Thụy Điển đã ngừng sử dụng chloroquine trị COVID-19 vì tác dụng phụ

0
104

Suckhoedoisong.vn – Việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine để điều trị bệnh nhân COVID-19 đã bị dừng lại ở một số bệnh viện Thụy Điển do các tác dụng phụ được báo cáo như chuột rút và mất thị lực ngoại biên. Bệnh viện Đại học Sahlgrenska là một trong những cơ sở đó, đã ngừng sử dụng chloroquine trong điều trị COVID-19 khoảng hai tuần trước.

TS Magnus Gisslen, Bệnh viện Đại học Sahlgrenska cho biết, có những báo cáo về nghi ngờ tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc này hơn chúng ta nghĩ. Chúng tôi không thể loại trừ các tác dụng phụ nghiêm trọng, đặc biệt là từ tim và đây là một loại thuốc khó dùng. Ngoài ra, chúng tôi không có bằng chứng mạnh mẽ nào cho thấy chloroquine có tác dụng với COVID-19.

Không có thuốc đặc hiệu nào được sử dụng để điều trị COVID-19, nhưng một số người đã ủng hộ việc sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine. Tại Mỹ, chính phủ liên bang đã dự trữ 29 triệu viên thuốc hydroxychloroquine để điều trị COVID-19, Newsweek đưa tin. Việc sử dụng hydroxychloroquine để điều trị COVID-19 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ phê duyệt mới đây, mặc dù các nghiên cứu khoa học về hai loại thuốc chống sốt rét này đã cho kết quả hỗn hợp.

Chloroquine được dùng để ngăn chặn hoặc điều trị sốt rét do muỗi đốt ở các quốc gia nơi có bệnh sốt rét phổ biến. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ. Một số người dùng thuốc này trong thời gian dài hoặc với liều cao đã bị hỏng võng mạc mắt. Ngoài ra thuốc có thể gây tiêu chảy, nôn mửa, đau bụng. Các phản ứng nghiêm trọng về da – sốt, đau họng, sưng mặt hoặc lưỡi, nóng mắt, đau da, kéo theo là phát ban đỏ hoặc tím (đặc biệt là ở mặt hoặc phần phía trên của cơ thể) và gây ra phồng rộp và bong tróc…

Chloroquine và hydroxychloroquine vẫn đang được các nhà khoa học thử nghiệm trong điều trị COVID-19. Một số người đã tự ý mua về uống dự phòng COVID-19 và đã xảy ra ngộ độc (ở Việt Nam), hoặc tử vong như trường hợp hai vợ chồng bang Arizona (Mỹ).

Bích Ngọc (Theo Drugs 4/2020)
Nguồn tin : Báo SỨC KHỎE & ĐỜI SỐNG Online