Đề phòng tai biến sản khoa: Ứng xử khi nước ối đục

0
1023

GiadinhNet – Theo các bác sĩ sản khoa, không nhất thiết phải mổ khi chưa có dấu hiệu bị suy thai hoặc chưa đủ tháng.

Thai phụ nên tham vấn ý kiến của bác sĩ trong quá trình mang thai và sinh nở. Ảnh: Dương Ngọc.

Lo sợ con mình ở lâu trong môi trường nước ối đục, bánh rau bị canxi hóa sẽ không tốt, không ít thai phụ đã áp dụng những phương pháp “truyền miệng”, “nằng nặc” đòi bác sĩ mổ lấy thai ngay. Tuy nhiên, theo các bác sĩ sản khoa, không nhất thiết phải mổ khi chưa có dấu hiệu bị suy thai hoặc chưa đủ tháng.

Chớ vội làm theo “truyền miệng”

“Có thai đến tuần thứ 36, vợ em đi siêu âm, bác sĩ “phán”: Nước ối đục. Chả biết đục đến độ nào mà cả nhà tá hỏa, làm đủ thứ để nước ối trong trở lại. Bà nội bé khuân về một tải dừa non, bắt nhà em uống bằng hết trong vài ngày. Vợ em một ngày uống 3 quả dừa non không đường, chua loét ra mà vẫn nhắm mắt nuốt, với hi vọng nước ối trong trở lại. Trông đến là thương!”, anh Trần Tuấn Quang (xã Tân Đức, Ba Vì, Hà Nội) nói.

“Bác sĩ bảo nước ối có một số vởn, không ảnh hưởng gì nhiều, nhưng em vẫn lo lắm. Nhiều người bảo con bị nước ối đục sinh ra nuôi khó lắm, nhất là khi có phân su. Nuốt phải nước ối đục, con em lại phải rửa ruột nữa thì xót lắm! Em đang muốn “xin” bác sĩ mổ đẻ sớm cho “lành””, chị Hoài, vợ anh Quang giọng đầy lo lắng.

Theo BSCK 1 Nguyễn Thị Nhung, Tổng đài Tư vấn vì chất lượng cuộc sống – 19008088 (Tổng cục DS-KHHGĐ) chia sẻ: Những lo lắng này của thai phụ rất dễ gặp trong quá trình khám, siêu âm thai. Nhưng điều quan trọng là rất ít người hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ mà thích nghe lời mách của những người xung quanh, khiến thai phụ “lù mù”. “Thậm chí, có người cho rằng: Nên uống nhiều nước mía, nước cam, nước dừa… để trong ối trở lại. Nhưng điều đó không có cơ sở khoa học. Qua siêu âm, không thể đọc được nước ối đục hay trong mà chỉ đo được chỉ số ối”, BS Nhung nói.

“Thai phụ cần phải hiểu là uống nước nhiều là rất tốt. Nhưng cứ nhăm nhăm uống thật nhiều nước mía vô tội vạ vào chỉ để lọc bớt độ đục của nước ối là sai lầm. Bởi cơ chế lọc của buồng ối không giống như thận, bàng quang”, BS Nhung cho biết thêm.

Theo Th.S, BS Bạch Cẩm An, Trưởng khoa Phụ sản, BV Trung ương Huế: Nước ối có chức năng bảo vệ, che chở cho thai tránh những va chạm, sang chấn, đặc biệt là bảo đảm môi trường vô trùng cho bé trong bọc ối. Về màu sắc, lúc đầu thai kỳ nước ối có màu trắng trong (như màu nước dừa non). Thai nhi càng lớn dần thì màu sắc nước ối sẽ trắng đục dần do có chứa nhiều chất gây. Thai đủ trưởng thành (từ tuần lễ thứ 38), nước ối sẽ có màu trắng đục gần giống như nước vo gạo. Nước ối đục không nguy hiểm nhiều như thai phụ tưởng trừ khi có dấu hiệu bị suy thai trong quá trình chuyển dạ hoặc gần sinh. Chất gây là do tế bào thai nhi từ da, niêm mạc miệng, niêm mạc hô hấp, đường niệu và đường tiêu hóa bong tróc vào buồng ối. Thông thường, khi thai đủ trưởng thành thì các tế bào này bong tróc nhiều và làm nước ối có màu trắng đục do chất gây. Tình trạng này hoàn toàn không nguy hiểm cho thai nhi.

