Bộ Chính trị cho phép TP.HCM thí điểm chính sách mang tính đột phá

0
214

Bộ Chính trị cho phép TP.HCM thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết 31 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy và lãnh đạo chủ chốt TP.HCM vào ngày 23-9-2022. Ảnh: TTXVN

Mục tiêu tăng trưởng bình quân 8%-8,5%/năm

Quan điểm của Bộ Chính trị là tập trung ưu tiên hoàn thiện thể chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, vị trí chiến lược, thúc đẩy TP.HCM phát triển nhanh, bền vững.

TP phải tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo , khoa học – công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước, có sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; sớm trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ, văn hóa, giáo dục và đào tạo , khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á và châu Á, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Bộ Chính trị đã đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là TP dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học – công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. Đồng thời là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao; là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ TP.HCM được thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục.

Sớm thành trung tâm tài chính quốc tế

Để thực hiện các mục tiêu nêu trên, nghị quyết đã đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp, trong đó nhấn mạnh TP.HCM cần tập trung phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh quốc tế, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực.

Trong đó, phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế – xã hội của TP.HCM. Tập trung xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM…

Bộ Chính trị cũng yêu cầu nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch; phát triển đô thị bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, viễn thông đồng bộ, hiện đại; hoàn thành xây dựng các tuyến đường quốc lộ và hệ thống đường kết nối nội vùng, liên vùng theo quy hoạch.

“Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia, nhất là các tuyến đường vành đai 3, 4, các đường cao tốc, đường sắt TP.HCM – Cần Thơ, nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất” – nghị quyết nêu rõ và yêu cầu bảo đảm kết nối liên hoàn với các tỉnh Đông Nam Bộ, ĐBSCL, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Một nhiệm vụ khác được Bộ Chính trị lưu ý là TP.HCM cần phát triển mạnh mẽ văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo , chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng con người TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với TP mang tên lãnh tụ Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó là bảo đảm quốc phòng, an ninh; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

Quy mô kinh tế năm 2020 tăng 2,7 lần so với năm 2010

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa XI, Bộ Chính trị đánh giá TP.HCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi.

Tuy vậy, tính vượt trội, sự năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu, động lực, dẫn dắt đối với vùng và cả nước có chiều hướng suy giảm, kinh tế tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh quốc tế còn thấp.

“Những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc chưa được giải quyết dứt điểm thì nhiều khó khăn, thách thức mới phát sinh, trở thành điểm nghẽn cản trở sự phát triển của TP” – Bộ Chính trị nhìn nhận và cho rằng điều này chủ yếu là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghị quyết, tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ý thức trách nhiệm, vì lợi ích chung của một số cấp ủy, chính quyền và một bộ phận cán bộ, đảng viên của TP chưa cao.

Bên cạnh đó, một số ban, bộ, ngành trung ương chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời cho TP, dẫn đến một số chủ trương thực hiện chậm hoặc chưa đầy đủ, nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được tháo gỡ, giải quyết.

Yêu cầu ban hành các chính sách, pháp luật vượt trội

Một điểm đáng chú ý trong Nghị quyết 31 là Bộ Chính trị yêu cầu ban hành các chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP, đáp ứng yêu cầu phát triển TP trong giai đoạn mới.

“Thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho HĐND và UBND TP nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực. Cụ thể là quản lý đầu tư; tài chính – ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động” – Bộ Chính trị nhấn mạnh.

Thí điểm chính sách mang tính đột phá để TP chủ động huy động nguồn lực tài chính đầu tư cho phát triển. Giữ tỉ lệ điều tiết ngân sách TP theo mức hiện nay đến hết năm 2025 và tiếp tục giữ ở mức không thấp hơn trong các năm tiếp theo. Qua đó tạo điều kiện để TP có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư phát triển các dự án hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Cùng đó là ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; cho thí điểm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với công nghệ trong lĩnh vực tài chính và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế. Xây dựng cơ chế đột phá thu hút nguồn lực đầu tư phát triển và thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa, thể thao…

“Cho TP được thực hiện cơ chế cần thiết để xử lý những dự án đầu tư, những công trình tồn đọng nhiều năm do vướng mắc về cơ chế, thủ tục” – nghị quyết nêu.

Ngoài ra, Bộ Chính trị yêu cầu TP.HCM thực hiện sơ kết việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị, tiếp tục hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền TP tinh gọn, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Cho phép HĐND TP quyết định việc giao một số nhiệm vụ theo quy định pháp luật, thuộc chức năng của các sở, ngành chuyên môn cho UBND TP Thủ Đức, chủ tịch UBND TP Thủ Đức trong phạm vi địa bàn TP Thủ Đức.

Đồng thời quyết định tổ chức bộ máy trực thuộc TP Thủ Đức, vị trí việc làm, cơ cấu số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại các phường, xã, thị trấn dựa trên hoạt động kinh tế, quy mô dân số và đặc điểm địa bàn.•

NGUYỄN THẢO

Thông tin chi tiết xem tại đây.