Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số Việt Năm 2012: Hội thảo Sàng lọc trước sinh và sơ sinh lần 5: Giọt máu nhỏ, hiệu quả lớn

0
184

GiadinhNet – Nhiều vấn đề nóng liên quan đến sàng lọc trước sinh, sơ sinh cũng như Đề án Nâng cao chất lượng dân số khu vực phía Nam đã được đại biểu thảo luận sôi nổi.

Hội thảo Sàng lọc trước sinh và sơ sinh lần 5: Giọt máu nhỏ, hiệu quả lớn 1

Tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh. Ảnh: Thanh Dũng.

Hội thảo do Tổng cục DS-KHHGĐ, Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) và BV Từ Dũ – TPHCM đồng chủ trì vừa được tổ chức với sự tham dự của lãnh đạo ngành dân số 23 tỉnh, thành phía Nam cùng các chuyên  gia đầu ngành trong nước và quốc tế…

Tiến bộ đặc biệt

Trong số các tiến bộ khoa học liên quan đến sàng lọc trước sinh được báo cáo tại Hội thảo, đáng chú ý nhất là báo cáo sử dụng mẫu máu khô để sàng lọc trước sinh sớm của TS. Anna Hart người Canada. Vị chuyên gia thuộc Perkin Elmer-đơn vị hàng đầu thế giới về cung ứng giải pháp, chiến lược sàng lọc, đã giới thiệu mô hình sàng lọc trước sinh tương tự mô hình sàng lọc sơ sinh bằng mẫu máu khô lấy từ gót chân trẻ sơ sinh mà Việt Nam đang áp dụng. Điều khác biệt ở chỗ, giọt máu khô trong sàng lọc trước sinh được lấy từ đầu ngón tay thai phụ ở quý 1 thai kỳ.

Mặc dù nhấn mạnh sự tiện lợi về nhiều mặt khi ứng dụng tiến bộ mới này so với quy trình sàng lọc trước sinh sử dụng huyết thanh hiện nay, song TS. Anna  Hart cũng khuyến cáo các xét nghiệm trên huyết thanh vẫn chỉ ra nhiều chỉ số hơn. “Vì vậy, những nơi đang áp dụng sàng lọc trước sinh sử dụng huyết thanh nên giữ nguyên. Tiến bộ mới này có nhiều ý nghĩa khi được ứng dụng ở những nơi chưa được triển khai sàng lọc trước sinh”, TS. Anna Hart nói.

TS. Anna Hart cũng dẫn ra một số quốc gia đang xem xét đưa ứng dụng tiến bộ này trong sàng lọc trước sinh như: Ấn Độ, Trung Quốc, Ukraine, Hà Lan, Tây Ban Nha, Hy lạp, Brazil, Argentina. Riêng Hoa Kỳ, Nga, Canada, Italia, Bồ Đào Nha đã ứng dụng tại một số địa phương.

TS. Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đánh giá cao tiến bộ này, đặc biệt trong bối cảnh công tác sàng lọc trước sinh tại Việt Nam còn chưa có điều kiện triển khai rộng khắp, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. “Tiến bộ sàng lọc trước sinh bằng giọt máu khô có ý nghĩa đặc biệt với hoàn cảnh của nước ta. Trong năm 2013, chúng ta sẽ thực hiện thí điểm trên một địa phương, sau đó tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm. Nếu kết quả tốt đẹp thì mới tiến hành ứng dụng đại trà”, Tổng cục trưởng chỉ đạo.

Mở rộng địa bàn sàng lọc sơ sinh

Nhiều báo cáo tiến bộ mới liên quan đến sàng lọc trước sinh tại Hội thảo như: Sàng lọc trước sinh sớm hơn ở thai 9-10 tuần; Giá trị PLGF trong sàng lọc quý 1 thai kỳ (GS. Howard Cuckle-Hoa Kỳ); Giá trị MCH & MCV trong sàng lọc Thalassemia trước sinh (Ths.BS Nguyễn Khắc Hân Hoan); Chương trình sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể (BS. Trịnh Nhựt Thư Hương). Bạn đọc quan tâm tham khảo tại địa chỉ www.tudu.com.vn.

Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 23 tỉnh, thành phía Nam được bắt đầu từ năm 2007. Theo thống kê từ BV Từ Dũ-Trung tâm sàng lọc phía Nam, giai đoạn 1 của Đề án (2007-2010) đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc sơ sinh trên 82.142 trẻ. Giai đoạn 2 của đề án bắt đầu từ năm 2011 đến 2015. Thống kê riêng trong năm 2012 đã có 75.647 trẻ/23 tỉnh, thành được sàng lọc sơ sinh bằng mẫu máu gót chân. Qua thời gian thực hiện, phía Trung tâm Sàng lọc thuộc BV Từ Dũ cho rằng cần tiếp tục mở rộng sàng lọc sơ sinh trên diện rộng hơn nữa. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu sàng lọc sơ sinh cho 100.000 trẻ trong năm 2013. Đồng thời giới thiệu mẫu giấy thấm lấy mẫu mới với nhiều cải tiến về chất lượng giấy và hình thức trình bày.
Dịp này, đại diện ngành DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có những chia sẻ thiết thực về kinh nghiệm vận động các nguồn lực thực hiện sàng lọc sơ sinh. Theo Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, BS. Tôn Thất Khoa: Ngoài nguồn lực từ TƯ ngành cần xây dựng đề án một cách cụ thể làm cơ sở tăng cường nguồn lực ngân sách địa phương. BS. Khoa cũng đề cập đến công tác truyền thông, như là yếu tố đầu tiên quyết định sự thành công trong sàng lọc sơ sinh tại địa phương mình. Theo BS. Khoa: Nên duy trì tồn kho mẫu lấy máu gót chân để tránh bị động thiếu mẫu. Đồng thời kiến nghị đưa sàng lọc sơ sinh trở thành hoạt động thường qui của khoa sản để đảm bảo 100% trẻ được sàng lọc sơ sinh. Phương án này được đa số các đại biểu đồng tình.
Thanh Giang