Phòng chống dịch bệnh COVID-19 đòi hỏi sự tham gia của tất cả mọi người, đòi hỏi phải tuân thủ những quy định và hình thành những quy tắc ứng xử mới. Mới đây, TCYTTG cũng đã hướng dẫn thực hành chuẩn bị nơi làm việc để chủ động ứng phó với dịch COVID-19 qua chuyên đề “Getting your workplace ready for COVID-19”. Trong đó có hướng dẫn các bước chuẩn bị tổ chức cuộc họp và sự kiện (gọi tắt là cuộc họp), đòi hỏi phải tuân thủ những chuẩn mực mới để chủ động ứng phó với dịch COVID-19.
Trước cuộc họp:
1) Kiểm tra những quy định từ chính quyền địa phương nơi bạn dự định tổ chức cuộc họp hoặc sự kiện, làm đúng theo những quy định của chính quyền địa phương (ví dụ số lượng người tối đa tham dự cuộc họp).
2) Xây dựng và thống nhất một kế hoạch sẵn sàng để ngăn ngừa lây nhiễm tại cuộc họp do bạn tổ chức:
– Xem xét liệu một cuộc họp gặp mặt trực tiếp thật sự có cần thiết. Nó có thể được thay thế bằng một họp trực tuyến hay không?
– Cuộc họp có thể thu nhỏ lại để ít người tham dự hơn không?
– Xác minh thông tin và các kênh liên lạc trước với các đối tác quan trọng như cơ quan y tế công cộng và chăm sóc sức khỏe.
– Chuẩn bị đủ khăn giấy và dung dịch sát trùng tay cho tất cả người tham gia. Sẵn sàng khẩu trang để cung cấp cho bất cứ ai cần (do quên mang) .
– Chủ động nắm bắt tình hình dịch COVID-19 tại các địa phương của những người tham dự cuộc họp. Khuyên những người sẽ tham gia cuộc họp nếu có bất kỳ triệu chứng nào hoặc cảm thấy không khỏe, thì không nên tham dự.
– Đảm bảo tất cả mọi người (tổ chức, người tham gia, người cung cấp thực phẩm,…) cung cấp chi tiết liên lạc: số điện thoại di động, email và địa chỉ nơi họ đang ở. Các chi tiết của họ sẽ được chia sẻ với các cơ quan y tế địa phương nếu bất kỳ người tham gia nào bị bệnh và nghi ngờ nhiễm. Bất cứ ai không đồng ý với điều kiện này đều không thể tham dự cuộc họp.
3) Xây dựng và thống nhất kế hoạch ứng phó trong trường hợp có bất kỳ ai trong cuộc họp bị bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19 (ho khan, sốt, khó chịu). Kế hoạch này bao gồm ít nhất:
– Chọn trước một phòng hoặc một khu vực cách ly tạm dành cho những người cảm thấy không khỏe hoặc có các triệu chứng để được cách ly một cách an toàn.
– Có sẵn kế hoạch để chuyển người có triệu chứng một cách an toàn đến cơ sở y tế.
– Biết phải làm gì nếu có người tham gia cuộc họp (cả nhân viên hoặc nhà cung cấp dịch vụ) có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 trong hoặc ngay sau cuộc họp.
4) Thống nhất trước với bộ phận y tế của cơ quan hoặc của đối tác (nơi tổ chức cuộc họp) về những kế hoạch trên.
Trong cuộc họp:
1) Cung cấp thông tin tóm tắt, bằng miệng hoặc bằng văn bản, về COVID-19 và các biện pháp mà cơ quan tổ chức cuộc họp đang thực hiện để đảm bảo cuộc họp này an toàn cho người tham gia.
– Xây dựng lòng tin, ví dụ thực hành cách nói xin chào thay thế cho bắt tay hoặc ôm hôn chào xã giao.
– Khuyến khích rửa tay thường xuyên hoặc sử dụng dung dịch sát trùng tay nhanh cho tất cả những người tham gia tại cuộc họp hoặc sự kiện.
– Khuyến khích mọi người dùng khuỷu tay để che mặt hoặc khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi. Cung cấp khăn giấy và thùng rác đậy nắp kín.
– Cung cấp chi tiết địa chỉ liên lạc hoặc số điện thoại đường dây nóng về sức khỏe mà người tham gia có thể gọi để được tư vấn hoặc cung cấp thông tin.
2) Bố trí dễ thấy các hộp đựng dung dịch sát trùng tay nhanh xung quanh nơi họp.
3) Sắp xếp chỗ ngồi sao cho người tham dự cuộc họp ngồi cách nhau ít nhất 1 mét.
4) Mở cửa sổ và cửa ra vào bất cứ khi nào có thể để đảm bảo phòng họp luôn được thông thoáng.
5) Nếu có bất cứ ai cảm thấy không khỏe, thực hiện theo kế hoạch chuẩn bị của ban tổ chức hoặc gọi đến đường dây nóng của ban tổ chức. Tùy thuộc vào những chuyến đi gần đây của người tham gia, đặt người đó vào phòng cách ly, chuyển đến một cơ sở y tế để được hiểm tra, đánh giá lại.
6) Nói cảm ơn tất cả những người tham gia đã hợp tác và tuân thủ các quy định tại chỗ.
Sau cuộc họp:
1) Giữ lại tên và chi tiết liên lạc của tất cả những người tham gia cuộc họp trong ít nhất một tháng. Điều này sẽ giúp các cơ quan y tế công cộng theo dõi những người có thể đã tiếp xúc với COVID-19 nếu một hoặc nhiều người tham gia bị bệnh ngay sau cuộc họp hoặc sự kiện.
2) Nếu ai đó tại cuộc họp được xác định là trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, nhà tổ chức nên thông báo cho những người tham gia biết để tự theo dõi sức khoẻ và đo nhiệt độ ngày hai lần trong 14 ngày.
3) Nếu họ bị ho nhẹ hoặc sốt nhẹ, họ nên ở nhà và tự cách ly. Điều này có nghĩa là tránh tiếp xúc gần (dưới 1 mét) với những người khác, bao gồm cả các thành viên trong gia đình. Đồng thời báo cho nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc cơ sở y tế công cộng của địa phương, cung cấp thông tin chi tiết về chuyến đi và các triệu chứng gần đây của họ để được kiểm tra lại.