Những lo lắng không có căn cứ

Lời khuyên của các bác sĩ sản khoa là dù bị nước ối đục hay bánh rau bị canxi hóa, các thai phụ cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, theo dõi sát để được bác sĩ tư vấn kỹ càng, chính xác. Không nên tự tiện nghe theo lời mách nhỏ, truyền miệng để có những lo lắng và việc làm không cần thiết, ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ, bé.

Nhiều thai phụ lo lắng về việc nếu bé uống phải nước ối đục trong quá trình sinh sẽ phải rửa ruột, hoặc bé sống lâu trong môi trường nước ối đục sẽ bị liên quan đến viêm mũi họng sau này… Thậm chí, nếu nước ối đục, sinh ra em bé bị ghèn mắt, phải nhỏ nước muối sinh lý liên tục… Theo các chuyên gia sản khoa, những lo lắng này không có căn cứ. “Việc lau rửa ghèn mắt, vệ sinh cho bé là việc làm cần thiết cho bất kỳ trẻ sơ sinh nào, không phải chỉ riêng bé do trong quá trình mang thai bị nước ối đục” – BS An nói.
Theo BS An, trừ khi bị vi khuẩn xâm nhập do viêm màng ối, viêm nhiễm từ âm hộ, âm đạo, cổ tử cung…, còn lại nước ối là môi trường hoàn toàn trong sạch, vô khuẩn. Điều nguy hiểm không phải là bé hít hay uống phải nước ối mà nguy hiểm nhất là bé bị ngạt hay sặc nước ối trong quá trình chuyển dạ. Nếu gặp phải trường hợp này, bé có thể bị suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong. Hoặc chịu những di chứng sau này do thiếu ôxy lên não. Thai phụ cần chú ý hơn nữa nếu thai nhi bị nước ối xanh đục đi kèm cạn nước ối, có dấu hiệu suy thai do nhiễm khuẩn ối. Điều này cần phải được kết luận bằng kết quả soi ối.

Các bác sĩ cũng cho biết thêm:  Một lo lắng thái quá của thai phụ trong quá trình mang thai, là hiện tượng nhau thai bị vôi hóa (canxi hóa). Đây là hiện tượng lắng đọng canxi giữa bánh rau, xuất hiện ở những thai gần đủ tháng hoặc già tháng. Có 3 cấp độ của vôi hóa bánh rau (độ I – một vài đốm trắng, độ II – đốm trắng kết thành nửa vòng nhỏ, độ III – nhiều đốm trắng kết thành vòng rộng). Điều này có ý nghĩa trong việc đánh giá độ trưởng thành của bánh rau. Theo ý kiến của các chuyên gia sản khoa, trên thực tế, rất nhiều trường hợp thai phụ khi đi khám thấy bác sĩ cho biết mình bị vôi hóa bánh rau đã nằng nặc đòi mổ lấy thai ngay, cả khi thai chưa đủ tuần (dưới 38 tuần thai). Nguyên nhân là họ không muốn để con bị ảnh hưởng vì không thể hấp thu dưỡng chất đầy đủ nhất khi con đường duy nhất từ mẹ sang bé bị “hóa đá”.

Theo Th.S, BS Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc SKSS tỉnh Thanh Hóa, thai phụ khi thấy bánh rau bị canxi hóa còn ngay lập tức bổ sung thêm canxi qua sữa, thức ăn… nhưng không hiểu rằng: Nếu ăn uống thừa chất canxi, thai nhi cũng có khả năng bị ảnh hưởng không tốt. Do đó, theo BS Trương, thai phụ rất cần thiết phải hỏi ý kiến tư vấn của bác sĩ về việc bổ sung hay hạn chế canxi.
Thu Nguyên