sau đẻ mổ. Những ngày sau đó là cả một quãng thời gian vô cùng khó khăn và vất vả của gia đình chị.

“Không được nuôi bằng sữa mẹ, con em thường xuyên ốm. Nhìn con chị bạn sinh cùng tháng với con em được bú mẹ khỏe mạnh và nặng hơn con mình tới 3 ký mà em muốn khóc”, chị Vân tâm sự. Không có sữa mẹ, chị Vân phải dùng sữa bột thay thế cho con. Nhà nghèo nhưng mỗi tháng vợ chồng chị vẫn phải cố gắng xoay xở để mua hơn 2 triệu tiền sữa bột cho con.

Trường hợp của chị Phương (Mỹ Đức, Hà Nội) lại khác, sinh con bằng phương pháp tự nhiên nhưng Phương mất sữa vì thiếu hiểu biết. “Sinh con ở trạm xá, mẹ tròn con vuông, em được về nhà luôn. Mấy tiếng đầu chưa có sữa, em không biết là phải cho con bú ngay và bú nhiều thì mới về và có sữa nhiều. Trước khi sinh con, em cũng chủ quan, không đọc sách báo, cũng không tham khảo ai cả, chỉ chuẩn bị cho con một hộp sữa và bình bú phòng khi chưa có sữa thôi. Em cứ ân hận mãi vì con không được bú mẹ như những đứa trẻ khác”.

Với chị Minh Hương (Hoài Đức, Hà Nội) thì hoàn cảnh lại khác với những bà mẹ trên. Khi đứa con đầu được hơn 1 tuổi thì chị lại chuẩn bị sinh tiếp đứa thứ hai. “Đứa đầu em chỉ được nghỉ 4 tháng, lại đi làm xa nhà hơn 10 cây số nên cháu không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng và đến tháng thứ 9, em đành phải cai sữa cho con. Giờ sinh đứa thứ hai, chúng em được hưởng chính sách nghỉ sinh 6 tháng nên đứa em đỡ còi cọc và ít ốm hơn chị”. Tuy nhiên, chị Hương cũng lo lắng, với quãng đường đi làm quá xa, không thể về nhà buổi trưa, chị thường xuyên phải vắt bỏ sữa. “Em nghe nói nhiều nơi đã có cabin trữ sữa cho cán bộ, công nhân để các mẹ có thể giữ sữa cho con nhưng chỗ em làm không có. Nhiều người giống em, không thể chạy về nhà cho con bú vào buổi trưa được. Nhìn những giọt sữa phải vắt bỏ đi mà ứa nước mắt. Có lẽ, đứa này em cũng sẽ phải cai sữa sớm như đứa đầu chị ạ”, chị Hương bần thần nói.
Hà Anh – Đỗ Bá