Những cách bảo vệ người cao tuổi trước dịch COVID-19

0
141

GiadinhNet – Nước ta đã bước vào giai đoạn 3 của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 khi có những thay đổi về nguồn bệnh – 3 cán bộ y tế mắc COVID-19, trong đó có 1 ca lây nhiễm chéo khi trực tiếp điều trị cho người bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Đây là thời gian cao điểm của cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19. Trong cuộc chiến này, trên thế giới, một trong những nguyên nhân gây tử vong cao đó là do dân số già, người có bệnh lý nền.

Những cách bảo vệ  người cao tuổi trước dịch COVID-19 - Ảnh 1.
Những cách bảo vệ  người cao tuổi trước dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Người cao tuổi là đối tượng cần được quan tâm, chăm sóc và phòng tránh trước dịch bệnh. Ảnh: Phan Hân

Người cao tuổi – nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, người cao tuổi là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất; hơn 80% ca tử vong do COVID-19 ở Trung Quốc là người trên 60 tuổi.

Tại châu Âu, Italy là nước có tỷ lệ tử vong cao nhất do COVID-19, tỷ lệ tử vong của Italy ở mức 9%, cao gấp đôi trung bình toàn cầu. Đây là nước có dân số già thứ hai thế giới sau Nhật Bản, với khoảng 23% người trên 65 tuổi. Các chuyên gia y tế cho rằng, yếu tố nhân khẩu học này là một trong những lý do khiến tỷ lệ tử vong ở Italia cao. Viện Y tế Quốc gia (ISS) cho biết, độ tuổi trung bình của người tử vong do SARS-CoV-2 ở Italy là 78,5 và tuổi trung bình của người nhiễm là 63. Khoảng 98,8% người chết vì COVID-19 có ít nhất một bệnh lý nền, dựa trên nghiên cứu về 3.200 ca tử vong ban đầu ở nước này.

Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, theo số liệu Tổng điều tra Dân số và Nhà ở ngày 1/4/2019, số người cao tuổi là 11,4 triệu người, chiếm 11,9% dân số. Phần lớn số người khuyết tật là người cao tuổi, trong tổng số 3,27 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên thì có 2,36 triệu người cao tuổi khuyết tật, chiếm tỷ lệ 72,2% tổng số người khuyết tật.

Từ năm 2011, theo điều tra quốc gia về người cao tuổi thì nhiều người cao tuổi có sức khỏe kém, trung bình có 3-4 bệnh, phần lớn là bệnh mạn tính. Đối với các ca mắc COVID-19 đến nay tại Việt Nam thì sức khỏe hầu hết bệnh nhân ổn định, tuy nhiên có 3 ca nặng đều trên 60 tuổi và có bệnh nền.

Tăng cường quan tâm, phòng chống dịch bệnh cho người cao tuổi

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy, trong việc phòng, chống dịch COVID-19 ở nước ta, người cao tuổi cần phải đưa vào diện ưu tiên trong mọi ứng phó với dịch bệnh, trong cung cấp thông tin, hỗ trợ cũng như cung cấp các dịch vụ y tế cần thiết.

Thông qua các phương tiện truyền thông dễ tiếp cận, đơn giản, dễ hiểu, có hình ảnh minh họa, phù hợp với từng đối tượng người cao tuổi họ cần được cảnh báo về mức độ rủi ro mà họ đang gặp phải trong bối cảnh dịch bệnh, đặc biệt là những người đã mắc các bệnh nền từ trước (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…).

Người cao tuổi cần được biết về các bước tự phòng tránh và bảo vệ bản thân theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới. Cần chú ý và quan tâm đến người cao tuổi sống một mình, có bệnh tật, người nghèo, khuyết tật…), vì trong bối cảnh bệnh tật và hạn chế đi lại, họ sẽ bị cô lập, thậm chí cần phải cung cấp cả thiết bị để họ tiếp cận thông tin. Con cái, thành viên gia đình cần tăng cường quan tâm người cao tuổi, thăm hỏi, động viên, chăm sóc để người cao tuổi tránh bị cô lập và sợ hãi. Tại các trung tâm bảo trợ xã hội có người cao tuổi cần phải đặc biệt chú ý đến người cao tuổi hơn nữa đến việc nuôi dưỡng, chăm sóc trong thời gian này.

Mặt khác, cũng cần phát huy vai trò của người cao tuổi thông qua Hội Người cao tuổi tại cơ sở, các câu lạc bộ, các mô hình chăm sóc người cao tuổi dựa vào cộng đồng như mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau trong việc tuyên truyền, truyền thông tại cộng đồng về các khuyến cáo của Bộ Y tế về dịch bệnh COVID, cũng như các cách thức phòng, chống dịch và tham gia vào việc phòng, chống dịch.

Một trong các kiến nghị đối với Chính phủ trong báo cáo một số nhận định sơ bộ về tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với một số lĩnh vực xã hội, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã kiến nghị Chính phủ “chỉ đạo các Bộ, ngành, Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam và Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam quan tâm phối hợp hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh đối với đối tượng yếu thế, người cao tuổi, người khuyết tật”.

 Nguyễn Hồng Ngọc – Vụ Các vấn đề xã hội, Văn phòng Quốc hội