Hãi hùng, 10 tuổi đã đột quỵ

0
191

GiadinhNet – Đáng chú ý, triệu chứng đột quỵ ở những người độ tuổi 20 có thể khác so với người lớn tuổi nên thường bị chẩn đoán nhầm thành đau nửa đầu, động kinh…

Lâu nay, khi nói đến các bệnh như đột quỵ, suy giảm trí nhớ, hay run tay chân… nhiều người chỉ nghĩ đó là những bệnh “già mới lo”… Trên thực tế, các bệnh nguy hiểm liên quan đến thần kinh, não bộ đang có xu hướng trẻ hóa. Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội từng điều trị cho nhiều bệnh nhân đột quỵ khi tuổi đời chỉ dưới 30 tuổi, thậm chí 10 tuổi. Đáng chú ý, nhiều người không nghĩ, “có tí tuổi” cũng có thể đột quỵ.

Các chuyên gia khuyến cáo: Lối sống hiện đại là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh đột quỵ ở người trẻ. ảnh minh họa
Các chuyên gia khuyến cáo: Lối sống hiện đại là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh đột quỵ ở người trẻ. ảnh minh họa

Đang chơi đùa, ôm đầu vào viện vì đột quỵ não

PGS.TS Lương Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Việt Nam hiện chưa có thống kê người trẻ tuổi bị đột quỵ nhưng tình trạng này đang có xu hướng gia tăng.

Một thống kê chưa đầy đủ tại TP HCM về tình trạng bệnh đột quỵ nói chung, ước khoảng 415- 420/100.000 người dân mắc đột quỵ. Số ca mắc mới hàng năm vào khoảng 115 – 120/100.000 người dân. Tại Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận không ít những ca đột quỵ dưới 30 – 20 tuổi, thậm chí 10 tuổi đã bị đột quỵ.

Đó là trường hợp bệnh nhi T.T.L (10 tuổi, ở Hà Nội). Theo người nhà bệnh nhân này, trong lúc vui chơi, L bị ngã bất tỉnh, sau đó em bị liệt nửa người thân dưới. Kết quả chụp CT não phát hiện bệnh nhi này bị tắc mạch máu não. Các bác sĩ kêt luận em bị đột quỵ. Được phát hiện sớm, bé L được điều trị qua cơn nguy kịch nhưng không may em lại để lại di chứng liệt nửa người, suy giảm nhận thức. L phải trải qua hơn nửa năm phục hồi chức năng để có thể đi học trở lại, tuy nhiên dáng đi của em vẫn không trở lại bình thường, cùng với đó, trí nhớ của em cũng bị ảnh hưởng.

Trước đó, Trung tâm Phục hồi chức năng cũng đã điều trị thành công cho một nam thanh niên 17 tuổi chẩn đoán đột quỵ, nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu.

Các bác sĩ cho biết, khai thác từ người nhà bệnh nhân cho thấy, khoảng 1 tiếng trước khi vào viện, bệnh nhân Đ vẫn cười nói vui vẻ cùng mọi người. Tuy nhiên, Đ đột ngột ôm đầu kêu đau dữ dội kèm theo nôn ói, ho ra đàm nhớt có máu tươi, sau đó thanh niên này nhanh chóng rơi vào tình trạng hôn mê và được đưa vào viện gấp. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân lên cơn đột quỵ nên tiến hành chụp mạch máu não. Kết quả kiểm tra hệ thống mạch máu não của bệnh nhân cho thấy bị dị dạng kèm giả phình động mạch, đe dọa trực tiếp đến sinh mạng của người bệnh. Rất may mắn Đ được cấp cứu kịp thời, bằng phương pháp bơm keo vá mạch máu não nên tình trạng xuất huyết não đã không để lại di chứng.

Mới đây nhất, đầu tháng 5/2017, trên trang cá nhân, một người bạn của nhóm nhạc AXN đình đám một thời thông báo tin buồn ca sĩ Trần Nguyên (SN 1983) – cựu thành viên AXN – đã đột ngột qua đời vì đột quỵ. Người bạn này cũng cho biết, chỉ mới cách đó vài ngày, nam ca sĩ còn rất khỏe mạnh.

