Trữ mô buồng trứng: Phụ nữ mãn kinh vẫn có thể có thai

0
164

GiadinhNet – Năm 2014, đã có 26 em bé ra đời từ phương pháp trữ mô buồng trứng. Phương pháp bảo tồn sinh sản mới này mở ra hi vọng có con cho những phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh sớm. Đặc biệt, đây là biện pháp có con duy nhất cho các bé gái chưa đến tuổi dậy thì mắc các bệnh lý đe dọa suy buồng trứng sớm.

Thông tin trên được ThS.BS Lê Thị Minh Châu – Phó Trưởng khoa Hiếm muộn (Bệnh viện Từ Dũ – TP HCM) chia sẻ tại Hội nghị Vô sinh toàn quốc (tổ chức ngày 11/4 vừa qua tại Hà Nội).

Kỹ thuật viên y tế của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thu hoạch trứng sau chọc hút để chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm. ảnh: T.L

Kỹ thuật viên y tế của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Vinmec thu hoạch trứng sau chọc hút để chuẩn bị làm thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: T.L

Trì hoãn sinh con, nhiều phụ nữ muốn trữ lạnh trứng

Việc trữ trứng là một nhu cầu thực tế, có xu hướng gia tăng. Về mặt sinh lý bình thường, sau tuổi 35, số lượng, chất lượng trứng, khả năng sinh sản, thụ thai của người phụ nữ giảm đi nhiều. Cả nước hiện có 22 trung tâm hỗ trợ sinh sản và hầu hết đều đã thực hiện rất tốt kỹ thuật trữ trứng, tinh trùng, phôi. Tuy nhiên, theo ThS.BS Minh Châu: “Bệnh viện Từ Dũ hiện mới làm cho những trường hợp điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng chồng không lấy được tinh trùng và người phụ nữ phải trữ hết toàn bộ trứng bằng phương pháp trữ lạnh nhanh, tỷ lệ đậu thai lâm sàng lên tới 50%” , ThS.BS Minh Châu nói. ThS.BS Minh Châu cũng đề cập đến vấn đề khung pháp lý hỗ trợ cho kỹ thuật này, để hình thành một quy trình bảo tồn sinh sản rõ ràng nhằm thông báo cho bệnh nhân.

Các bác sĩ khẳng định, chất lượng trứng sau thời gian trữ lạnh không thay đổi theo thời gian. Nếu phụ nữ trữ trứng ở độ tuổi 20, đến 40 tuổi mới mang thai, trứng được rã đông sau vài chục năm vẫn là chất lượng trứng ở độ tuổi 20.

Các chuyên gia sản khoa chia sẻ, về mặt hỗ trợ sinh sản, những bệnh nhân mắc ung thư giai đoạn sớm, những người bị mắc bệnh hệ thống tự miễn, sử dụng thuốc điều trị quá nhiều dễ dẫn đến suy buồng trứng hoặc suy buồng trứng sớm, những người mắc bệnh lý về máu có thể trữ trứng. Về mặt kỹ thuật, chúng ta hoàn toàn làm được, nhưng để thành một chu trình thì cần có sự phối hợp liên ngành (huyết học, ung thư, chuyên gia) để cùng có liệu trình cho bệnh nhân mắc các bệnh lý này, các chuyên gia sản khoa cho hay.

Hướng đi mới trong bảo tồn sinh sản

ThS.BS Minh Châu chia sẻ, với những em gái trước dậy thì bị mắc các bệnh lý như ung thư giai đoạn sớm, bệnh tự miễn (lupus ban đỏ, viêm cầu ống thận…), thì biện pháp duy nhất để bảo tồn sinh sản là trữ mô buồng trứng. Đây cũng là hướng đi mới trong bảo tồn sinh sản cho những phụ nữ bị ung thư phải điều trị và việc điều trị có thể làm tổn thương không phục hồi khả năng sinh sản của buồng trứng.

“Đây là lựa chọn duy nhất cho trẻ em gái trước tuổi dậy thì. Điểm thuận lợi là không cần tinh trùng, không cần kích thích buồng trứng hoặc trưởng thành sinh dục. Biện pháp này còn bảo tồn chức năng buồng trứng – nang noãn, không chỉ về sinh sản mà còn chức năng nội tiết. Ngoài ra, nó giúp bảo tồn số lượng lớn nang noãn nguyên thủy”, ThS.BS Minh Châu nói.

Được biết, đây là phương pháp được áp dụng tại một số nước trên thế giới. Trong năm 2014, đã có 26 em bé ra đời từ phương pháp trữ mô buồng trứng, trong đó có hai cặp song sinh.

Theo đó, các bác sĩ sẽ nội soi lấy thành phần mô buồng trứng, chiết xẻ một vỏ mô buồng trứng (chứa rất nhiều trứng, nang noãn) thành những phần nhỏ và đem trữ lạnh. Sau khi bệnh nhân điều trị, sẵn sàng tâm lý mang thai, thành phần vỏ mô buồng trứng này sẽ được cấy ghép vào vị trí tự nhiên trong buồng trứng (có thể có thai tự nhiên), hoặc vị trí dưới da khác (cánh tay, bụng dưới, có thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm). Đặc biệt, về mặt thời gian chức năng của mẫu ghép tồn tại trong cơ thể, biện pháp này có thể phục hồi chức năng nội tiết của buồng trứng khoảng 30%, trong khoảng 40 tháng. Điều này rất quan trọng, bởi nếu chúng ta tiếp tục phát triển kỹ thuật này, sẽ rất có ý nghĩa với phụ nữ lớn tuổi, mãn kinh, giúp họ có thể có thai.

Tại nước ta, vào quý 3/2014, lần đầu tiên tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản (CGRH) Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM đã báo cáo thành công trong việc thiết lập qui trình đông lạnh mô buồng trứng tại Hội nghị các chuyên gia thụ tinh trong ống nghiệm lần thứ 10. ThS Nguyễn Thị Thu Lan (thuộc Trung tâm Nghiên cứu Di truyền và Sức khỏe sinh sản – ĐH Quốc gia TPHCM) và cộng sự đã thiết lập thành công qui trình đông lạnh mô buồng trứng bằng hai phương pháp thủy tinh hóa và đông lạnh chậm với tỉ lệ sống của nang noãn sau rã đông so với trước đông lạnh là từ 59%-73%. Các tác giả đã xây dựng các qui trình đông lạnh cho buồng trứng người và bước đầu áp dụng thử nghiệm trên buồng trứng bò. Trong thời gian tới, các tác giả sẽ tiếp tục cải tiến qui trình để chuẩn bị thử nghiệm đánh giá hiệu quả qui trình trên mô buồng trứng người.

ThS.BS Minh Châu cũng lưu ý, điểm hạn chế của phương pháp bảo tồn sinh sản này là nguy cơ tái diễn ung thư.

Theo đó, nếu tế bào ung thư khi chưa di căn hoặc các bệnh ung thư về nội tiết (ung thư vú, phụ khoa) thì khả năng tái diễn thấp. Trong khi đó, các loại ung thư về tiêu hóa, mạch máu, bạch cầu thấp, khả năng tái phát từ mức độ cao đến vừa. Ngoài ra hiện nay, kỹ thuật trữ lạnh nhanh mô buồng trứng, trữ lạnh nhanh nang noãn ở người và động vật chưa có kết quả thống nhất. Một số lý do được đưa ra như kích thước mô buồng trứng, thành phần và thời gian tiếp xúc dung dịch và hệ thống trữ lạnh…

Thu Nguyên/Báo Gia đình & Xã hội