Nhận biết sớm sa sút trí tuệ

0
107

VN nằm trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Già hóa dân số dẫn đến sự gia tăng số lượng người cao tuổi mắc sa sút trí tuệ.

Đây là căn bệnh xảy ra do thoái hóa các tế bào thần kinh não, đòi hỏi chi phí điều trị và chăm sóc lâu dài. Mặc dù số lượng người cao tuổi gặp các vấn đề về sa sút trí tuệ đang có chiều hướng tăng nhưng nhận thức của cộng đồng về bệnh lý này còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, người mắc sa sút trí tuệ thường chỉ được phát hiện ra khi đã ở giai đoạn vừa và nặng, gây khó khăn, tốn kém trong việc điều trị và chăm sóc.

Phân biệt với chứng lẫn của người già

Sa sút trí tuệ hay gặp nhất là suy giảm trí nhớ, suy giảm nhận thức, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người bệnh. Ví dụ như: quên đường, lạc đường dù đó là nơi quen thuộc; quên tên hoặc không biết cách dùng đồ vật quen thuộc; để đồ vật ở chỗ khác thường (chìa khóa cất vào tủ lạnh); quên công việc mình làm hằng ngày (giáo viên nhưng quên không đến lớp dạy học, giảng bài…); khó khăn trong quản lý tài chính (không nhớ có bao nhiêu tiền; mất ngôn ngữ, mất dấu câu chuyện (bị quên nội dung câu chuyện đang kể…); sử dụng sai đồ dùng, chọn sai quần áo (mùa đông nhưng mặc quần áo mùa hè)…

 

Khám sàng lọc sa sút trí tuệ trong cộng đồng tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư

Liên Châu

Theo Bệnh viện Lão khoa T.Ư (Hà Nội), người có các biểu hiện sa sút trí tuệ nên đi khám sớm để can thiệp hiệu quả. Nên vận động thể lực phù hợp 30 phút/ngày, duy trì 5 ngày/tuần. Chẩn đoán bệnh sa sút trí tuệ chủ yếu dựa vào các triệu chứng và sử dụng các trắc nghiệm thần kinh – tâm lý giúp xác định chính xác và mức độ nặng của bệnh.

Sa sút trí tuệ là bệnh, không phải là chứng “lẫn” của người già. Khoảng 70% sa sút trí tuệ là người bị Alzheimer do teo não. Ngoài ra do các nguyên nhân khác: tổn thương thần kinh sau tai biến, chấn thương… Đáng lưu ý, sa sút trí tuệ hiện đã gặp ở người trong độ tuổi 50, dù đây là bệnh mà hầu hết các bệnh nhân là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên).

“Sa sút trí tuệ là bệnh, không phải là chứng “lẫn” của người già. Khoảng 70% sa sút trí tuệ là người bị Alzheimer do teo não. Đáng lưu ý, sa sút trí tuệ hiện đã gặp ở người trong độ tuổi 50, dù đây là bệnh mà hầu hết các bệnh nhân là người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên).”

Cần tầm soát phát hiện sớm

Bệnh viện Lão khoa T.Ư đã triển khai chương trình khám tầm soát “Nhận biết sớm sa sút trí tuệ tại cộng đồng”. Người cao tuổi khi tham gia chương trình được cung cấp kiến thức về sa sút trí tuệ, cũng như khám tầm soát phát hiện sớm để được tư vấn kịp thời từ các chuyên gia thần kinh.

Trong đợt đầu tiên, chương trình đã tầm soát cho 150 người trên 60 tuổi đang sinh sống trên địa bàn phường Phương Mai, Nam Đồng (Q.Đống Đa, Hà Nội), người cao tuổi tại Trung tâm dưỡng lão Nhân Ái và người bệnh, người nhà người bệnh tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư. Tham gia chương trình là các trường hợp chưa từng được chẩn đoán sa sút trí tuệ.

Trong tháng 4.2023, Bệnh viện Lão khoa T.Ư sẽ ra mắt CLB người bệnh sa sút trí tuệ và người chăm sóc; qua đó tạo dựng cộng đồng thân thiện với người mắc sa sút trí tuệ, tạo không gian sinh hoạt, giao lưu cho người chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ, chuyên gia sẽ tư vấn thêm kiến thức, kỹ năng chăm sóc người bệnh tại gia đình. Tham gia CLB là các cá nhân quan tâm về sa sút trí tuệ. 

Thay đổi lối sống để ngừa sa sút trí tuệ

Tiến sĩ Victor Garlock, giáo sư ngành tâm lý đã nghỉ hưu ở New York (Mỹ), tác giả cuốn The Gift of Psychology; Your Genius Inside: Sleep, Dreams, and Hypnosis, vừa có một bài viết chuyên sâu về bệnh sa sút trí tuệ trên trang The Citizen. Theo bài báo, khoảng 2% người 65 tuổi bị sa sút trí tuệ, và tỷ lệ này tăng gấp đôi sau mỗi 5 năm. Mặc dù di truyền có góp phần trong việc phát triển chứng sa sút trí tuệ ở một người, nhưng kết quả nghiên cứu trong những thập niên gần đây đã chứng minh các hành vi lối sống đóng vai trò lớn hơn.

Thông qua các nghiên cứu, Hiệp hội Alzheimer Mỹ đã chỉ ra các hành vi lối sống giúp ngăn ngừa sa sút trí tuệ. Theo đó, hoạt động thể chất đứng đầu danh sách được khuyến nghị. Lối sống ít vận động gây ra nhiều nguy cơ cho chứng bệnh này. Với người lớn tuổi, Hiệp hội Alzheimer Mỹ gợi ý chơi một môn thể thao phù hợp, khiêu vũ và bơi lội là những lựa chọn tốt. Việc chuyển từ lối sống ít vận động sang thói quen tập thể dục thường xuyên sẽ làm giảm khả năng phát triển bệnh Alzheimer tới 45%.

Hoạt động tinh thần đứng thứ hai trong danh sách. Đọc sách, tham gia vào các cuộc trò chuyện, làm những việc có tính nghệ thuật và thủ công, học ngôn ngữ hoặc một loại nhạc cụ, hay viết lách… đều hữu ích.

Không hút thuốc, hạn chế rượu bia và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, kiểm soát cân nặng phù hợp là những yếu tố quan trọng tiếp theo để ngăn ngừa bệnh sa sút trí tuệ.

Cuối cùng, các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tầm quan trọng của các tương tác xã hội. Tăng lượng thời gian dành cho các tương tác, giao tiếp , trò chuyện trực tiếp sẽ ngăn ngừa sự suy giảm tinh thần theo nhiều cách. 

Phương An

Thông tin chi tiết xem tại đây.