Đâu là nguyên nhân chính?

Thống kê của ngành Y tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người mắc mới đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Theo PGS.TS Lương Tuấn Khanh, đột quỵ người trẻ xảy ra do xuất huyết não, phần lớn là do vỡ động tĩnh mạch hoặc vỡ phình mạch. Còn các chuyên gia khuyến cáo, lối sống hiện đại là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh. Đó là bởi, hiện nay không ít người trẻ lười vận động, béo phì, căng thẳng, mất ngủ, stress thường xuyên, ăn thực phẩm nhiễm hóa chất độc hại, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, làm nhiều, ngủ ít…

Những tác nhân này cùng với sự suy giảm chức năng cơ thể đã sản sinh rất nhiều độc chất gốc tự do hủy diệt cơ thể, nhất là não bộ. Đáng chú ý, triệu chứng đột quỵ ở những người độ tuổi 20 có thể khác so với người lớn tuổi nên thường bị chẩn đoán nhầm thành đau nửa đầu, động kinh, đa xơ cứng, hoặc lo âu quá độ… Nếu người lớn bị đột quỵ có những biểu hiện rõ rệt như tê bì chân tay, xuất huyết não, rối loạn nhận thức… thì người trẻ lại có các biểu hiện ốm sốt, mê sảng, co giật, ngất…

Chia sẻ tại buổi họp báo về phòng chống tăng huyết áp (ngày 15/5) do Viện Tim mạch học Việt Nam tổ chức, GS.TS Nguyễn Lân Việt – Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ não, suy tim… Theo thống kê của Hiệp hội tăng huyết áp thế giới, hiện thế giới có khoảng 1 tỷ người bị tăng huyết áp. Dự kiến đến năm 2025 con số này sẽ tăng lên khoảng 1,56 tỷ.

Các bác sĩ cho biết, không có bệnh nào chẩn đoán dễ như tăng huyết áp. Khi đo huyết áp cho thấy chỉ số lớn hơn hoặc bằng 140/90mmgH được gọi là tăng huyết áp. Nhưng có thực tế nhiều người có tăng huyết áp nhưng không hề biết. Tỷ lệ người Việt trưởng thành bị tăng huyết áp hiện có xu hướng tăng, từ 25,1% (năm 2009) lên 40% (năm 2017).

Nếu nghi ngờ một người đột quỵ, bạn hãy yêu cầu người đó nói tên, mỉm cười hay giơ hai cánh tay lên, họ không thực hiện được hay khó khăn có nghĩa đang đột quỵ.

Xử trí nhanh người đột quỵ:

– Gọi cấp cứu.

– Để bệnh nhân nằm yên, đầu nâng cao 30 độ.

– Nếu nôn ói, để nghiêng đầu sang một bên.

– Dùng khăn phải hoặc cán muỗng đặt giữa hàm răng để đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi.

– Nếu bệnh nhân hôn mê, ngừng thở thì phải hô hấp nhân tạo.

– Tuyệt đối tránh cạo gió, xoa bóp cho bệnh nhân.

Người trẻ khả năng phục hồi tốt hơn

PGS.TS Lương Tuấn Khanh- Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Mặc dù bệnh đột quị có những biểu hiện nhưng rất khó để phát hiện cũng như có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt, dù tỉ lệ tử vong do đột quỵ cho tới nay giảm đáng kể so với trước kia nhưng số lượng bệnh nhân bị tàn tật do đột quỵ lại có xu hướng tăng mạnh, chiếm 90% với nhiều di chứng nặng nề, như rối loạn gây nguy cơ sặc, viêm phổi do hít phải thức ăn đồ uống, loét da, viêm tắc mạch máu, đại tiểu tiện không tự chủ, đau khớp vai bên liệt, suy dinh dưỡng…

Vì lý do tuổi tác, những người trẻ khả năng phục hồi tốt hơn người lớn tuổi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi như bình thường tùy thuộc vào sức lực của từng người, mức độ nặng nhẹ, độ tuổi và thời gian.

Võ Thu