Hội thảo lấy ý kiến Ban ngành – Đoàn thể “Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số”

0
174

Bà Tô Thị Kim Hoa – Phó Giám Đốc Sở Y tế
chủ trì “Hội thảo lấy ý kiến góp ý 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số” tại TP.HCM.

Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 09/01/2003, có hiệu lực từ ngày 01/05/2003 và Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 Pháp lệnh Dân số được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa VII thông qua ngày 27/12/2008, có hiệu lực thi hành từ 01/02/2009 (sau đây gọi chung là Pháp lệnh Dân số).

Pháp lệnh Dân số gồm 40 điều, 7 chương điều chỉnh toàn diện vấn đề về Dân số như quy mô Dân số, cơ cấu Dân số, phân bổ dân cư, chất lượng Dân số và các biện pháp thực hiện công tác Dân số nhằm nâng cao trách nhiệm của công dân, nhà nước và xã hội trong công tác Dân số; tăng cường thống nhất quản lý nhà nước về Dân số.

Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số có ý nghĩa quan trọng
trong việc xây dựng Luật Dân số.

Ngày 07/05/2013, Sở Y tế và Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thành phố tổ chức “Hội thảo góp ý tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số” trên cơ sở lấy ý kiến góp ý, căn cứ tình hình thực tiễn ghi nhận các giải pháp hiệu quả từ các Sở, Ban ngành – Đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội tác động đến lĩnh vực DS-KHHGĐ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo chủ yếu lấy ý kiến các đại biểu tập trung các nhóm vần đề tác động đến quá trình thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn thành phố bao gồm 6 lĩnh vực:
+ Tỷ lệ tăng dân số cơ học vẫn ở mức cao trong nhiều năm.
+ Tận dụng cơ hội “cơ cấu dân số vàng”.
+ Phân bổ dân cư không đều giữa các quận – huyện.
+ Tỷ số nạo phá thai vẫn ở mức cao so với bình quân cả nước.
+ Các vấn đề về nâng cao chất lượng Dân số.
+ Các vấn đề Dân số phát sinh trong thực tiễn.

Ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng văn hóa xã hội – Viện nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực.

Hội thảo đã ghi nhận được nhiều ý kiến và giải pháp quan trọng xuất phát từ kinh nghiệm thực tế trong hoạt động quản lý của các lãnh đạo Ban ngành – Đoàn thể thành phố, cụ thể:
– Về điều chỉnh quy mô Dân số: Theo Ông Lê Văn Thành – Trưởng phòng văn hóa xã hội – Viện nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực nhận định nguyên nhân khiến quy mô thành phố liên tục tăng không giảm trong nhiều năm liền là do sức đẩy ở nông thôn quá lớn trong khi TP.HCM có sức hút nguồn nhân lực là khá cao, đặc biệt đối với lực lượng lao động trẻ trong việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Do đó Pháp lệnh Dân số cần có quy định chính sách phát triển liên vùng.

Bác sỹ Nguyễn Ngọc Thông – Giám Đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản thành phố
đề xuất chính sách Dân số cần quy định đưa nội dung giáo dục giới tính, tình dục an toàn
và biện pháp tránh thai hiệu quả vào giảng dạy chính quy tại các trường học
nhằm giảm thiểu tình trạng nạo phá thai ở vị thành niên – thanh niên.

Ông Nguyễn Công Tĩnh – Trưởng phòng khoa giáo – Ban tuyên giáo thành Ủy cho rằng
công tác DS-KHHGĐ luôn được Đảng và nhà nước quan tâm trong nhiều năm qua

– Về cơ cấu Dân số: Nhằm mục tiêu tận dụng cơ hội “cơ cấu Dân số vàng”, các đại biểu thống nhất cần phải có phương hướng phát triển nguồn nhân lực, đào tạo phải có chất lượng, phân bổ nguồn nhân lực vào các ngành nghề hợp lý trên cơ sở đảm bảo giảm thiểu tình trạng thừa và thiếu lao động ở các ngành. Trong đó, truyền thông thay đổi tư tưởng nhận thức người dân trong định hướng nghề nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng góp phần phát triển đồng đều nguồn nhân lực.

– Nội dung nâng cao chất lượng Dân số là chủ đề được nhiều đại biểu đánh giá về kết quả đạt được của ngành Dân số thành phố trong nhiều năm qua, các đại biểu cũng đề xuất cần đưa vào chính sách chi trả Bảo hiểm Y tế cho nội dung nâng cao chất lượng Dân số đầu đời đối với Bà mẹ mang thai và trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, Hội thảo cũng đã ghi nhận được nhiều ý kiến quan trọng cho công tác DS-KHHGĐ. Kết luận chỉ đạo, Bà Tô Thị Kim Hoa – Phó Giám Đốc Sở Y tế đánh giá cao các ý kiến, giải pháp đóng góp cho báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số từ các Sở, Ban ngành – Đoàn thể, tổ chức chính trị – xã hội về tham dự Hội thảo, các ý kiến đã hướng tới được:
+ Kết quả hoạt động thực tiễn, những yếu kém, khuyết điểm và bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức triển khai Pháp lệnh Dân số và các văn bản pháp luật liên quan;
+ Mức độ thi hành, nguyên nhân và những khó khăn, vướng mắc cụ thể trong việc thi hành mỗi vấn đề điều chỉnh.
+ Nêu được các khuyến nghị bổ sung các quy định chưa phù hợp của Pháp lệnh Dân số; luật hóa được các quy định của pháp lệnh Dân số và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan vào dự án Luật Dân số.

Bác sỹ Đỗ Thị Ngọc Diệp – Giám đốc Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM nhận định
cần tăng cường thay đổi nhận thức trong người dân về định hướng nghề nghiệp phù hợp
nhằm tận dụng tối đa nguồn nhân lực.

Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sỹ Trần Lâm Lan Hương – Giám Đốc Trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM

Một số hình ảnh ghi nhận trong Hội thảo:

 

Bà Lê Thị Thanh Nhã – Sở Văn hóa thể thao du lịch
đề xuất Mô hình tập huấn kiến thức Tiền hôn nhân cho cặp nam – nữ trước khi đăng ký kết hôn

Bác sỹ Trần Hữu Phúc – Phó phòng chỉ đạo tuyến – Bệnh viện Từ Dũ đề xuất
đưa vào Luật Dân số nội dung hạn chế tuổi bà mẹ và đa thai trong thụ tinh nhân tạo
để đảm bảo chất lượng Dân số đầu đời

Ông Trần Minh Tài – Phó cục trưởng – Cục thống kê thành phố
đề xuất phương án phát triển liên vùng nhằm giải quyết tăng quy mô Dân số