Cán bộ làm công tác dân số nghiêm túc phòng chống dịch nCoV

0
111

GiadinhNet – Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh trong cuộc họp giao ban lãnh đạo Tổng cục ngày 7/2, yêu cầu toàn hệ thống làm công tác dân số nghiêm túc phòng chống dịch nCoV theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và ngành Y tế.

Cán bộ làm công tác dân số nghiêm túc phòng chống dịch nCoV - Ảnh 1.
Cán bộ làm công tác dân số nghiêm túc phòng chống dịch nCoV - Ảnh 2.

Cuộc họp giao ban Tổng cục Dân số sáng ngày 7/2. Ảnh: PV

Không chủ quan, thực hiện phòng chống dịch chủ động, quyết liệt, trách nhiệm

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú cho biết, ngay từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (nCoV) xảy ra và có ca đầu tiên xác định dương tính tại Việt Nam (ngày 23/1), Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt. Ngày 23/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện yêu cầu các Bộ ngành, địa phương phải quyết liệt phòng, chống dịch nCoV. Ngày 1/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra tại 3 tỉnh: Khánh Hoà, Vĩnh Phúc, Thanh Hoá.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCoV gây ra, các Bộ, ban, ngành đã liên tiếp có nhiều công văn chỉ đạo. Riêng Bộ Y tế đã ban hành trên 30 văn bản hướng dẫn chuyên môn về giám sát, cách ly, điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ… khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm nCoV. Quyết tâm của ngành Y tế là phát hiện dịch ở đâu, khoanh vùng, dập dịch ở đó, không để dịch lây lan trong cộng đồng. Khi có ca bệnh dương tính, tập trung điều trị, hạn chế thấp nhất số ca tử vong vì bệnh.

Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú thông tin, hiện Việt Nam có 12 ca dương tính với nCoV, đã chữa khỏi 3 ca, những ca còn lại tình hình sức khỏe đang tiến triển tích cực. Để có được kết quả trên là nhờ Việt Nam đã vào cuộc rất quyết liệt với các phương án toàn diện, hiệu quả để sẵn sàng phát hiện, khoanh vùng, cách ly, điều trị, dập dịch. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng dự đoán trong thời gian tới, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với trình độ và năng lực đã được minh chứng, ngành Y tế Việt Nam tự tin sẽ đủ khả năng ngăn chặn dịch bệnh này.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, toàn hệ thống chính trị nói chung, cũng như hệ thống làm công tác dân số nói riêng không chủ quan, thực hiện phòng chống dịch chủ động, quyết liệt, trách nhiệm, luôn luôn đặt cao hơn, đi trước một bước để phòng chống thành công dịch bệnh do chủng mới của virus corona gây ra.

Tăng cường tuyền thông, dự phòng bệnh tật cho người dân

“Chúng ta quán triệt tinh thần không chủ quan, luôn chủ động phòng chống dịch. Tất cả cán bộ của ngành từ Trung ương đến địa phương cùng chung tay với ngành Y tế phòng chống dịch bệnh”, ông Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Tổng cục trưởng yêu cầu toàn hệ thống làm công tác dân số phải thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, khuyến cáo của cơ quan có thẩm quyền. Với đội ngũ cán bộ và hơn 163.000 cộng tác viên dân số tâm huyết, có kinh nghiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, công tác dân số chủ động sát cánh cùng ngành Y tế, vừa thực hiện công tác truyền thông dân số vừa tăng cường truyền thông, dự phòng bệnh tật cho người dân. Ngoài kênh thông tin truyền thống, cần sử dụng cả mạng xã hội, tin nhắn… để truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Chia sẻ với PV Báo Gia đình & Xã hội, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú cho biết: “Đây là lúc chúng ta thể hiện rõ trách nhiệm của cán bộ làm công tác dân số, cùng vào cuộc hỗ trợ công tác dự phòng ở địa phương, cùng với ngành Y tế tất cả vì sức khoẻ của người dân, giúp người dân hiểu rõ và bình tĩnh ứng phó, yên tâm tin tưởng”. Tổng cục trưởng yêu cầu cán bộ, cộng tác viên dân số trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân bảo vệ sức khỏe theo khuyến cáo của ngành Y tế hình thành thói quen tốt trong thực hành chống dịch như: Đeo khẩu trang đúng cách, tăng cường vệ sinh tay; nâng cao sức đề kháng cá nhân bằng cách tập thể dục, ăn chín uống sôi và đủ chất. đến cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Cung cấp cho người dân các thông tin về dấu hiệu bệnh dịch corona (nCoV) và cách phòng tránh, các đường dây nóng, các địa điểm xét nghiệm dịch và địa chỉ bệnh viện.

Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cũng cho biết đã quán triệt cán bộ không tham dự các lễ hội đông người, nhấn mạnh công tác tuyên truyền theo đúng tinh thần của Chính phủ, ngành Y tế, không viết và đưa tin thất thiệt về dịch trên mạng xã hội, sẽ xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn

Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, năm 2020, công tác dân số cần nỗ lực tập trung vào mục tiêu chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Về công tác truyền thông, cần tập trung đẩy mạnh tổ chức thực hiện có hiệu quả hoạt động truyền thông chuyển đổi hành vi về công tác dân số ở các cấp, tạo sự đồng thuận trong xã hội; sản xuất, nhân bản và cung cấp sản phẩm truyền thông đến với người dân.

Đối với công tác chuyên môn, Tổng cục Dân số cần hướng dẫn, đôn đốc theo dõi các địa phương, đơn vị thực hiện mô hình, giải pháp nâng cao chất lượng dân số, cơ cấu dân số. Trong đó, tập trung hướng dẫn các tỉnh/thành phố triển khai thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ chuyên môn nhằm thực hiện mục tiêu điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng trên phạm vi toàn quốc theo hướng giảm sinh ở nơi có mức sinh cao; sinh đủ hai con ở nơi có mức sinh thấp và duy trì mức sinh ở nơi đã đạt mức sinh thay thế. Ở các tỉnh/thành phố có mức sinh cao, cần tập trung đầu tư hoàn thành chỉ tiêu về các biện pháp tránh thai, ưu tiên đảm bảo thuốc thiết yếu, vật tư tiêu hao và các chi phí dịch vụ kèm theo; tận dụng lợi thế của Chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/chăm sóc sức khỏe sinh sản, xây dựng kế hoạch, đầu tư có trọng điểm tổ chức Chiến dịch tại những nơi khó tiếp cận dịch vụ, khó hoàn thành chỉ tiêu.

Ở các tỉnh/thành phố có mức sinh thấp và có mức sinh xung quanh mức sinh thay thế cần đáp ứng dịch vụ tránh thai miễn phí cho đối tượng chính sách của chương trình. Mở rộng triển khai tiếp thị xã hội và xã hội hóa phương tiện tránh thai/dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho các đối tượng có khả năng chi trả; đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ, nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và mở rộng nội dung các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; hỗ trợ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

Về việc kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành kế hoạch triển khai giai đoạn I (2016-2020) thực hiện Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố, tập trung vào các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh trên 110 trẻ trai/100 trẻ gái.

Duy trì Mô hình Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân tại các địa bàn đã triển khai năm 2019; xây dựng và thí điểm các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tiếp tục thực hiện sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên toàn quốc…

Một nhiệm vụ quan trọng cần triển khai trong năm 2020 là tăng cường việc thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện việc vi phạm về tuyên truyền phổ biến các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi và siêu âm chọn giới tính khi sinh dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại các tỉnh, thành phố. Kiểm tra chuyên đề đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ kế hoạch hóa gia đình; kiểm tra thường xuyên việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ tại các tỉnh, thành phố.

N.Mai

Hà Thư